Suy niệm Tháng 2: Cộng đoàn sống niềm hy vọng

207

SUY NIỆM THÁNG 2/2023
CỘNG ĐOÀN SỐNG NIỀM HY VỌNG

“Hy vọng là ước muốn một điều tốt, tuy khó, nhưng không phải là không thể đạt được”, đó là lời khẳng định của Thánh Tôma Aquinô khi nói về niềm hy vọng. Cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với niềm hy vọng: sống trong hy vọng, chúng ta sống trong ân sủng Chúa Thánh Thần, chính Người đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa. Ngày hôm nay, dưới ánh sáng Phúc Âm, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề: CỘNG ĐOÀN SỐNG NIỀM HY VỌNG.

“Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông” (Lc 2, 26). Ông Simêôn là một trong số nhiều người đã kiên tâm chờ đợi lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa. Ông đã ôm ấp niềm hy vọng được gặp Đấng Kitô của Đức Chúa trong suốt cả cuộc đời, và đến hôm nay ông đã thỏa niềm mong ước. Chúng ta cũng có niềm hy vọng “như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” thả sâu vào nơi “Chúa Giêsu như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6, 19-20). Chúa Giêsu là người tiền phong mở đường cho chúng ta bước vào cánh cửa hy vọng. Người cho chúng ta được sống trong một cộng đoàn cụ thể, cho chúng ta được góp sức xây dựng cộng đoàn trong tình thương bác ái. Thiên Chúa biết rõ từng bước thăng trầm thử thách, những đau khổ, đắng cay mà chúng ta đã phải trải qua. Chính Thiên Chúa vẫn luôn đi bước trước tìm kiếm chúng ta, ban cho chúng ta lời hứa cứu độ, đặt vào trái tim chúng ta một niềm niềm hy vọng được giải thoát khỏi hố sâu ngăn cách, khỏi hận hù chia rẽ, khỏi ghen tương đố kỵ, và khỏi mọi tính hư tật xấu khác. Suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn đồng hành với dân của Người. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với mỗi chúng ta. Người mời gọi mỗi người trong cộng đoàn chúng ta hãy cùng nhau sống niềm hy vọng.

Hy vọng là một tâm tình chờ đợi một điều sẽ tới trong tương lai, và nắm chắc là sẽ đạt được. Trong cộng đoàn, mỗi người đều nỗ lực xây dựng tình chị em trong cộng đoàn ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Cộng đoàn chính là gia đình đích thực được quy tụ nhân danh Chúa Kitô. Cộng đoàn ấy có rất nhiều những khác biệt: khác biệt về văn hóa, độ tuổi, tính tình, sở thích. Những khác biệt ấy làm nên sự phong phú nhưng cũng tạo ra vô số những căng thẳng, xung đột. Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (x. Cl 3,14). Cộng đoàn vẫn thường có những căng thẳng hay xung đột, nhưng cộng đoàn ấy lại được liên kết bằng mối dây đức ái trong Chúa Kitô. Chắc hẳn, khi đứng trước những tình huống căng thẳng và xung đột, chúng ta sẽ khó xử, phản ứng bốc đồng hay thỏa hiệp. Có những lời nói, thái độ làm cho mối tương quan rạn nứt. Đức ái được diễn tả thông qua thái độ chúng ta khẩn khoản nài xin Thiên Chúa soi sáng để biết bản thân cần phải làm gì. Một con người biết cầu nguyện chắc hẳn sẽ lắng nghe được sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Trong tâm thế ấy, chúng ta cũng sẽ được Thần Khí thúc đẩy để đến với Chúa, kiên trì cầu nguyện như ông Simêôn khi xưa. Để rồi, chúng ta cũng sẽ gặp thấy Đức Kitô của Thiên Chúa nơi những con người ta gặp. Chúng ta cầu nguyện để có đủ can đảm đi bước trước trong việc nối lại tương quan, gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại trong đức ái, với mong ước bản thân sẽ trở nên tốt hơn. Những khó khăn chúng ta thường gặp phải trong đối thoại không trở thành rào cản để chúng ta đến với chị em, nhưng đó là cơ hội để chúng ta hiểu người khác hơn. Những tương quan càng thách đố càng khiến chúng ta phải có niềm hy vọng. Chúng ta hy vọng về một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất. Ở đây, chúng ta cần nhắc lại lời khẳng định của Thánh Tôma Aquinô khi nói về niềm hy vọng: “Hy vọng là ước muốn một điều tốt, tuy khó, nhưng không phải là không thể đạt được”. Điều quan trọng là chúng ta có dám hy sinh, có dám từ bỏ cái tôi của mình để đến với người khác không. Khi một người chị em trở thành thánh giá, chúng ta có dám ôm lấy “thánh giá” ấy trong lời cầu nguyện và cả trong cuộc sống của mình như cách Đức Giêsu đã làm trong suốt hành trình Thương Khó không?

Đức Hy Vọng hay còn gọi là đức Cậy hoặc Trông Cậy là một trong ba nhân đức hướng về Chúa. Chúng ta rất dễ gặp thấy những từ gần nghĩa với từ hy vọng như: ước vọng, ước nguyện, nguyện vọng, trông mong, mong đợi, trông chờ, mong mỏi, chờ đợi, vv. Chúng ta thường có những ước vọng hay ước nguyện gì trong cuộc sống? Chúng ta đang trông chờ, đang mong đợi điều gì? Chúng ta có quy tất cả về cùng một mối bận tâm duy nhất là cộng đoàn được hiệp nhất trong Chúa không? Chúng ta biết rằng, mỗi người trong cộng đoàn là kho tàng thánh thiêng Thiên Chúa ủy thác, là người được “Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3, 12). Chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn, lắng nghe lời khuyên nhủ của thánh Phaolô: anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”.

 Nói về niềm hy vọng, chúng ta cứ ngỡ rằng, chúng ta là người hy vọng trước, nhưng không phải thế. Thiên Chúa đã sống niềm hy vọng trước tiên. Chúa chờ đợi ta mỗi giây phút trong Nhà Tạm, có những niềm vui nỗi buồn Người sẵn sàng nghe chúng ta chia sẻ. Chúng ta cứ ngỡ đã chờ đợi Chúa trong Mùa Vọng dài đằng đẵng, hay trong suốt cả Mùa Chay Thánh, nhưng Chúa đã chờ đợi ta từ muôn thuở, đặc biệt ngay trong hiện tại. Chúng ta chờ đợi để đến với Chúa trong từng giờ kinh hay khi rước Chúa vào lòng, nhưng Chúa đã khắc ghi tên mỗi chúng ta trong lòng bàn tay, mỗi lần nhắc đến mỗi chúng ta, Chúa đều thổn thức, ruột gan Chúa bồi hồi. Niềm hy vọng của Chúa ôm lấy niềm hy vọng của ta. Nếu như niềm hy vọng của chúng ta hướng đến những điều thiện hảo, luôn quy về Chúa, thì niềm hy vọng của ta được tháp nhập trong niềm hy vọng của Chúa. Trong cộng đoàn, bề trên sống niềm hy vọng khi nhìn vào tương lai của thế hệ đàn em, mỗi người đều mong muốn và vui hơn khi người chị em giỏi giang thánh thiện, không ganh đua khó chịu gây xáo trộn cộng đoàn. Chị em cùng nhau gìn giữ, phát huy gia sản thiêng liêng của mẹ Hội Dòng. Sức mạnh của Hội dòng là sự thánh thiện của mỗi thành viên. Chúng ta hãy đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa. Mỗi ngày, chúng ta cố gắng tháp nhập niềm hy vọng của mình vào niềm hy vọng của mẹ Hội Dòng, của Mẹ Giáo Hội và của chính Thiên Chúa.

Để kết thúc, chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta có sống niềm hy vọng dành cho người khác hay chỉ quy về mình? Cầu chúc quý chị em trở thành những ngọn nến hy vọng, thắp lên ánh lửa tin yêu cho cộng đoàn mình hiện diện, kiên trì đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa và lan tỏa ánh sáng ấy cho mọi người.

          Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Trông, Học viện MTG. Thủ Đức