Của cải là cần thiết, nhưng chúng là phương tiện để sống cách trung thực

119
Bài chia sẻ của ĐTC Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô, sáng Chúa nhật 04/08/2019.

Anh chị em thân mến,

Tin mừng hôm nay (x. Lc 12,13-21) mở đầu bằng khung cảnh một người đứng lên giữa đám đông và yêu cầu Chúa Giêsu giải quyết một câu hỏi pháp lý về tài sản gia đình. Nhưng trong câu trả lời Chúa Giêsu không đề cập gì đến vấn đề đó, và Ngài thúc giục chúng ta giữ khoảng cách với lòng tham lam tiền của, tức là lòng ham muốn chiếm hữu. Để ngăn cản người nghe khỏi việc tìm kiếm sự giàu có này, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người phú hộ ngu ngốc, ông luôn tin rằng mình là người hạnh phúc vì có một năm đầy may mắn và cảm thấy an tâm vì những tài sản tích lũy được. Thật tuyệt vời khi anh chị em đọc được dụ ngôn ấy hôm nay, trong chương 12 câu 13 của Tin mừng Luca. Đó là một dụ ngôn hay, dạy cho chúng ta nhiều điều. Câu chuyện trở nên sống động khi làm nổi bật sự đối lập giữa những gì người phú hộ trù tính cho mình thay vì để Thiên Chúa đề xuất cho ông.

Người phú hộ đặt trước linh hồn mình, tức trước bản thân ông, ba điều cân nhắc : tài sản chất đống, dường như với số tài sản dư xài trong nhiều năm này bảo đảm cho ông, và thứ ba là cứ nghỉ ngơi, vui chơi cho đã (x. 12,19). Nhưng lời mà Chúa nói với ông đã hủy bỏ những dự tính của ông. Thay vì là “nhiều năm”, Chúa cho ông thấy cái tức thời của “đêm nay; đêm nay ông sẽ chết”; thay vì “hưởng thụ cuộc sống”, Chúa Giêsu trình bày việc “lấy lại sự sống; ông sẽ bị lấy lại sự sống trước Thiên Chúa”, với hậu quả là sự phán xét. Liên quan đến vấn đề thực tế những của cải được tích lũy mà người phú hộ đặt nền tảng trên nó, được che phủ qua câu hỏi đầy mỉa mai : “những gì mà ông đã chuẩn bị, tất cả sẽ thuộc về ai? (c.20). Chúng ta nghĩ đến những cuộc tranh giành vì của cải; nhiều cuộc tranh giành trong gia đình. Và có rất nhiều người, tất cả chúng ta điều biết qua một vài câu chuyện, khi mà giờ chết bắt đầu đến thì con cái, cháu chắt chạy đến xem : “phần con là cái gì?”, và chúng mang đi tất cả mọi thứ.

Chính trong sự trái ngược này mà cái tên “đồ ngốc” được Chúa dành cho ông là hợp lý, bởi vì ông nghĩ đến những điều mà ông tin là cụ thể, nhưng thật ra đó là ảo mộng. Ông ta là người ngốc nghếch vì đã chối bỏ Thiên Chúa, đã không nghĩ đến Ngài.

Kết thúc dụ ngôn, được thánh sử trình bày, là hậu quả duy nhất : “kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (c.21). Đó là lời cảnh báo mở ra một khoảng trời để rồi tất cả chúng ta được kêu mời để xem xét. Của cải vật chất là cần thiết, nhưng chúng là phương tiện để sống cách trung thực và chia sẻ cho những người túng thiếu nhất. Hôm nay Chúa Giêsu mời chúng ta nhìn lại sự sang giàu, chúng có thể trói buộc tâm hồn và ngăn cản tâm hồn khỏi kho tàng đích thực là nước trời. Thánh Phaolô cũng nhắc cho chúng ta biết điều đó trong bài đọc thứ hai. Ngài nói : “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa…, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Col 3,1-2). Điều này không có nghĩa là tự rút mình ra khỏi thực tại, nhưng tìm kiếm những gì có giá trị đích thực : sự công chính, đoàn kết, đón nhận, tình huynh đệ, bình an, tất cả những gì tạo nên nhân phẩm thực sự của con người. Đó là hướng tới một cuộc sống được thực hiện không theo kiểu thế gian, nhưng theo phong cách tin mừng : Yêu mến Thiên Chúa với toàn thể con người mình, và yêu mến tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu họ, nghĩa là phục vụ và trao hiến bản thân. Tham lam của cải, muốn có nhiều của cải, tâm hồn không thỏa mãn, thậm chí đói khát nhiều hơn! Lòng tham giống như những viên kẹo ngon : lần đầu bạn ăn nó và nói : “ôi, ngon quá”, và sau đó ăn thêm lần nữa; và rồi lấy thêm cái nữa. Đó là lòng tham, không bao giờ thấy đủ. Anh chị em hãy cẩn trọng!. Tình yêu vì thế được hiểu và được sống là nguồn hạnh phúc đích thực, trong khi việc tìm kiếm quá mức của cải vật chất và giàu sang thường là nguồn gốc của sự lo lắng, bất hạnh, lạm quyền và chiến tranh. Rất nhiều cuộc chiến được bắt đầu từ lòng tham.

Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta biết đừng để cho mình bị mê hoặc bởi sự an toàn chóng qua, nhưng mỗi ngày trở nên những nhân chứng đáng tin cho các giá trị vĩnh cửu của Tin mừng.

Sau kinh Truyền tin, ĐTC chia buồn với các nạn nhân trong những cuộc thảm sát vừa xảy ra tại Hoa kỳ, ngài nói :

Anh chị em thân mến,

Cách thiêng liêng, tôi gần gũi các nạn nhân của bạo lực làm đổ máu nhiều người không được phòng vệ trong những ngày qua tại Texas, California và Ohio, ở Hoa kỳ. Tôi mời anh chị em cùng hiệp nhất với lời cầu nguyện của tôi cho những người đã bỏ mạng sống, cho các nạn nhân và cho gia đình của họ.

 Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Vatican.va