Cửa hẹp (Chúa Nhật 21 Thường niên_C)

177

CỬA HẸP

Chua Nhat XXI TNCPhải chăng chỉ có một ít người được cứu thoát? Thắc mắc này hẳn đã xuất phát từ lời giảng dạy của Chúa Giêsu về những điều kiện và những thái độ phải có để được vào Nước Trời. Thế nhưng qua câu trả lời, chúng ta nhận thấy điều quan trọng đối với Chúa Giêsu và cũng là điều Ngài muốn nói với những kẻ đã nêu lên câu hỏi, đó là người ta phải cố gắng, phải chiến đấu mới mong được vào Nước Trời, bởi vì một mặt cửa vào Nước Trời thì nhỏ hẹp, mặt khác, thời gian dành để cho người ta vào Nước Trời thì vắn vỏi.

Trong cuộc chiến đấu để được vào Nước Trời sẽ không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay đúng hơn, có gốc gác tốt. Ở đây Chúa Giêsu muốn nhắm đến những người Do Thái cứng lòng tin. Họ suy luận rằng: Tước hiệu dân riêng của Chúa, tước hiệu con cháu của Abraham, là một bảo đảm chắc chắn, là một tấm giấy ưu tiên để được vào Nước Trời. Thế nhưng tiên tri Isaia đã từng loan báo về cách xử sự của Thiên Chúa trong thời cứu chuộc, trong ngày phán xét: Ngài sẽ quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, Ngài sẽ dẫn đưa mọi người từ các dân nước mà đến. Sự phân biệt giữa người được vào bàn tiệc và kẻ ở ngoài, giữa người được ở trong bàn tiệc với Abraham, Isaac và Giacob, với kẻ bị đuổi ra chốn tối tăm, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng, giữa người được cứu chuộc và kẻ bị hư đi, lý do là ở chỗ họ có chiến đấu đủ và đúng thời đúng buổi để đi ngang qua khung cửa hẹp hay không?

Tất cả mọi người từ phương đông, phương tây, phương bắc, phương nam đều được đặt trong một điều kiện bình đẳng để được vào Nước Trời. Chính trong điều kiện này mà người sau hết có thể trở nên trước hết và những kẻ trước hết có thể tụt xuống sau hết. Nhu chúng ta đã thấy, điều quan trọng Chúa muốn nói đến đó là phải qua cửa hẹp, thế nhưng qua cửa hẹp là gì?

Tôi xin thưa qua cử hẹp là thi hành ý Chúa, là từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Chúa, là dám bán tất cả những gì mình có để làm phúc bố thí cho những kẻ nghèo túng, là liều mất mạng sống mình vì người khác. Nói tóm lại là đi con đường Chúa Giêsu đã đi.

Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước toà phán xét Ngài không hỏi chúng ta: Đã chịu phép Rửa tội chưa? Có phải là người công giáo hay không? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi đó là chúng ta có làm và sống như Chúa đã dạy hay chưa.

Lm. Xuân Trường, GP.Bắc Ninh