Trong khu vườn nọ, có hai cây si cùng lớn lên: Một cây mọc ở sát tường, cây kia thì ở giữa vườn. Một hôm, ông chủ ghé thăm thấy cây si giữa vườn um tùm cành lá; trầm ngâm một chút, ông quyết định lấy kéo cắt cành, tỉa lá và bứng cây vào chậu. Ông dùng sợi thép cứng và dài quấn lên mình cây. Trong chậu ông chỉ bỏ một lượng đất đủ để phủ gốc cây, và ông để mắt đến nó. Chứng kiến sự việc đó, cây si mọc sát tường nói với cây trong chậu: “Đáng thương quá bạn tôi ơi! Giá như tôi có thể làm gì đó để giúp bạn”. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, cây si đáp lại: “Bạn ở ngoài ấy tự do thoải mái thật là thích, còn tôi phải bị hành hạ khổ cực. Bạn biết không, những lần tôi bị ông chủ cắt tỉa, dù ông thầm thì an ủi vỗ về tôi, dòng nhựa trong mình tôi chảy ra ròng ròng đau đớn lắm! Suốt năm, cả chục lần như thế. Những cọng thép siết chặt vào mình tôi làm tôi thật khổ sở. Tôi không thể hiểu, sao ông chủ lại đối xử với tôi như thế. Phải chăng tôi đã làm sai điều gì khiến ông chủ ghét tôi? Tất cả mọi cây trong vườn đều được tự do lớn lên, tại sao chỉ có mình tôi là phải chịu cảnh khổ cực này?! Lòng tôi căm phẫn ông chủ – người đã cướp mất tự do của tôi”.
…Năm tháng trôi đi, hai cây cùng lớn lên. Cây mọc sát tường tuy cao lớn nhưng cành lá um tùm trông thật khó coi. Còn cây si được ông chủ chăm sóc giờ đây đã trở thành cây bonsai với dáng vẻ lạ mắt, ai nhìn vào cũng trầm trồ khen ngợi. Nhiều thương gia đến hỏi mua với giá rất cao mà vẫn chưa được chấp thuận. Bấy giờ cây si trong chậu mới hiểu ra lòng tốt của ông chủ. Đứng giữa sân, lòng hãnh diện, nhớ về những kỉ niệm được ông chủ cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, với những câu nói thủ thỉ thân tình, cây si thầm cám ơn ông chủ thật nhiều.
Tôi luyện trong đời tu cũng giống như sự cắt tỉa của cây bonsai. Chấp nhận từ bỏ mình là chịu đau đớn để được biến đổi, phó thác mọi sự cho Chúa để bỏ ý riêng tôi… dù có thể tôi chưa hiểu hết.Trên bước đường theo Chúa nếu không tự sửa mình, tu chỉnh theo khuôn mẫu của Chúa, thì có còn gọi là tu?!
Người có ý chí sửa mình thì chấp nhận gọt giũa, cắt bỏ đi những gì không hợp đời tu, để trau dồi các nhân đức. Đành rằng con người sinh ra đã mang bản tính nhất định, khó thay đổi, nhưng quyết tu là dám sửa, dù sửa thì sẽ rất đau. Tôi luyện trong đời tu giúp tôi biết buông bỏ đi những cái không cần thiết, những nết xấu, những vướng bận lòng tôi. Đoạn Tin Mừng luôn nhắc nhở tôi “Hãy qua cửa hẹp mà vào vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến chỗ diệt vong mà nhiều người lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật chội thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (x. Mt 7,13-14). Con đường đưa tới hạnh phúc thật lắm chông gai, để hái được quả ngọt bàn tay tôi phải vượt qua những gai nhọn, khó khăn, trắc trở. Trong cuộc sống, mấy khi con đường thênh thang đưa đến thành công. Muốn thành công đều trải qua thử thách và đau khổ. Kỷ luật trong đời tu là cần thiết để tôi không phát triển theo bản năng vốn có, nhưng là luyện tập để trở nên con người giống đức Ki-tô hơn. Kỷ luật là khi tôi nghiêm khắc với bản thân không cho phép mình làm trái với những điều mình đã quyết tâm bằng chính tự do của mình. Không chấp nhận được sửa dạy tôi sẽ như khúc gỗ không được đục, đẽo, bào mòn, nó sẽ nằm đó vô dụng và chỉ có thể dùng làm chất đốt. Cắt tỉa luôn là đau đớn nhưng thà đau một lần, dứt khoát đoạn tuyệt một lần để được biến đổi nên con người mới, để những giọt mắt sẽ trở thành niềm vui như lời Thánh vịnh:“Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong vui mừng”(x. TV 126: 5).
“Qua thập giá dẫn đến vinh quang” mãi là kim chỉ nam của những ai muốn học sống con đường Mến Thánh Giá, và Chúa Giêsu- Kitô Chịu-Đóng-Đinh luôn là hình mẫu cho họ học tập. Tôi đang khám phá để dõi bước theo Người, tôi ao ước sửa chữa mình cũng nhưng chừa bỏ những tội lỗi với một niềm xác quyết tôi sẽ được phục sinh với Chúa. Xin Chúa chúc lành cho mọi ước nguyện và ban ơn sức mạnh cho tôi.
BTT Thanh Tuyển Viện MTG Thủ Đức