SINH HOẠT HỘI DÒNG Suy niệm hàng tháng Cùng với cộng đoàn làm chứng cho tình yêu

Cùng với cộng đoàn làm chứng cho tình yêu

Bài suy niệm Tháng 01/2020

 

CÙNG VỚI CỘNG ĐOÀN LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU

***

       Có thể thực hiện sứ mệnh tông đồ mà không cần cộng đoàn hay không? Thi hành  sứ vụ tông đồ tự mình mà không bị ai chi phối và cũng không phải dính dáng gì đến một cộng đoàn cụ thể, đôi khi xem ra như có thể dễ dàng và thuận tiện hơn. Vậy thì tại sao phải quan tâm đến đời sống cộng đoàn trong sứ vụ làm chứng cho Chúa? Hy vọng những phút suy niệm hôm nay có thể giúp chúng ta tìm gặp câu trả lời trên bình diện nguyên tắc cho vấn nạn quan trọng trên. Trong những suy niệm kế tiếp, chúng ta sẽ nhìn đến khía cạnh thực hành cụ thể.

       Trước hết, chúng ta cần nhớ lại rằng sứ mạng ngàn đời của Giáo Hội là chính sứ mạng của Chúa Giêsu được tiếp tục trong thời gian. Chúa Giêsu đã đến trong thế gian với sứ mạng giải thoát nhân loại khỏi tất cả mọi sức mạnh đang áp bức con người, đặc biệt giải thoát con người khỏi thần dữ, khỏi tội lỗi và khỏi mọi hậu quả của tội lỗi đang cô độc hóa con người, để dẫn dắt con người trở lại con đường hòa giải và hiệp thông với Thiên Chúa và với đồng loại (LBTM 9).

       Với và nhờ ơn sủng cứu rỗi của Chúa, tất cả mọi người có thể tìm lại được ánh sáng và sức mạnh để vượt thắng các hàng rào ngăn cách do tội lỗi gây ra, để mở rộng tâm hồn và vươn lên hướng về Thiên Chúa, vừa tiến đến với đồng loại để xây dựng cộng đồng hiệp thông: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). “Rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” là dẫn dắt họ vào trong đời sống hiệp thông trong tình thương của Chúa Cha cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, sứ mạng tông đồ của bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, đều được đặt nằm trong khung cảnh của sự hiệp thông. Người tông đồ dấn thân trong lãnh vực truyền giáo là người đã có kinh nghiệm được ơn giải thoát khỏi sức mạnh của ma quỷ và khỏi tội lỗi, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại, và vì vậy, muốn thông truyền và chia sẻ với tất cả mọi người ơn cứu độ đã lãnh nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô, để anh chị em cũng được sống trong nguồn hạnh phúc của sự hiệp thông. Hơn nữa, trong Hiến chế về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium), Công đồng Vatican II mạnh mẽ nhắc lại rằng: Thiên Chúa muốn thánh  hóa và cứu rỗi nhân loại không phải như những phần tử riêng rẽ, không có liên quan chi với nhau, nhưng đã muốn quy tụ tất cả lại thành một dân tộc, biết nhìn nhận Ngài trong thánh thiện” (GH 9). Ơn cứu rỗi đến với mỗi người trong một cộng đoàn, và biến đổi mỗi người từ bên trong để người đó được hiệp thông trong một cộng đoàn. Chính trong ý nghĩa này, mà Tông huấn “Loan Báo Tin Mừng” (Evangelium Nuntiandi) đã xác định rằng: “Những người đã thành thực chấp nhận Tin Mừng, và chính vì lý do đó và vì cùng một đức tin, họ hợp nhau nhân danh Chúa Giêsu, để cùng nhau tìm kiếm, kiến tạo và sống Nước Trời… Những ai đã lãnh nhận Tin Mừng, cũng như những người đã được triệu tập lại thành cộng đoàn của ơn cứu chuộc, có thể và phải thông truyền và quảng bá Tin Mừng khắp nơi” (LBTM 13).

       Tóm lại, chúng ta có thể nói: Không sống Tin Mừng, thì làm sao rao giảng Tin Mừng. Mà sống Tin Mừng, điều đó có nghĩa là sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Và như thế, chúng ta hiểu rằng: sống đời sống cộng đoàn trong tinh thần hiệp thông trở thành thiết yếu cho sứ mạng tông đồ của mọi thành phần Giáo Hội. Lúc đó chúng ta hiểu rằng: vấn đề chính cần được nêu ra là: làm sao để canh tân đời sống cộng đoàn cho được trổ sinh nhiều hoa trái, chứ không còn là vấn đề: đời sống cộng đoàn có cần thiết cho sứ mạng tông đồ truyền giáo hay không?

       Trở về với Phúc Âm, nhất là với Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ, như được ghi lại trong Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 17, chúng ta không khỏi không nhận thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự hiệp thông và hiệp nhất giữa các tông đồ với nhau để làm chứng cho Chúa, để thế gian tin vào Chúa. Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại như sau:

       “Lạy Cha, Con không còn ở thế gian nữa, song họ còn ở thế gian. Con trở về với Cha. Lạy Cha chí thánh, xin vì danh Cha mà gìn giữ những kẻ mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một… Con không cầu nguyện cho họ mà thôi, song Con cầu nguyện cho hết những kẻ sẽ tin Con, vì lời họ giảng dạy. Con cầu cho họ nên một. Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, chớ gì họ cũng nên một với chúng ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã cho họ thông phần vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một. Như vậy, thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như Cha đã yêu Con” (Ga 17,11.21-23).

       Những lời trên đây đã quá rõ để giúp chúng ta thêm xác tín rằng để làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu, người tông đồ không thể nào bỏ qua sự hiệp thông với Chúa và với nhau, “để thế gian tin”.

       Lạy Chúa, xin thương giúp mỗi người chúng con sống trong sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em, để tiếp tục sứ mạng làm chứng cho Chúa. Amen.

Sr. Anna Hoàng Mai, MTG.Thủ Đức

Exit mobile version