VUI HỌC Có thể đội mũ trong nhà thờ không? Truyền thống nói gì...

Có thể đội mũ trong nhà thờ không? Truyền thống nói gì về điều này?

Cha Francesco Romano
Độc giả Fiametta Fiori: Một câu hỏi có vẻ tầm phào nhưng đó là sự tò mò của tôi. Thánh lễ trong nhà thờ có được phép đội mũ không? Có quy định nào cấm điều đó không? Có sự khác biệt nào trong việc này giữa nam và nữ không? Nói chung, có biện pháp phòng ngừa cụ thể nào cần được tôn trọng trong việc ăn mặc?
Cha Francesco Romano, giáo sư Giáo luật, trả lời:
Việc che đầu để cầu nguyện và nói tiên tri của các phụ nữ kitô giáo có nền tảng trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho Côrintô:
Nhưng tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Kitô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Kitô là Thiên Chúa. Phàm người nam nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà che đầu, thì hạ nhục Đấng làm đầu mình. Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Người nữ mà để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại! Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam. […] Anh em hãy tự xét xem: người nữ không che đầu mà cầu nguyện với Thiên Chúa thì có xứng hợp không? Chính thiên nhiên lại không dạy anh em rằng người nam mà để tóc dài là điều ô nhục, còn người nữ mà để tóc dài thì lại là vinh dự cho họ đó sao? Là vì Thiên Chúa ban cho người nữ mái tóc làm khăn che đầu” (1Cor 11, 2-15).
Khi Thánh Phaolô quy định rằng những người nữ phải che đầu, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, cũng là gửi đến hết mọi kitô hữu ở bất cứ nơi đâu, các phụ nữ Hy Lạp ngoại giáo ở nơi đó không đội khăn trùm đầu. Theo cách này, thời các tông đồ, tục lệ che đầu của Kitô giáo bị coi là phản văn hóa, đang khi đó là một điều khoản trong Kinh thánh hơn là một truyền thống văn hóa.
Trong Giáo hội sơ khai, theo giáo huấn của các Giáo phụ, phụ nữ thường che đầu bằng một tấm vải và tục lệ này vẫn tiếp tục trong nhiều thế kỷ.
Về vấn đề này, Tertullian viết: «Các Giáo hội do các Tông đồ thành lập đều nhấn mạnh rằng cả phụ nữ đã kết hôn và các trinh nữ đều phải đeo khăn che mặt. Trên khắp Hy Lạp và ở một số tỉnh miền quê, hầu hết các Giáo hội đều muốn các trinh nữ của họ phải che đầu. Thực vậy, thực hành này đã được thực hiện ở một số nước châu Phi. Vì vậy, chúng tôi không gán phong tục này chỉ cho người ngoại giáo Hy Lạp và người miền quê. Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng mô hình của các Giáo hội này được thành lập bởi các tông đồ hoặc bởi những người thuộc nhóm các tông đồ. […] Chính các tín hữu Côrintô đã hiểu lời Thánh Phaolô theo cách nói này. Kể từ ngày hôm nay, người Côrintô che mặt các trinh nữ của họ. Điều các tông đồ đã dạy đều được các các đồ đệ xác nhận”. (Tertullian, La velatura delle vergini dei Padri Ante-Nicene, Tập 4, trang 27-29, 33).
Các Kitô hữu tiên khởi ở Âu Châu, Trung Đông, Bắc Phi hay miền Viễn Đông đã thực hành những điều khoản trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, đàn ông cầu nguyện để đầu trần và phụ nữ che đầu. Theo các phát hiện khảo cổ học, những bức tranh từ thế kỷ thứ hai và thứ ba được tìm thấy trong hầm mộ và những nơi khác cho thấy những phụ nữ theo Kitô giáo cầu nguyện với một tấm khăn che trên đầu.
Các Tông hiến ở thế kỷ thứ 4 cũng quy định rõ ràng rằng trong nhà thờ phụ nữ phải trùm đầu.
Bằng chứng lịch sử cho thấy các thế hệ tín hữu đầu tiên hiểu rằng khăn che đầu của phụ nữ phải là một tấm vải chứ không phải mái tóc dài. Những phụ nữ không muốn làm theo các chỉ dạy của thánh Phaolô không cho rằng ngài đã nói về mái tóc dài, giống như Tertullinanô đã chỉ ra. Họ chỉ đội một chiếc khăn trùm đầu nhỏ như một cử chỉ vâng phục tối thiểu lời giảng dạy của ngài. Không ai trong Giáo hội sơ khai cho rằng những chỉ dẫn của Phaolô chỉ là sự nhượng bộ đối với văn hóa Hy Lạp. Những chỉ dẫn của Phaolô trái với văn hóa và chứng tỏ rằng chúng là một thử thách về lòng can đảm và thiện tâm của vị Tông đồ dân ngoại. Thánh Phaolô dạy rằng việc một người phụ nữ ra ngoài mà không che đầu có nghĩa là đánh mất phẩm giá, quyền lực và ân sủng mà Chúa đã ban cho phụ nữ. Ý tưởng người phụ nữ vứt bỏ khăn che đầu là vứt bỏ phẩm giá của mình thể hiện một chân lý đạo đức nơi Thánh Phaolô.
Trong hầu hết các tôn giáo, trong nhà thờ đàn ông có phong tục cởi mũ ra như một dấu hiệu của sự khiêm nhường và tôn trọng Thiên Chúa cũng như nơi thờ phượng.
Sau cuộc cải cách của công đồng, chúng ta không còn thấy, ít là rõ ràng, các quy tắc ứng xử, ngay cả ở những nơi linh thiêng người ta thường xuyên đề cập đến thái độ trang nhã, đặc biệt là về trang phục. Thông thường đây là những quy định do giám mục giáo phận ban hành cho địa phận của mình tùy theo nhu cầu của địa phương.
Thánh Phaolô khuyến khích phụ nữ ăn mặc cách “đoan trang”, “kín đáo và giản dị”, đối lại cách ăn mặc không phù hợp với việc làm đạo đức của những người tôn thờ Thiên Chúa đích thực (x. 1 Tim 2, 9-10). Ý nghĩa của việc ăn mặc trang nhã được cảnh báo không chỉ khi bước vào thờ mà còn áp dụng cho tất cả mọi người nam, nữ.
Một người sùng đạo, không riêng gì phụ nữ, nên cố gắng hướng hành vi của mình theo cái nhìn thiêng liêng, lưu ý đến vinh dự của nó. Nếu một người, đặc biệt là phụ nữ, xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại dùng trang phục để lôi cuốn sự chú ý đến thân thể mình một cách khêu gợi thì người ấy không làm chứng tốt cho Chúa, mà quên rằng thân xác mình đã được Chúa Kitô cứu chuộc và hiện nay là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cor 6, 19-20) để rồi trở thành dịp tội cho những ai bị lôi cuốn bởi dục vọng, như thánh sử Mátthêu (Mt 5, 27-29)[1] và sách Châm ngôn dạy (Cn 7, 10)[2]. Sự trang nhã trong cách ăn mặc thể hiện lòng khiêm tốn và lòng sùng kính trong tâm hồn của những người sống để làm hài lòng và tôn vinh Thiên Chúa chứ không đề cao cái tôi của mình.
————————-
[1] “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
[2] Kìa người phụ nữ ấy ra đón chàng, ăn mặc như gái điếm, lòng ẩn chứa mưu gian.
G. Võ Tá Hoàng
Exit mobile version