Chào mừng năm mới với niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thường vào dịp đầu năm là thời gian thuận tiện để mình định hướng cho chương trình sống và thực thi sứ vụ cho cả năm. Tuy nhiên, dù hoạch định thế nào, chúng ta cũng phải khởi đi từ những định hướng căn bản của đời dâng hiến.
Bài viết này theo sự gợi ý từ Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam[1], Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng[2] và bài nói chuyện của Đức tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc với hội nghị các Bề trên thượng cấp tại K’long ngày 05/01/2013.
I. NHỮNG HẠT GIỐNG VẪN ÂM THẦM NẢY MẦM CHUẨN BỊ CHO MÙA XUÂN GIÁO HỘI
1. Sống đời tri ân cảm tạ
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 117,1)
Tri ân Chúa, đấng đã khở hứng và ban tràn trào linh ân cho các đấng sáng lập dòng. Đời sống dòng tu hoạ lại chính đời sống Chúa Kitô: cầu nguyện, rao giảng, chữa lành, giáo dục… Chúa vẫn tiếp tục đồng hành, tiếp tục tin tưởng, tiếp tục nâng đỡ hội dòng suốt chiều dài lịch sử của hội dòng, tu viện…
Giáo hội và các thành phần dân Chúa ghi nhận những đóng góp quý báu cho Giáo hội. ĐGH Phanxicô trong ngày 27/11/2013 khi gặp gỡ các Bề trên thượng cấp đã ngỏ lời: “Xin tri ân về những gì anh chị em tu sĩ đã làm. Xin cám ơn về tinh thần đức tin và sự phục vụ của anh chị em. Xin cám ơn về việc sống chứng nhân và sự bách hại mà anh chị em đã vượt qua.”
Chúng ta cảm tạ tri ân Chúa đã thương chọn gọi mỗi người chúng ta mặc dầu mình bất xứng. Hơn nữa, Ngài đã mời gọi chúng ta đóng góp và cùng nhau xây dựng hội dòng. Qua đời sống huynh đệ và nhiệt tâm thi hành sứ vụ đã khơi gợi nhiều bạn trẻ đến với dòng, khám phá ra nét đẹp của linh đạo và đoàn sủng dòng.
Từ đoàn sủng cao quí đó, thần khí đã dẫn dắt dòng trải qua những thăng trầm của cuộc hành trình hình thành và phát triển. Chúng ta vui mừng đón nhận nhiều hoa trái thiêng liêng của việc “sống với Chúa và được sai đi” (Mc 3,14). Và tất nhiên, chúng ta cũng phải trải qua những khó khăn và thử thách, nhờ đó dẫn đến xác tín về tình yêu Thiên Chúa.
“Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống.”[3]
2. Sống niềm vui Tin Mừng
Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) của ĐGH Phanxicô vừa công bố ngày 26/11/2013 đã tạo ra một sự quan tâm rất lớn trong Giáo hội. Nội dung của Tông huấn diễn tả những nét tươi mới của Tin Mừng cần được khám phá và loan báo.
Niềm Vui Tin Mừng là niềm vui của Chúa. Chúa là “Nguồn vui của lòng con” (Tv 43,4). Chúng ta vừa trải qua những ngày mừng lễ Giáng Sinh thật trang nghiêm sốt sắng. Niềm vui trong mầu nhiệm Giáng Sinh là niềm vui Tình Yêu Xuống Thế. Tình yêu của đấng nhập thể và cấm lều giữa chúng ta (x.Ga 1,14).
Niềm vui của Thiên Chúa, đấng trở nên “bé nhỏ, yếu ớt” của phận người. Đó là biểu hiện cao nhất của tình yêu Thiên Chúa, đấng đã hạ mình xuống làm một con người như chúng ta và vì thế làm tăng phẩm giá của chúng ta, những con người phàm hèn.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 5 đã cho chúng ta những trưng dẫn cần thiết.
“Tin Mừng, tỏa sáng vinh quang của Thập Giá Đức Kitô, luôn luôn mời gọi chúng ta đếnsự vui mừng. Đan cử một vài thí dụ là đủ: “Mừng vui lên” là lời chào của thiên sứ với Đức Maria (Lc 1:28). Chuyến thăm viếng bà Elizabeth của Mẹ Maria chắc chắn làm cho thánh Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (x. Lc 1:41). Trong thánh thi của mình, Mẹ Maria công bố: “Thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:47). Chính Chúa Giêsu đã “vui mừng trong tác động của Chúa Thánh Thần” (Lc 10:21).
Sứ điệp của Người là một nguồn vui: “Thầy nói với các con những điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được nên trọn” (Ga 15:11). Niềm vui Kitô của chúng ta phát ra từ nguồn mạch trái tim tràn đầy của Người. Người hứa với các môn đệ: “Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16:20). Và Người khẳng định: “Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai sẽ lấy mất niềm vui khỏi các con được” (Ga 16:22). Sau đó, các môn đệ khi thấy Người sống lại và “đã vui mừng” (Ga 20:20).
Sách Tông Đồ Công Vụ kể cho chúng ta rằng trong cộng đồng tiên khởi họ đã “ăn uống thức ăn của họ với sự vui mừng” (Cv 2:46). Những môn đệ này đi đến đâu “thì có niềm vui lớn lao ở đó” (Cv 8:8); và ngay cả giữa sự bách hại, họ được “tràn đầy niềm vui” (Cv13:52). Một thái giám, vừa được rửa tội, đã “vui mừng lên đường” (Cv 8:39), và viên cai ngục “đã vui mừng với tất cả mọi người trong nhà vì đã tin vào Thiên Chúa” (Cv 16:34). Tại sao chúng ta cũng không nhập vào dòng sông vui mừng này?”
Giáo hội là cộng đoàn sống niềm vui. Vẻ đẹp của người sống đời dâng hiến là thể hiện niềm vui. Niềm vui là dấu hiệu duy nhất mà ngay cả những người không tin cũng có thể hiểu được.
“Những ai tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ cảm nghiệm một sự bình an trong tâm hồn mà không ai và không có gì có thể lấy đi được. Niềm vui của chúng ta là Đức Kitô. Có thể nói rằng, một Kitô hữu buồn là người ở xa Chúa Kitô. Nhưng chính vì vậy, chúng ta không được để họ cô đơn, nhưng phải cầu nguyện cho họ và giúp họ cảm nghiệm sự ấm áp của cộng đoàn.”
Cám ơn Chúa về những niềm vui mà chúng ta cảm nghiệm hằng ngày từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống như một đáp trả đối với lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta: con ơi, hãy xử tốt với mình theo khả năng của con. Đừng đánh mất hạnh phúc của một ngày. (Hc 14,11.14) (X.NVTM 4)
II. TÌM LẠI MÙA XUÂN CỦA GIÁO HỘI
Chúng ta cần khám phá và loan báo Tin Mừng với cung cách mới, những nét tươi vui của Tin Mừng. Chúng ta tìm kiếm một phong cách nhất định của người ra giảng và thực hiện phong cách ấy trong bất cứ hoạt động nào của việc loan báo Tin Mừng. Từ khao khát về mùa xuân của Giáo hội, chúng ta bước vào cuộc hành trình của niềm vui và nhận ra nội lực của Giáo hội.
Một Giáo hội không sợ hãi thế giới hiện đại, biết tìm kiếm các hình thức mới cho việc loan báo Tin Mừng và biết đảm đương sứ mệnh của mình hơn, biết từ bi hơn, can đảm hơn để làm tất cả các thay đổi cần thiết.
Một Giáo Hội biết vượt qua nỗi sợ hãi để ra khỏi trói buộc cơ cấu và có thể đánh mất sự an toàn giả tạo – điều đã làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc và khiến việc rao giảng Tin Mừng kém hiệu quả.
Một Giáo Hội biết từ bỏ mô hình kinh tế khiến tiền bạn trở nên một thần tượng tạo ra một xã hội chênh lệch và một nền văn hóa loại trừ, thờ ơ.
Một Giáo Hội trong đó có sự quan tâm dành cho người nghèo và cam kết mạnh mẽ cho một xã hội công bằng và một thế giới hòa bình.
1. Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo
Từ cuộc khủng hoảng đại kỷ nghệ (1930), các ĐGH cũng như các vị lãnh đạo của các quốc gia đều đặt trọng tâm vào vấn đề phát triển con người toàn diện, đặt biệt thăng tiến phẩm giá và điều kiện sống của người nghèo, những người bị áp bức và những người bị gạt ra bên lề xã hội, nhất là tại những quốc gia nghèo đói thuộc Chấu Á – Phi – Mỹ Latinh.
Sắc lệnh chức vụ và đời sống các linh mục đã gọi các linh mục là những con nợ của người nghèo. ĐGH Phanxicô đã cố gắng thể hiện và mong muốn Giáo hội là Giáo hội của người nghèo, cho người nghèo. Ngài kể lại khi cơ mật viện đã chọn ngài ngày 13/03/2013, vị Hồng y Claudio Hummes, nguyên tổng Giám mục Sao Paolô (Brazil), đã nhắc nhở đừng quên người nghèo.
Thực ra các nghị quyết của Đại hội Giám mục Á Châu tại Manila (1970) đã ra tuyên ngôn chúng tôi quyết làm cho Giáo hội ở Á Châu là Giáo hội của người nghèo. Trong thông điệp Giáo Hội Tại Á Châu (sô 7), ĐHG Gioan Phaolô II đã liệt kê những hình thức nghèo khổ, họ là những người bị gạt ra bên lề xã hội. Họ là những người sống trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, văn hoá và đạo đức. Họ là những công nhân nghèo, những người di dân, những người tị nạn chiến tranh, thiên tai, những người khuyết tật và các dân tộc thiểu số.
“Tôi có thể nói rằng những niềm vui đẹp nhất và tự nhiên nhất mà tôi thấy trong đời tôi lànhững niềm vui của những người rất nghèo, những người có rất ít để bám vứu vào. Tôi cũng nhớ những niềm vui đích thực của những người khác, ngay cả giữa những nhiệm vụ cấp bách của nghề nghiệp, đã giữ một tâm hồn đầy tin tưởng, đại lượng và đơn giản. Bằng nhiều cách khác nhau, những niềm vui này rút ra từ nguồn mạch tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, được tỏ lộ nơi Đức Chúa Giêsu Kitô.” (NVTM 7)
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch HĐGMVN trong buổi gặp gỡ các bề trên thượng cấp đã nêu một số vấn đề mang tính định hướng mục vụ.
– Của người nghèo: Giáo hội do Chúa Giêsu Kitô thiết lập, xuất thân từ những nguời nghèo, bao gồm phần lớn là những người nghèo, thì trong Giáo hội, người nghèo phải có chỗ đứng, có tiếng nói. Người nghèo không thể mãi là những người thấp cổ bé miệng.
– Cho người nghèo: Nghèo vật chất, nghèo văn hóa, nghèo tâm linh, nghèo giá trị, những người bị khinh thường, bị ức hiếp, những người tật bệnh đói khổ, người già yếu cô đơn. Giáo hội phải lưu tâm nhiều hơn đến những hạng người này, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, chia sẻ nếp sống của họ, chia sẻ của cải cho họ, trợ giúp thực tế khi họ cần.
Những hệ luận thực tế là: nếp sống khó nghèo của các thành viên có ơn gọi đặc biệt như giáo sĩ và tu sĩ, các giáo phận và giáo xứ, các Dòng tu, “bớt xây dựng các cơ sở có quy mô quá lớn và tốn kém quá nhiều”.
2. Canh tân nếp sống và cách làm việc
Như đức Gioan Phaolô II đã nói với các Giám mục Châu Đại Dương: “Tất cả mọi canh tân trong Hội Thánh phải coi truyền giáo như mục đích, để không rơi và nguy cơ của Hội Thánh qui về chính mình.” (Tông huấn GH tại Châu Đại Dương, ngày 22/01/2001).
Vấn đề hệ trọng hiện nay là canh tân nếp nghĩ, nếp sống và cung cách làm việc. Đức TGM Phaolô nhắc nhở chúng ta:
Cần mạnh dạn triệt để canh tân nếp sống và cách làm việc của mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là của các thừa tác viên trong Hội thánh; cần chú trọng tới chất lượng của việc đào tạo nhiều hơn là số lượng. Phải củng cố và tăng cường “đời sống cầu nguyện” nơi mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là nơi các giáo sĩ và tu sĩ, vì ngày nay ảnh hưởng xấu của khuynh hướng “duy thế tục” quá nặng nề, ngay cả trong tu viện, chủng viện, trong đời sống gia đình cũng như giáo xứ.
Cần nhấn mạnh nhiều hơn nữa đến chiều sâu đức tin, đến sự gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, đến chỗ đứng của Lời Chúa và bí tích. Một cách đặc biệt, cần sự canh tân mục vụ bí tích khai tâm và bí tích Hòa giải. Quan trọng hơn cả vẫn là sự cần thiết phải có gương sáng trong lòng Hội thánh, nhất là gương sáng của các mục tử, các nhà đào tạo, các bề trên trong cộng đoàn, các phụ huynh trong gia đình.
Các vị Bề trên Thượng cấp thân mến,
Ngoài đường hướng đã được vạch ra trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi đề ra một vài dấu nhấn, để tránh sự hiểu lầm có thể có nơi một số người nghĩ rằng Giáo hội tại Việt Nam không đi vào “thực tế đời sống”, mà chỉ nói chung chung. Chúng tôi rất ý thức “cần phải đưa Ánh sáng Chúa Kitô”, đưa “Ánh sáng Đức tin” (Lumen Fidei) vào trong cuộc sống thực tế của xã hội hôm nay, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể nhấn mạnh một số điều cơ bản. Phần còn lại là công việc của mỗi người Kitô hữu muốn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Nói đến những dấu nhấn không có nghĩa là bỏ những điều tốt lành mà xưa nay chúng ta quen thực hiện, hoặc bỏ qua những hạng người không được đề cập đến trong bài nói chuyện này. Ví dụ, nói nhiều đến người nghèo không có nghĩa là bỏ các doanh nhân hay những người có điều kiện sinh sống tốt. Trong Giáo hội Công giáo, chúng ta vẫn có thói quen “bao hàm”, chứ “không loại trừ” (làm điều này, không bỏ điều kia, lo cho những hạng người này, không bỏ rơi những hạng người khác).
3. Tân phúc âm hoá để thông truyền đức tin
Đó là chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XIV (ngày 07 – 28/10/2012). Các Giám mục Việt Nam đã triển khai chủ đề trên, các ngài đã giải thích
“Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”.
Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh.” (NVTM 1).
Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.
Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.” (Thư chung HĐGMVN 10/2013, Số 4)
4. Giáo hội, cơ cấu đi đến
“Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, nhữngphong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, hơn để tự bảo toàn.” (NVTM 27)
Chân phước Gioan XXIII đã nói: “nếu Hội Thánh không đến với nhân loại, nhân loại sẽ bỏ Hội thánh.” Tông huấn NVTM Số 49: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọingười sự sống của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires:
Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục.”
Hội thánh Việt Nam đã bước qua tuổi 54, cần mạnh dạng hơn, có định hướng cụ thể cho việc truyền giáo. Như kiểu nói của Đức Phanxicô: Hội thánh đi ra. Hội thánh không chỉ ở trong tháp ngà. Do đó, đường hướng cụ thể
a/. Các giáo phận phải đặt sứ vụ truyền giáo lên hàng đầu. Cần có kế hoạch truyền giáo qui mô và triệt để. Cần phải cải tổ cơ cấu và đầu tư nhân sự, vật chất cho sứ vụ ưu tiên này. Để được vậy ngay trong trường Đại chủng viện các ứng sinh linh mục phải được đào sâu và thực tập truyền giáo. Phải coi các ứng sinh có thao thức về vấn đề truyền giáo, một trong những dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô.
b/. Cần phải xác định ranh giới của các giáo xứ cần phải bao gồm cả khu vực ngoại giáo kế cận. Mỗi giáo xứ được trao cho một công tác truyền giáo cụ thể.
c/. Các dòng tu cần có định hướng cụ thể nơi các vùng lương dân: hiện diện và hoà mình nơi anh chị em lương dân.
d/. Cần có những khoá bồi dưỡng về tinh thần truyền giáo, những kỷ năng, phương pháp để anh chị em giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hun đúc tinh thần nhiệt tâm tông đồ. Cần có sự nâng đỡ đặc biệt cho các vùng truyền giáo.
Kết luận: Cùng cảm nghĩ với Hội thánh
Hội thánh là dân Thiên Chúa, gồm những người Kitô hữu trung tín và thánh thiện. Sự thánh thiện được thể hiện: những người mẹ đang nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, những người cha đang lao nhọc để đem cơm gạo về cho gia đình, những người bệnh đang dâng những hy sinh, đau khổ để hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, các vị linh mục dù bị nhiều thương tích nhưng vẫn có nụ cười vì phụng sự Chúa. Các chị nữ tu chăm chỉ làm việc và sống thánh thiện. Tuy nhiên Hội thánh thánh thiện đang phải đối mặt với thế giới tách lìa Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Khi tuyên bố từ nhiệm, ĐGH Bênêdictô XVI đã nói rằng: “Thế giới đương đại đang trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng và đang vật lộn với các vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin.” ĐGH Phanxicô đã nói: “Hội thánh ngày nay cần hơn nữa: khả năng chữa lành và sưởi ấm các tâm hồn. Hội thánh cần có thái độ gần gũi, cận kề với nhân loại.”
Cùng cảm nghĩ với Hội thánh, đời sống thánh thiện của các tu sĩ nam nữ mang tính ngôn sứ. Họ là những người thức tỉnh Giáo hội và thế giới. Đặc sủng của ngôn sứ là làm men, làm chứng ta Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.
daminhvn.net
[1] Đại hội lần thứ 12 của HĐGMVN từ 07-11/10/2013, với chủ đề: Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc TânPhúc Âm hoá. Kết thúc Đại hội là Thư chung của HĐGMVN gửi cho dân Chúa ngày 10/10/2013
[2] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ĐGH Phanxicô được coi là dự phóng tương lai cho triều đại của ngài. Tông huấngồm 5 chương dài 220 trang, ban hành ngày 26/11/2013.
[3] Thư chung HĐGMVN 10/2013, Số 1