“Con cái của Thiên Chúa” có nghĩa là gì?

37
Thiên Chúa là cha của tất cả mọi người vì tất cả chúng ta đều được Ngài tạo dựng. Phép rửa mở ra một cuộc sống mới.
Francesco Carensi
Thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ nói rõ về Con cái của Thiên Chúa, và khẳng định rằng không phải tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài nếu chúng ta không tái sinh nhờ sức mạnh của Thần Khí Chúa, với việc lãnh nhận phép rửa, là dấu chỉ đầu tiên cho thấy chúng ta muốn trở thành con cái Chúa.
Độc giả Marco Giraldi hỏi.
Câu hỏi của tôi là: liệu tất cả mọi người, gồm những người đang thực hành đức tin ngoài kitô giáo hoặc những người không tin hoặc không có đức tin, có thể được gọi là con cái của Thiên Chúa không?
Linh mục Francesco Carensi, giáo sư Thánh Kinh, trả lời:
Chúng ta phải học cách sử dụng phép loại suy để giải thích cách chính xác các diễn đạt như thế này về mối quan hệ làm con của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thực ra, có một kiểu làm con xuất phát từ việc tạo dựng, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, vì Ngài tạo ra chúng ta. Sự thật này đã được khẳng định ngay cả trong bối cảnh ngoại giáo, nơi mà chúng ta đọc thấy rằng “Zeus là cha của loài người và  của các vị thần”, cũng như trong bối cảnh Do Thái, Thiên Chúa đối xử với dân của mình như một người cha đối với con cái.
Khi Chúa Con xuất hiện, chúng ta được mời gọi trở thành con cái trong Người, do đó, nhờ ân sủng, chúng ta gia nhập vào Giáo hội, là cộng đoàn con cái Thiên Chúa, không phải theo nghĩa độc hữu mà là trọn vẹn. Sự thuộc về này không được khơi dậy trong chúng ta cảm giác ưu việt hay khinh thường những người chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng dẫn chúng ta đến việc khám phá lại bản thân và bản chất thụ tạo của chúng ta, đồng thời sống trong tình liên đới với toàn thể nhân loại mà Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Do đó, chúng ta phải khám phá lại vẻ đẹp của việc trở thành con cái như một món quà dành cho tất cả mọi người. Thánh Gioan có viết trong thư thứ nhất rằng: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1-3). Đó là một món quà tuyệt vời nhưng còn là một trách nhiệm chứ không phải là một đặc ân để khoe khoang. Nếu chúng ta đã nhận được sự thân tình này với Chúa, chúng ta cũng có một trách nhiệm lớn lao.
Người Kitô hữu không đứng trên người khác. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta nhận được một cuộc sống mới vượt lên trên mọi khác biệt: sắc tộc, tôn giáo, xã hội hay giới tính. Trong thư gửi tín hữu Galata, chúng ta đọc thấy: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gal 3:22-29). Trở thành con cái Thiên Chúa khiến mọi người trở nên bình đẳng trong phẩm giá.
Vì thế, phép rửa không chỉ là một nghi thức bên ngoài. Được rửa tội có nghĩa là nhận được một sự biến đổi sâu xa, sống thân mật hơn, và có được một cuộc sống mới: một cuộc sống cho phép người ta gọi Thiên Chúa bằng “Abbà”, nghĩa là “lạy cha” hay “cha ơi”: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ábba, Cha ơi! ” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”. (Gal 4,4-7)
Bổn phận của chúng ta, với tư cách là con Thiên Chúa, là cụ thể hóa lời kêu gọi đến sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại. Những gì làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa mọi người là nguyên nhân của sự phân biệt đối xử; vì vậy tất cả điều này không còn có cơ sở nữa. Chúng ta được mời gọi để mang ước muốn này của Thiên Chúa vào thế giới: mỗi người đều quý giá trước mặt Ngài vì con người được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài. Người được rửa tội, vì đã nhận được món quà này, không thể coi mình trỗi vượt hơn những người khác. Trở thành con cái Thiên Chúa khi chịu phép rửa là một cơ hội đưa chúng ta đến với những người khác như anh em, qua họ chúng ta có thể khám phá ra vẻ đẹp của một Thiên Chúa đã hiện diện trong tâm hồn họ và của Đấng mà họ là hình ảnh.
G. Võ Tá Hoàng