“Như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: ‘Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa’”.
Mùa Vọng đã lại đến, các bài đọc Kinh Thánh Giáo Hội cho chúng ta nghe thường xoay quanh chủ đề “con đường”.
Con đường nào chúng ta sẽ chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến hôm nay? Bởi Người đã đến rồi và đang cư ngụ giữa chúng ta.
Đường là một lộ trình, đường đi có thể phân biệt giữa các địa điểm. Các con đường nói chung đều bằng phẳng, được trải nhựa, hay làm theo một cách nào đó để cho phép giao thông dễ dàng.
“Con đường” trong Is 40,2-5 mà Thánh Gioan Tẩy giả kêu gọi mỗi người chúng ta dọn dẹp, sửa chữa hôm nay là con đường nào? Hẳn nó không là bất cứ con đường địa lý nào mà con người có thể đi lại. Bởi mỗi Mùa Vọng đi qua, không một ai cầm cuốc, cầm xẻng đi sửa đường để đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Trong sự nô nức, tất bật và nhộn nhịp, người người khắp nơi làm hang đá, treo đèn sao bóng nháy, dựng cây thông,…như một công việc phải có cho mùa Giáng Sinh.
Thế nhưng, trong một tiết học, vị Cha giáo đã mở ra cho tôi câu hỏi: “Con đường” mà Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc chúng ta luôn, đó là con đường nào? Ngài chỉ cho tôi nhận ra, con đường nối kết tôi với người khác là: tương quan.
Quả thực, Mùa Vọng đến trong thời gian ngắn ngủi không đầy 4 tuần lễ, tôi sửa gì, mở gì, nhìn lại những gì trong tương quan của tôi với người khác.
Phải chăng tương quan nào cũng bền chặt, sâu sắc và tốt đẹp? Có tồn tại những tương quan nhạt nhẽo, hờ hững mà dường con người chúng ta không còn quan tâm đến? Đó là những con đường chúng ta phải bắt tay vào sửa chữa, bảo trì,…
“Dọn sẵn con đường”, hôm nay, tôi đang bị chôn vùi giữa bạt ngàn những ngổn ngang, dính bén và lệ thuộc vào thế giới vật chất, hưởng thụ. Có khi tôi đã lấp hết các đường đi của Chúa, Ngài khó lòng đến được với tôi.
“Sửa lối cho thẳng”, “uốn cho ngay”, tâm hồn và suy nghĩ của tôi phải chăng còn nhiều quanh co, mưu mô và uốn éo để biện minh cho trách nhiệm phải làm, để tìm kiếm lợi ích cho bản thân mà không còn quả cảm và ngay thẳng khi sống với người anh chị em bên cạnh.
“Lấp cho đầy” là gì nếu không phải vì nó đã bị lõm, thành hố sâu của hận thù, ghen ghét. Nó cần được lấp đầy bằng tình yêu và sự tha thứ, cảm thông và bác ái để không còn hố sâu làm người khác vấp ngã.
“Bạt cho thấp” cái tôi tự cao, ích kỷ trong tôi thường làm người khác bị tổn thương là một việc cần thiết và hữu ích, là việc người môn đệ làm vui lòng Thầy.
“San cho phẳng” những mấp mô, hay thay đổi thất thường trong đời sống hầu tôi có thể sống trung tín và triển nở trong bậc sống của mình. Sự trung tín nuôi dưỡng không chỉ tôi mà có sức nâng đỡ, lôi cuốn anh chị em tôi trên đường theo Chúa.
“Con đường”- hình ảnh của tương quan giữa tôi với người khác có đang như một công trình tất bật, ồn ào, náo nhiệt và khẩn trương đi vào giai đoạn hoàn thành không? Những ngổn ngang, mấp mô, quanh co và gò cao của tự phụ, ích kỷ có được sức mạnh của thinh lặng nội tâm làm đòn bẩy giúp tôi sửa đổi và làm mới không?
Dù có cố gắng bao nhiêu, tự sức con người, chúng ta khó lòng thay đổi, làm mới chính mình cho đúng ý Chúa muốn. Nhưng Đấng ở trong Thiên Chúa, Đấng hiểu thấu tâm can chúng ta sẽ làm trong chúng ta mọi điều như lời Thánh Phaolô xác quyết: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”(Rm 8,26).
Ước mong sao bạn và tôi, chúng ta cùng dành thời gian nhìn lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân là anh chị em trong cộng đoàn, gia đình, giáo xứ… để một Mùa Vọng đến, đi qua và để lại cho chúng ta, cho Giáo hội những ích lợi và hoa trái tốt đẹp của Bình An – Hạnh Phúc đích thực.
Mùa Vọng 2020,
Maria Bùi Hằng, Học viên MTG Thủ Đức