Năm 2001 ở cái tuổi 18, gia cảnh khó khăn rồi thi rớt Đại học… Buồn tình tôi ngồi viết mấy dòng thơ tự sự:
Trăm chiều ngược xuôi
Biết đâu là bờ
Nơi đâu là cuối!
Cơm áo gạo tiền
Đau khổ triền miên
Đam mê danh vọng
Lo lắng ưu phiền
Ta tìm góc vắng
Ngả lưng nhìn đời
Đảo điên số phận
Muốn bỏ cuộc chơi
Muốn lên đỉnh núi
Tan vào trùng khơi
Muốn xuống đại dương
Chôn vùi lỗi tội…
Thất vọng và chán nản cuộc sống nên hay thả hồn trong thi ca, và nhạc phẩm Mưa Hồng của Trịnh Công Sơn với lời ca ấn tượng : Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ! đã đưa quan niệm cuộc sống của tôi về một hướng khác.
Tiểu thuyết gia người Canada Stephen Leacock viết : Cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta mới kỳ lạ làm sao ! Khi còn bé, ta thường bắt đầu câu chuyện của mình bằng câu nói : ‘Sau này lớn lên tôi sẽ…’. Đến khi lớn lên rồi, ta lại nói : ‘Khi nào trưởng thành tôi sẽ…’. Và khi kết hôn xong, ta vẫn mơ màng : ‘Đến lúc được ngỉ hưu tôi sẽ…’. Rồi đến khi nghỉ hưu, nhìn lại cuộc đời, con người ngỡ ngàng khi thấy dường như có một cơn gió lạnh đã cuốn trôi tất cả..
Nhiều bạn trẻ than thở rằng cuộc sống sao chán quá, nặng nề quá, mệt mỏi quá…và đó là lý do để các bạn không chịu suy tư làm việc và cống hiến. Các bạn luôn đòi hỏi cuộc sống phải diễn ra đúng với ý muốn và sở thích của mình. Thế nên có những bạn đi học cho có lệ chứ không muốn nỗ lực trau dồi kiến thức, có bạn mới hai mươi tuổi mà đã trải qua 4 hay 5 nơi làm việc…chỉ vì chỗ nào cũng không như ý của mình. Chán nản, hụt hẫng với cuộc sống, thiếu kiến thức vào đời nên nhiều bạn lao mình vào hưởng thụ với chất kích thích và các tệ nạn xã hội để rồi đánh mất cả đời người.
Thi sĩ Horace của La mã viết :
Hạnh phúc thay cho một người, và chỉ những người
Dám khẳng định rằng ngày hôm nay là ngày của riêng họ
Họ sống thật bình tâm và thốt lên trong niềm kiêu hãnh :
Ngày mai ư ? Mặc kệ ! Vì tôi đã sống hết mình cho ngày hôm nay
Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh