Con cái và tiền bạc
Một trong những bí quyết giáo dục của Don Bosco được tìm thấy trong quyển sổ tay của Don Rua, người kế vị Don Bosco. Trong quyển sổ ấy Don Rua viết:
– Ước vọng lớn của Don Bosco là tập cho các học sinh của ngài có thói quen biết quản trị ngay từ khi còn trẻ tuổi để chuẩn bị các em bước vào đời sau này. Để huấn luyện các em trong việc quản trị và dùng tiền bạc, ngoài hai bữa ăn trưa và tối hằng ngày, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ Don Bosco thường phát cho mỗi học sinh 20 xu. Với số tiền túi nhỏ ấy, các em có thể mua thêm mẩu bánh mỳ cho bữa ăn sáng hoặc những thứ lặt vặt khác các em cần dùng đến.
Đối với Don Bosco, bất cứ trong hoàn cảnh nào, việc huấn luyện tinh thần trách nhiệm bắt đầu từ lòng tín nhiệm và tin tưởng. Năm 1849 Don Bosco giao phó tất cả tiền bạc, sổ sách của cộng đoàn ở Valdocco cho Giuseppe Buzzetti. Lúc đó Giuseppe Buzzetti là một thanh niên vừa mới tròn 17 tuổi!
Các bạn thân mến, trong gia đình, mỗi lần đề cập đến vấn đề tiền bạc, vấn đề trước tiên các phụ huynh thường quan tâm tới là số lượng, cho con bao nhiêu tiền, khi nào nên cho con cái tiền; thay vì đề cao vấn đề phẩm chất, giá trị của tiền bạc và huấn luyện con cái phải xử dụng tiền bạc như thế nào. Nhiều cha mẹ thường băn khoăn thắc mắc, có nên cho con cái tiền bạc như phần thưởng vì một công việc tốt lành chăng? Có nên khuyến khích con cái tiết kiệm tiền bạc hay để chúng tự do tiêu xài?
Trước hết, chúng ta không nên quên rằng tiền bạc có một giá trị tượng trưng rất mạnh và nó ăn sâu trong tâm hồn đứa trẻ ngay từ thuở thơ ấu. Do đó tiền bạc có thể trở nên như đối tượng để chiếm đoạt, hoặc một khát vọng như thùng không đáy. Tiền bạc cũng có thể trở nên như ông chủ đáng mến, hoặc ông chủ độc tài đáng ghét. Không thiếu chi những trường hợp tiền bạc trở nên như thuốc độc giết hại hạnh phúc gia đình. Qua mọi thời đại, tiền bạc vẫn là dụng cụ để mua chuộc quyền bính, địa vị, tự do và khoái lạc.
Trước những ý nghĩa và giá trị sai lầm của tiền bạc trong môi trường xã hội cha mẹ cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của tiền bạc mà họ muốn khi ban tặng tiền bạc cho con cái mình. Cha mẹ muốn con cái hiểu rằng tiền bạc là kết quả của mồ hôi trán và của việc làm lương thiện ư? Vậy không nên cho con cái một số tiền nhất định thường xuyên chỉ vì thói quen thay vì, vì một lý do chính đáng nào đó.
Cha mẹ muốn huấn luyện con cái tinh thần phục vụ và tình yêu vị tha ư? Vậy cũng hãy ban tặng tình thương cho con cái một cách vị tha nhưng không. Đừng tỏ tình yêu thương con cái chỉ vì chúng ngoan ngoãn, dễ thương, cũng đừng trọng thưởng chúng bằng tiền bạc khi chúng làm điều đẹp lòng cha mẹ. Và hãy để con cái được tự do xử dụng những gì cha mẹ ban tặng cho chúng cách nhưng không, đừng ép buộc chúng phải làm theo ý muốn của cha mẹ.
Biết tín nhiệm nơi con cái tức là tạo cơ hội để con cái được tự lập và để thực thi tinh thần trách nhiệm; là để cho con cái được quyền học hỏi qua những sự sai lầm của chúng mà không quá lo sợ bị trừng phạt vì những sai lầm và rủi ro ngoài ý muốn. Để giúp con cái trưởng thành trong tinh thần trách nhiệm, cha mẹ, phụ huynh đừng quên những điểm sau đây:
1. Trước hết, con cái cần ý thức được về sự cần thiết và tầm quan trọng của tiền bạc trong đời sống xã hội. Khi đến tuổi khôn, cha mẹ cũng nên cho con cái hiểu biết về hoàn cảnh tài chánh trong gia đình. Thay vì kể lể công lao khó nhọc, vất vả làm ăn kiếm tiền, cha mẹ hãy cho con cái biết các chi phí và giá tiền của những đồ dùng cần thiết trong gia đình, qua những dịp đi chợ, đi sắm đồ với con cái. Đó cũng là những cơ hội tốt và rất hữu ích để dạy cho chúng biết cân nhắc giá trị của các món hàng và dung hòa với phương tiện tài chánh thực sự của gia đình. Nhờ đó, một cách gián tiếp cha mẹ sẽ giúp con cái cởi bỏ dần não trạng hưởng thụ, biết từ bỏ những xa xỉ phẩm và những nhu cầu giả tạo vì đua đòi, mà thực sự không cần thiết.
2. Con cái cần có cơ hội để thực sự xử dụng tiền bạc. Chẳng hạn như cho con cái một số tiền túi và chỉ dẫn chúng biết dùng tiền qua việc chọn lựa những gì cần thiết và có lợi ích.
3. Hãy để cho con cái được dịp tham gia, đóng góp vào những chi phí đặc biệt trong gia đình với sự quảng đại dành dụm tiền túi của chúng và hy sinh một vài thứ tiêu xài gì đó. Nhờ đó con cái sẽ hiểu rằng mái nhà gia đình không phải chỉ là quán trọ, là nơi ăn ngủ qua đường rồi thôi, nhưng thực sự là gia đình trong đó tất cả là phần tử sống động, là chi thể của nhau và vì thế có bổn phận tích cực đóng góp vào ích lợi chung và hạnh phúc của gia đình.
4. Tuyệt đối không để cho con cái phung phí tiền bạc, hoặc tỏ ra quảng đại một cách khờ dại. Chẳng hạn như dùng tiền bạc để mua chuộc bạn bè, để đổi lấy một chút danh dự, quyền lợi, v.v… Tiếc thay, không thiếu chi những cha mẹ dùng tiền bạc để bù trừ vào sự thiếu sót tình thương của mình đối với con cái. Đó là những cha mẹ dùng tiền bạc như phần thưởng, hoặc hình phạt khi chúng làm vừa ý, hoặc làm phiền lòng mình. Đó là phương cách giáo dục rất tai hại, vì như thế là dạy cho con cái đồng hóa tình thương với tiền bạc.
Cũng đừng bao giờ dùng tiền bạc để miễn trừ bổn phận học đường, hay bất cứ một bổn phận nào. Đó là kiểu cách dùng tiền bạc để mua điểm cao và bằng cấp cho con cái, thay vì dạy chúng chu toàn bổn phận với tinh thần trách nhiệm để chuẩn bị tương lai tốt đẹp với công ăn việc làm lương thiện và với lương tâm chính trực.
5. Cha mẹ cũng đừng quên rằng chúng ta đang sống trong môi trường xã hội tục hóa và hằng ngày hít thở bầu khí hưởng thụ. Dù muốn dù không, con bò vàng vẫn là thần tượng có sức hấp dẫn và lôi kéo lòng gian tham của người thuộc mọi thời đại, dưới mọi bầu trời. Vì thế, hơn bao giờ hết, cha mẹ cần biết cảnh tỉnh con cái trước những cảm bẫy của làn sóng hưởng thụ đang ồ ạt lan tràn khắp nơi, vượt qua mọi biên giới quốc gia, văn hóa xã hội và bức tường gia đình. Tất cả chúng ta đều phải chịu sức ép của lòng ham muốn từ bên trong và những mời gọi quyến rũ từ thế giới bên ngoài, để được như mọi người, để được hơn mọi người, với bất cứ giá nào, và bằng bất cứ phương cách nào!
Sau cùng, chúng ta đừng quên rằng đức bác ái vị tha là lời mời gọi và cũng là thách đố của Chúa Kitô. Là gia đình kitô, chúng ta không thể đóng kín trong cái vòng luẩn quẩn: cha mẹ – con cái – tiền bạc. Bằng lời nói và gương sáng đời sống con cái phải học biết thêm rằng ngoài phạm vi gia đình và những nhu cầu cá nhân, còn có những anh em thân cận với tôi nữa, và tất cả chúng ta được liên kết với nhau trong tình đoàn kết, tương thân, tương ái với mọi người, nhất là những người xấu số, những anh em nghèo khổ hơn chúng ta nữa.
Ferrero Bruno
www.fmavtn.org