Con kiến và châu chấu

111
Con kiến và châu chấu

 

(EMTY) – Tại một trường tiểu học, trong suốt những giờ học đạo đức hằng tuần, một nhóm những học sinh được hỏi ý kiến về đoạn kết của câu chuyện con kiến chăm chỉ và con châu chấu lười biếng theo cách mà chúng cho là tốt nhất.

Hầu hết chúng ta đều biết câu chuyện này – một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp – câu chuyện kể về con châu châu lười biếng lãng phí những tháng hè không làm việc, chỉ lo chơi bời, trong khi đó, con kiến lại làm việc vất vả để tích trữ thức ăn cho mùa đông. Và rồi mùa đông giá rét đã đến, con kiến cần cù ấy và những người bạn của chú đã cất giấu những gì cần thiết vào nơi an toàn, trong khi con châu chấu phải đi tìm kiếm thức ăn và nhận ra rằng chú sẽ bị chết đói.

Những đứa trẻ 6 tuổi được yêu cầu vẽ bức tranh về câu chuyện và viết lại đoạn kết câu chuyện theo ý muốn của chúng, nhưng cần phải có chi tiết con châu chấu hỏi xin con kiến giúp đỡ. Khoảng một nửa có cùng một quan điểm chung rằng vì con châu chấu không xứng đáng, nên con kiến đã từ chối giúp đỡ. Một nửa kia sửa lại đoạn kết rằng con kiến nói với con châu chấu hãy học bài học của nó và sau đó cho châu chấu một nửa phần thức ăn.

Kế đó, một bé trai đứng dậy và đưa ra phần kết của câu chuyện: sau khi con châu chấu đến xin thức ăn của con kiến, con kiến đã không do dự đưa hết thức ăn của nó. Không phải cho một nửa, hay hầu hết, nhưng là cho mọi thứ.

Vẫn chưa kết thúc, cậu bé vui vẻ tiếp tục: Con kiến không còn lại gì vì thế nó đã chết. Nhưng sau đó, con châu chấu quá buồn trước cái chết của con kiến nên đã nói với mọi người về những gì con kiến đã làm để cứu lấy mạng sống của nó. Và nó trở thành một con châu chấu tốt.

Câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến hai điều. Trước hết, nó nhắc tôi nhớ rằng đối với Chúa Giêsu, việc cho đi có ý nghĩa như thế nào. Ngài đã không cho chúng ta một nửa, và Ngài cũng không nói rằng chúng ta “không xứng đáng”, nhưng Ngài đã cho chúng ta tất cả để chúng ta trở nên “tốt đẹp”. Chính nhờ Ngài đã hy sinh mạng sống của mình, chúng ta mới có thể nhận được món quà chính là sự sống đời đời. Điều đó cũng giống như cách con kiến đã chết để cứu con châu chấu trong câu chuyện được cậu bé 6 tuổi thuật lại. Đối với mỗi người chúng ta, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Với lòng biết ơn, chúng ta phải noi theo gương Ngài và hết lòng loan truyền điều tuyệt vời Ngài đã làm cho chúng ta.

Thứ hai, tôi học được ý nghĩa của việc cho đi tất cả. Sự cho đi sẽ không phải là sự cho đi thật sự nếu không có sự hy sinh, thậm chí là nỗi đau, nhưng một khi bạn thật sự cho đi, bạn sẽ được hơn gấp nhiều lần. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”. Nhưng không phải kết thúc ở đó. Dưới đây là lời hứa vừa ngọt ngào vừa cay đắng và quan trọng hơn tất cả: “Nhưng nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Nghi Ân