Năm con heo nói về ý nghĩa tiền của, vật chất. Con heo trong văn hoá Đông Phương, nằm trong 12 con giáp, biểu trưng cho sự nhàn hạ, sung túc và tài chánh. Khi nói về con heo, người ta cũng nói về tính dơ bẩn và tham lam của chúng. Vậy, chúng ta sẽ nói gì về hai cái nhìn đó.
Con heo tài chính.
Một điều, ai cũng thấy, đầu năm người ta thường đến các đền chùa, cầu lộc, cầu may và còn đi vay tiền ở đền làm vốn cuối năm đến tạ, như ở đền bà chúa kho. Ai cũng biết đã là bậc tu hành đạt đạo, đâu biết gì nhiều về kinh doanh, đến tiền và thị trường. Vậy mà người kinh doanh, buôn bán, lại đến tham vấn để biết đường, biết hướng làm ăn?
Câu trả lời dễ hiểu rằng, mọi người làm ăn, kinh doanh đều biết rằng công khó mình bỏ ra có thể mất trắng nếu không có ơn trên phù hộ. Lúc nào cũng thế, tiền của là vật ngoài thân, nay ở đây, mai ở kia, dòng chảy tài chính luôn chuyển động theo thị trường. Làm ăn chân chính lời lãi ít và còn dễ mất. Lươn lẹo, gian dối, lên nhanh nhưng cũng đầy nguy hiểm.
Khi đến cầu cùng các bậc tu hành, thần thánh; dĩ nhiên, ai cũng hiểu, ơn trên chẳng phù hộ cho đồng tiền bất chính. Chỉ có điều tâm thức mua thần bán thánh, đã làm sai lạc đi ý hướng của việc làm ăn chân chính, thành ra việc ru ngủ lương tâm đen tối, làm gian, làm dối, cướp của người…
Con heo đất.
Tích cực hơn, nếu nhìn khía cạnh con heo đất. Những gia đình biết giúp cho con cái ý thức về tiền của, thường dùng con heo đất để giáo dục. Trước tiên,để dạy mục đích của đồng tiền, dùng để làm gì khi tiết kiệm trong con heo đất. Đây là câu hỏi cơ bản cho mọi việc sử dụng đồng tiền cho có ý nghĩa, nó quan trọng hơn là sự giàu có. Biết mình, dùng tiền của sao cho có giá trị nhất, như hai đồng xu nhỏ bé của bà goá thôi cũng đã có một giá trị lớn lao rồi.
Giá trị đồng tiền không đong đo bằng số lượng nhưng bằng chất lượng của cuộc sống. Nhiều tiền, con hư, gia đình tan nát, xâu xé, tranh giành, gian tham, cướp ngày, cướp đêm, có đáng để có không? Nó mang lại bất an, bất hạnh, mất tình nghĩa, đôi khi còn dẫn đến tù tội, nghiện ngập, sa đoạ mất hẳn tính người… Có đáng để giàu có không? Dĩ nhiên, chẳng ai muốn, nhưng đồng tiền lôi kéo, làm mờ con mắt, chèo lái con người từ chỗ thanh cao đến chỗ khốn nạn trong hành xử lúc nào chẳng hay. Đồng tiền mang lại hạnh phúc đời này và đời sau là đồng tiền khôn ngoan.
Có tiền không quan trọng bằng biết dùng tiền. Đôi khi trong cuộc sống con người thường hay lầm lẫn trả giá quá cao cho một món chẳng giá trị gì mấy, mà lại bỏ qua những món giá trị cao khi trả giá quá thấp. Cả cuộc đời người, từ khi trưởng thành, lãnh đồng lương đầu tiên cho đến khi mất đi là một khoảng thời gian để đầu tư những khoản tài chính giá trị. Câu hỏi sau cùng, mua được gì? Của cải chóng qua, không mang theo được, hay giá trị của sự sống mai sau.
Trong năm Kỷ Hợi này. Chúng ta làm theo Lời Chúa dạy cách khôn ngoan: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan