CỤC ĐÁ
Ai ai cũng biết đá có thể dùng làm móng, làm nền nhà, làm đường … chung chung nó có công dụng trong việc xây dựng. Thế nhưng ngoài công dụng chung chung đó nó còn là công cụ để người ta choảng nhau.
Lần nọ, đi về Tây Nguyên, 2 xe giành khách như thế nào đó để rồi có 1 cục đá khá to “chui” vào xe. May mà chỉ có trầy xướt nhẹ chứ chưa đến độ đổ máu. Chuyện nhà xe giành khách nhau trên đường thì ai hay đi xe thì sẽ hiểu.
Cục đá oan nghiệt ngày hôm đó may mà chỉ gây thương tích nhẹ.
Và, chắc có lẽ chúng ta khó quên được hình ảnh những cục đá mà người ta lăm lăm trên tay trong câu chuyện Tin Mừng theo Thánh Gioan kể đầu chương 8. Câu chuyện ấy rất quen thuộc với chúng ta. Câu chuyện kể về chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật thì dĩ nhiên người phụ nữ ấy bị ném đá cho đến chết.
May cho chị ! Ngày hôm ấy có Chúa Giêsu ở giữa chị và đám đông đó nên chị thoát chết.
Những hòn đá ngày hôm ấy bị bỏ xuống vì những người chuẩn bị ném đá nhận ra rằng mình là người có tội.
Sáng hôm nay, nói chuyện với người thân thì người thân nhắn : “Coi chừng chuẩn bị ăn đá đó nha !”
Câu nhắc này xem chừng chả có gì lạ vì lẽ trong cuộc sống, khi mình đứng về phía ai đó bị oan khiên thì sẽ bị những người hùng hùng hổ hổ ném đá người đó thì mình cũng sẽ bị ăn đá cùng với người đó. Âu cũng là chuyện bình thường trong cuộc đời.
Bình thường trong cuộc đời thì đá rất dễ kiếm và bất cứ ai cũng có thể tìm cho mình một cục đá nơi gần nhất. Chuyện quan trọng là mình có can đảm dùng hòn đá đó để ném vào ai đó hay không đó mới là chuyện quan trọng.
Ở đời mà ! Ai hoàn hảo, ai vô tội để rồi đi ném đá người khác. Có chăng là mình quá khôn khéo để mình che đậy con người của mình để không ai biết rằng mình là ác nhân thôi.
Có nhiều người trong cuộc sống là ác nhân và là sát nhân nhưng luôn tỏ vẻ ra mình nhân từ và đạo đức. Cuộc đời rất sợ những người như thế. Những người như thế họ sẵn sàng ném đá vào người khác bất cứ khi nào và bất cứ lúc nào. Hễ cứ có cơ hội là họ sẵn sàng ném đá vào người đồng loại chứ không hề thương tiếc.
Hòn đá cơ bản là thứ vô tri. Người cầm đá trên tay là người có tri. Thế nhưng lại là người có lương tri hay vô lương tri khi cầm đá thì lại khác.
Người có lương tri sẽ là người nhìn lại con người của mình trước khi ném đá vào người khác. Người bất lưng sẽ ném khi nào có thể và ném thật mạnh sức.
Với tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời, ai ai cũng có đá ở trên tay nhưng rồi mình có ném hay không lại là chuyện khác.
Sống thẳng, sống thật, sống bênh vực lẽ phải thường thì bị ăn đá và ăn đá âu cũng là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng rồi thà chết vinh còn hơn sống nhục. Thà sống thẳng thắn chân thành còn hơn giả tạo.
Chân thành hay giả tạo cũng là chuyện tự do của mỗi người. Người chân thành thường hay phản tĩnh hay nhìn lại chính mình để rồi không bao giờ ném đá người khác cả.
Chuyện ăn gạch đá xem chừng cũng đã quen vì thường hay nói lên chính kiến của mình. Những người thường nói chính kiến của mình âu sẽ có kinh nghiệm về sự bạc bẽo của cuộc đời.
Thầm nghĩ nên chăng bình tĩnh và để hòn đá xuống để đừng ném ai. Có khi mình ném người nhưng đến một ngày nào đó người ném lại mình thì thật đau khổ.
Những người trong câu chuyện Tin Mừng Gioan cũng là kinh nghiệm cho chúng ta trong cuộc sống. Từ người già bỏ đi hết sau cùng đến người cuối cùng. Chỉ còn lại ở cái “hội đồng xử án” ấy chỉ là mình Chúa Giêsu và người phụ nữ. “Thẩm phán” đã nói với tội nhân “Hãy đi và đừng phạm tội nữa. Tôi cũng không kết án chị đâu”.
Chúa không kết án chúng ta, hà cớ làm sao chúng ta lại đi kết án người khác ?
Thôi thì tự do, mỗi người chọn lựa cho mình một lối sống. Xem chừng sống thẳng, sống chân thành sẽ bình an hơn là giả tạo và điêu ngoa.
Lm. Anmai, CSsR