Thông cáo nhận định: “Để cho lương tâm tê liệt hoặc để cho nỗi tuyệt vọng làm chủ chúng ta là hai căn bệnh mà hệ thống truyền thông hiện nay có thể gây ra” vì “các chuyên gia, những người hướng dẫn dư luận và những người làm truyền thông thường làm việc ở các vùng thị thành, xa những nơi nghèo đói và túng bấn”, “khoảng cách địa lý” ấy thường khiến họ “không biết đến sự phức tạp của những bi kịch của con người”.
Thông cáo viết tiếp: “Nỗi tuyệt vọng có thể xảy đến nếu truyền thông được phóng đại và biến thành cuộc trình diễn, đôi khi trở thành một chiến lược thật sự để tạo ra các mối nguy hiểm chực chờ và những nỗi sợ hãi đầy đe doạ”.
“Nhưng giữa nơi ồn ã như thế, chúng ta có thể nghe được lời thì thầm: ‘Đừng sợ, vì Ta ở với con’. Qua Người Con, Thiên Chúa liên đới với mọi hoàn cảnh của con người và mạc khải cho chúng ta biết rằng chúng ta không đơn côi vì chúng ta có một Cha, là Đấng không quên con cái mình”. Ai sống “kết hiệp với Chúa Kitô” sẽ khám phá được rằng “ngay cả bóng tối và cái chết cũng trở nên nơi hiệp thông với Ánh sáng và Sự sống, cho bất kỳ ai mong muốn điều ấy”. Đó là nhận biết được rằng trong mọi biến cố, Thiên Chúa “đang viết lịch sử cứu độ qua hoàn cảnh bi thương của thế giới này” như thế nào.
Vì thế, Quốc vụ viện Truyền thông mời gọi chúng ta “học thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng đối với Lịch sử” và nhắc nhớ rằng “người Kitô hữu chúng ta có một ‘tin vui’ để kể lại, vì chúng ta tin tưởng chiêm ngắm viễn cảnh của Vương quốc”.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là Ngày duy nhất được Công đồng Vatican II kêu gọi cử hành trên toàn thế giới, được tổ chức ở hầu hết các quốc gia, theo quyết định của các giám mục tại các giáo phận, vào ngày Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (năm 2017 là ngày 28 tháng Năm).
Theo truyền thống, Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Truyền thông Thế giới được công bố vào ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn và các nhà báo.
Minh Đức