Cùng với Chúa mà vượt qua những khó khăn

191

Bài suy niệm tháng Tháng 10/2019

 

CÙNG VỚI CHÚA MÀ VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN

 ***

       Một điều hiển nhiên là cuộc đời tông đồ trong thế giới hôm nay phải đối diện với nhiều khó khăn đủ loại. Khó khăn đầu tiên trong công việc tông đồ là sự thờ ơ dửng dưng của nhiều người, nhất là trong những xã hội tân tiến vật chất. Với bao cố gắng, người tông đồ tổ chức các khóa học hỏi giáo lý, hoặc chuẩn bị các buổi cầu nguyện… nhưng chẳng mấy người tham dự. Thái độ dửng dưng khước từ này giống như thái độ của những người được Chúa mô tả trong dụ ngôn tiệc cưới. Họ từ chối lời mời đến dự tiệc vì bận bịu công việc: người thì bận đi thăm thửa ruộng mới tậu, kẻ thì phải đi thử đôi bò mới mua, người khác nữa từ chối lời mời vì mới cưới vợ (x. Mt 22,1-6; Lc 14,16-24).

       Loại khó khăn thường gặp trong đời tông đồ là những thái độ thù nghịch với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài được biểu hiện qua những cấm đoán, ngăn cản, đàn áp, bách hại… Đứng trước những khó khăn đó, những khó khăn mà với sức loài người xem ra như không thể thắng vượt được, phản ứng tự nhiên là chán nản, chùn bước hay chạy trốn, như ngôn sứ Giona trước sứ mệnh thành Ninivê. Trong những giây phút bị thử thách như vậy, người tông đồ cần nhớ rằng sự thờ ơ hay chống đối kia chỉ là hiện tượng hời hợt bên ngoài mà thôi, chớ không biểu lộ, cũng không bóp chết đi khát vọng sâu xa của bản tính con người hướng về sự giải thoát của ơn cứu rỗi, hướng về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết như sau trong Tông huấn Rao Giảng Tin Mừng, số 76: “Mặc dầu có nhiều dấu hiệu từ khước Thiên Chúa, nhưng thế giới hôm nay đang tìm kiếm Ngài qua những nẻo đường ta không ngờ, và đang đau đớn cảm thấy thiếu thốn Thiên Chúa”.

       Tận trong thâm tâm của mỗi người, cả của những kẻ chống đối Ngài, vẫn có niềm thao thức sâu xa hướng về Thiên Chúa, bởi vì, theo nhận xét của thánh Augustinô, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống Ngài, và hướng về Ngài, nên con người sẽ còn mãi mãi khắc khoải, bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa.

       Như vậy, thế giới càng dửng dưng hay chống đối Thiên Chúa, thì người tông đồ càng cần phải nhiệt tâm làm chứng cho Chúa. Thay vì thối chí ngã lòng trước hoàn cảnh, người tông đồ phải mở lòng lắng nghe tiếng kêu cứu của thế giới, lắng nghe khát vọng sâu xa từ tâm hồn con người, một tâm hồn bị khô cằn vì thiếu vắng Thiên Chúa, giống như thửa đất khô đang trông chờ cơn mưa. Và không phải chỉ lắng nghe tiếng kêu của thế giới hay của con người mà thôi, người tông đồ còn phải và nhất là mở rộng tâm hồn mình lắng nghe tiếng Chúa, cần sống kết hợp nhiều hơn nữa với Chúa, ngõ hầu con tim tông đồ của mình được hòa nhịp với con tim của Chúa, Đấng yêu thương nhân loại, yêu thương từng người, và vẫn tiếp tục yêu thương cho đến cùng, cả khi con người sống thờ ơ hay có thái độ chống lại Ngài. Thiên Chúa cần các trung gian con người, để đánh động tâm hồn tất cả mọi người, để ban ơn cứu rỗi cho tất cả. Thiên Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ Ngài. Thiên Chúa cần đôi tay chúng ta để tiếp tục ban phát ơn lành; cần đôi môi chúng ta để nói lên những lời an ủi và khích lệ; cần thân xác chúng ta để tiếp tục chịu đau khổ mà cứu rỗi thế giới; cần trọn cả con người chúng ta để tiếp tục chương trình cứu chuộc nhân loại (Michel Quoist, Lời Kinh). Thiên Chúa cần trọn cả con người chúng ta… Đáp lại, chúng ta hãy để cho trọn cả con người mình, trọn cả cuộc đời mình được thấm nhập sâu vào trong Thiên Chúa. Đây là điều mà những bậc thầy tu đức thường gọi là “thống nhất cuộc sống, quy tụ trọn cả cuộc sống về một mối” là Chúa Giêsu Kitô. Nếu không đạt tới thực tại này, người tông đồ khó mà vượt qua những khó khăn, trở ngại trên đường làm chứng cho tình yêu Chúa. Những lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, để chuẩn bị các ngài chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng khắp thế gian, những lời nhắn nhủ đó cần được mỗi người chúng ta lắng nghe và thực hành trong cuộc sống:

       “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho; anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là ngành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Gn 15,4-5)… Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em (Gn 15,18.20)… Không những Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ, mà Ngài còn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho họ nữa. Chương 17 Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Chúng ta có thể đọc lại vài lời như sau:

       “Lạy Cha, con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Gn 17,14-21).

       Để thực hiện tốt việc ở lại trong Chúa, như đoạn Phúc Âm trên vừa nhắc lại cho chúng ta, thì một trong những điều căn bản mà người tông đồ cần thực hành là cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh cụ thể, và để cho Chúa trở thành động lực duy nhất thúc đẩy và soi sáng cho các hành động và phản ứng của mình. Sức mạnh mà người tông đồ cần để thắng vượt những khó khăn, những chống đối, những thử thách trong cuộc đời làm chứng cho Chúa, sức mạnh cần thiết đó đến từ Thiên Chúa, chứ không từ điều gì hay từ ai khác.

       Lạy Chúa, xin ngự đến trong con và ban cho con tràn đầy sức mạnh Chúa, để con có thể trung thành làm chứng cho Chúa cho đến cùng. Amen.

Sr. Anna Hoàng Mai, MTG.Thủ Đức