Con đường trước mặt

62

Con đường trước mặt

Ngạn ngữ Latin: “Qui intrat papa exit cardinalis” (Ai đi vào là đức thánh cha, đi ra là hồng y) lại đúng một lần nữa: Người được trao sứ vụ Giáo Hoàng lần này cũng không nằm trong danh sách mà một số các cơ quan truyền thông quốc tế đã nêu ra. Việc bầu chọn ĐHY Jorge Mario Bergoglio của Argentina làm Giáo Hoàng là một chuyện ít ai nghĩ đến.

Chiến dịch đánh phá Giáo Hội Công Giáo của các cơ quan truyền thông lớn để áp đặt một Giáo Hoàng mà các quyền lực muốn cũng đã ngưng lại. Thay vào đó là những lời ca tụng ĐGH Francis về cách hành xử giản dị và những lời tuyên bố chân thành của ngài.

Sáng 16.3.2013, khi tiếp kiến hàng ngàn người thuộc giới truyền thông, ĐGH Phanxicô đã kêu gọi họ hãy để ý tới bản chất đặc biệt của Giáo Hội khi thông tin về các hoạt động của Giáo Hội.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy một số các cơ quan truyền thông đã coi cuộc bầu cử Giáo Hoàng giống như cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ. Mặc dầu không biết chuyện gì đã xẩy ra bên trong, họ đã mô tả những vụ tranh chấp chức giáo hoàng tưởng tượng giữa các nhóm Hồng Y. Họ quên rằng, Vatican ngoài tư cách là một quốc gia, còn là một Giáo Hội, tức một tôn giáo. Vì thế, ĐGH đã nhấn mạnh: “Thực vậy Giáo Hội tuy là một tổ chức con người và lịch sử, với tất cả những yếu tố đi kèm theo, nhưng Giáo Hội không có một bản chất chính trị, trái lại Giáo Hội nòng cốt là tinh thần: là Dân Thiên Chúa. Dân Thánh của Thiên Chúa đang tiến bước về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Chỉ khi nào đặt mình trong viễn tượng ấy ta mới có thể hoàn toàn giải thích được những gì Giáo Hội thực hiện”.

Căn cứ vào vào danh hiệu mà ĐGH Phanxicô đã chọn và những lời ngài đã tuyên bố trước báo chí và dân chúng, chúng ta thừ tìm hiểu hướng đi của Giáo Hội Công Giáo trong giai đoạn sắp đến sẽ như thế nào.

ITALY-VATICAN-POPE-PRAYER-SANTA MARIA MAGGIORE

CON ĐƯỜNG CỦA THÁNH PHANXICÔ

ĐGH đã ứng khẩu giải thích tại sao ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô: “Một số người không biết tại sao Giám Mục Roma đã muốn được gọi là Phanxicô. Một số người nghĩ đến Thánh Phanxicô Xavie (Saint Francis Xavier), Thánh Phanxicô đệ Salé (Saint Francis de Sales) và Thánh Phanxicô Assis. (Saint Francis of Assisi). Tôi kể cho các bạn lịch sử: “Trong cuộc bầu phiếu… khi số phiếu lên đến 2 phần 3, thì cộng đoàn vỗ tay như thói quen vì đã bầu được Giáo Hoàng. ĐHY Hummes ôm lấy tôi và nói: “Bạn đừng quên người nghèo nhé!”. Và lời ấy đã đi vào tâm trí tôi: người nghèo, người nghèo!

“Rồi ngay lúc ấy cùng với người nghèo tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi… Thánh Phanxicô là người hòa bình. Và thế là tên Phanxicô đi vào tâm hồn tôi: Phanxicô Assisi. Người khó nghèo, người hòa bình, người yêu mến và bảo tồn thiên nhiên… Đó là vị mang lại cho chúng ta tinh thần hòa bình, con người thanh bần. Tôi mong ước một Giáo Hội thanh bần và cho người nghèo dường nào.”

Chúng tôi xin ghi lại dưới đây vài nét về Thánh Phanxicô:

Phanxicô sinh ngày 26.9.1181 ở thành phố Assisi thuộc nước Ý, còn được gọi là Thánh Phanxicô Khó Khăn. Nhờ gia đình giàu có, ông được hưởng một nền giáo dục ưu tú, thông biết nhiều ngôn ngữ. Ông nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng. Một hôm, khi ông đang nhậu với bạn bè, một người hành khất đến ăn xin. Chẳng ai quan tâm gì đến người này, nhưng Phanxicô đã dốc hết túi tiền của mình cho người ăn xin.

Rồi một cơn bạo bệnh đã thay đổi cuộc đời của ông, ông đi chăm sóc những người bệnh cùi và đi hành khất cho những người nghèo.

Một bài thuyết giảng đã thay đổi cuộc đời của ông. Nội dung bài giảng dựa vào một đoạn trong Phúc âm của thánh Matthew (10:9), thuật lại lời Chúa Jesus bảo các môn đồ khi đi rao giảng Tin Mừng chớ đem theo mình tiền bạc, bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy… Phanxicô đã quyết định cung hiến cuộc đời mình cho những người nghèo khó. Ông thành lập Hội dòng Anh Em Hèn Mọn (Order of Friars Minor) và Hội dòng Chị em Nghèo Khó (Order of Poor Ladies) để làm việc bác ái.

Ông cũng là một thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông là bài “Kinh cầu của Thánh Phaxicô”(Prayer of Saint Francis) phản ánh đích thực Tin Mừng của Chúa Jesus, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ nhạc. Đó là “Kinh Hoà Bình” mà chúng ta thường nghe hát.

Ông qua đời ngày 3.10.1226 và được ĐGH Gregory IX phong thánh ngày 16.7.1228.

Khi nhận tên thánh Phanxicô làm danh hiệu của mình, ĐGH Phanxicô đã muốn nối tiếp con đường của Thánh Phaxicô.

ĐỊNH MỘT HƯỚNG ĐI TỚI

Khi hay tin ĐHY Jorge Mario Bergoglio của Argentina được chọn làm Giáo Hoàng, các cơ quan truyền thông lớn đã đưa ra những vấn nạn mà vị Giáo Hoàng sắp đến phải giải quyết. Bình luận gia Erin McClam của NBC News đã đưa ra đến 7 vấn nạn mà Giáo Hội cần giải quyết như làm sạch Vatican, dẫn dắt Giáo Hội ra khỏi tai tiếng về lạm dụng tình dục, chiến thắng phương Tây, tìm một giải pháp cho tình trạng Giáo Hội đang bị bách hại tại nhiều nơi, hiện đại hóa, v.v… Nhưng ĐGH Phanxicô lại vạch ra một con đường thanh thoát hơn.

Trong bài giảng Thánh Lễ nhận chức hôm 19.3.2013, ĐGH Phanxicô đã nói trước khoản 200.000 tính hữu và đại diện của 132 quốc gia trên thế giới:

“Ngày hôm nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân Giám Mục Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy.

“Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, những người khát, những người khách lạ, những người trần trụi, những người bệnh hoạn, những người bị tù đày (Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!…

“Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của thánh Phêrô và Phaolô, thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen.”

Sau đó, trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được lần lượt xướng lên bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Arap, tiếng Swahili (Phi châu) và tiếng Hoa, cầu cho Giáo Hội:

(1) Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng;

(2) Xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo hội;

(3) Cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương;

(4) Cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô;

(5) Cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.

NẠN NGHÈO ĐÓI TRÊN THẾ GIỚI

Ước vọng của ĐGH Phanxicô là đến với những người nghèo khó, những người bị áp bức, nhưng việc thực hiện không dễ dàng vì nguồn tài nguyên của Giáo Hội có giới hạn và đó không phải là “mục tiêu” chính của các cường quốc Tây phương. Trước khi nói về những khó khăn nầy, chúng ta hãy nhìn qua tình trạng nghèo đói trên thế giới.

Theo tài liệu của United Nations Development Programe (UNDP), có gần ½ dân số thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ, tức dưới 2 dola/ngày. Tài liệu thống kê cho biết mỗi năm có khoảng 448 triệu trẻ em sơ sinh bị chết yểu. Ở các nước chậm tiến, có đến 1/10 trẻ em chết trước 5 tuổi.

Hiện nay thế giới có 42 triệu người đang sống chung với bệnh HIV, trong đó có 39 triệu thuộc các nước chậm tiến. Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2020 một số quốc gia sẽ mất khoảng đi ¼ dân số vì căn bệnh này. Trên thế giới hiện nay còn có đến 876 triệu người mù chữ, trong đó phụ nữ chiếm đến 2/3.

Trong khi đó 3 người giàu nhất thế giới hiện nay là Carlos Slim Helu & family (Mexico), Bill Gates (Hoa Kỳ) và Amancio Ortega (Tây Ban Nha) có tài sản bằng tài sản của 48 nước trên thế giới.

Nhưng trong hiện tại, mục tiêu chính của Hoa Kỳ và các nước thuộc khối NATO là loại bỏ các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương hình thành một khối Hồi Giáo mạnh có thể đối đầu với các nước Tây phương, đồng thời mở rộng các thị trường tiêu thụ, nên các vấn đề khác phải tạm gác lại. Phi Châu đang bị bỏ lại đàng sau. Vì thế Giáo Hội phải đi về Phi Châu

“NƠI THIÊN CHÚA KHÓC”

Phi Châu gồm 54 quốc gia với số dân 900 triệu người nằm trên diện tích 30 triệu km2, là châu lục lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù là châu lục có nhiều tài nguyên quý nhưng Phi Châu vẫn là châu lục nghèo nhất trên thế giới. Trong số 48 quốc gia nghèo nhất mà Liên Hiệp Quốc công bố thì Phi Châu có đến 33 nước. Sự nghèo khổ này về trung bình đã tăng lên so với 25 năm trước.

Năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 8 mục tiêu toàn cầu về giảm nghèo và cải thiện cuộc sống (gọi là Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ) và được các nước thành viên cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2015. Đến nay, dù đã trải qua nửa chặng đường nhưng theo LHQ, các nước Phi Châu khó mà đạt các mục tiêu trên đúng kỳ hạn.

Ngoài sự nghèo đói, sự lạm dụng quyền con người vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi của Phi Châu, thông thường là dưới sự giám sát của nhà nước. Các nước bị liệt kê là có nhiều vi phạm lớn bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Sierra Leone, Liberia, Sudan, Côte d’Ivoire, v.v… Các vi phạm bao gồm cả tục ăn thịt người, các hình phạt gây tổn thương cho cơ thể và nạn hãm hiếp.

Tại miền bắc Nigeria, nơi đa số dân theo Hồi Giáo, các xung đột vẫn tiếp tục tái diễn với các vụ tấn công và đốt phá các nhà thờ Kitô giáo khiến cho 150 người thiệt mạng. Còn trên vùng biên giới giữa hai nước Bắc Sudan và Nam Sudan, trong các ngày qua không lực của chính quyền Khartum đã dội bom các làng trong vùng, nhằm mục đích đuổi dân chúng đi nơi khác để dễ bề thôn tính. Lý do vì vùng này có mỏ dầu hỏa lớn.

Vì Phi Châu không phải là “mục tiêu” nên những tiếng kêu gào của những người nghèo khổ và bị áp bức ở đây ít được LHQ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các cuờng quốc Tây phương chú ý.

Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình truyền hình “Nơi Thiên Chúa Khóc” của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Sư huynh Gérard Chabanon, từng là bề trên tổng quyền của Hội Thừa sai Phi Châu, cho biết bệnh AIDS, các cuộc bạo động giữa các sắc tộc, các cuộc xung đột tôn giáo, tình trạng nghèo đói… là những vấn đề bóp méo hình ảnh của Phi Châu. Sư huynh nói: “Là những nhà truyền giáo, chúng tôi có trách nhiệm phải mang lại một hình ảnh tích cực về Phi Châu, về tình liên đới và về khát vọng mãnh liệt của người Phi Châu được chiến thắng các tệ nạn nói trên.”

Hiện nay, tại Phi Châu, cứ 3 người thì có một người theo Hồi Giáo. Được hỏi: Liệu đây có phải là một thách đố đối với Giáo Hội Công Giáo không, sư huynh khẳng định rằng, theo quan điểm của những nhà truyền giáo, đối thoại là chìa khóa quan trọng cần phải triển khai để tạo cuộc sống chung giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo.

Theo Sư huynh, năm 1900, dân số Kitô giáo tại lục địa này chỉ có khoảng 2 triệu người, nay đã đến đến 140 triệu. Từ đây cho đến năm 2050, Congo, Uganda và Nigeria sẽ đuợc xem là ba nước công giáo lớn nhứt thế giới.

Vì Phi Châu đang là “Nơi Thiên Chúa Khóc” nên khi mới nhận chức, ĐGH Phanxicô đã quan tâm đến những người nghèo khổ và bị áp bức. Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Phi Châu đang hiện diện tại 1.074 bệnh viện, 5.373 bệnh xá, 186 trại phong cùi, 753 nhà dành cho người già và khuyết tật, 979 viện mồ côi, 1.997 trung tâm giữ trẻ ban ngày, 1.590 trung tâm huấn đạo về hôn nhân, 2.947 trung tâm phục hồi và 1.279 các cơ sở chăm lo sức khỏe khác.

Giáo Hội cũng đang có 12.496 trường mầm non (pre-school) với 1.266.444 học sinh; 33.263 trường tiểu học với 14.061.806 học sinh; 9.838 trường trung học với 3.738.238 học sinh. Về bậc cao đẳng Công Giáo, hiện có 54.362 sinh viên ghi danh; ngoài ra còn có 76.432 sinh viên theo học các môn khác nhau do các Đại Học Công Giáo bảo trợ.

Lúc 11 giờ sáng 15.3.2013, khi gặp gỡ Hồng Y Đoàn, ĐGH Phanxicô đã nói:

“Chính Chúa Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội, Ngài là linh hồn của Giáo Hội với sức mạnh làm sinh động và liên kết nhiều người thành một thân thể duy nhất, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo thái độ bi quan, thái độ cay đắng mà ma quỷ đặt trước chúng ta mỗi ngày; không chiều theo sự bi quan, nản chí: chúng ta chắc chắn rằng với hơi thở quyền năng, Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội, lòng can đảm kiên trì và tìm kiếm những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng, để đưa Tin Mừng đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8).”

 Ngày 21.3.2013
Lữ Giang