Cổ nhân dạy con: Trở thành người hiền đức mới là trọng yếu nhất

77

Làm cha mẹ, dù có chu cấp tiền của nhiều đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục coi trọng đức hướng thiện mới đúng là mang lại phúc báo lâu dài cho con cái. Bởi vậy mà giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất.

tào tháo, người xưa, dạy con,

Giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất. (Ảnh: Scoop)

Phi Hồng phạm lỗi, tự lấy roi trừng phạt mình

Một lần nọ, Phi Hồng cùng bạn chơi cờ. Cả hai đứa nhỏ đều muốn đánh bại đối phương. Do quá hiếu thắng nên chúng đã tranh cãi với nhau. Không nén nổi tức giận, Phi Hồng đã vung tay tát bạn khiến cậu bạn kia vô cùng tức tối.

Cha của Phi Hồng đang công tác ở xa, biết chuyện con mình ở nhà đã gây gổ với người khác, ông không khỏi lo lắng. Ông liền viết ngay cho Phi Hồng một bức thư sau khi biết ngọn ngành sự việc.

Cùng với bức thư, ông cũng gửi kèm cho con trai một chiếc roi tre và yêu cầu Phi Hồng trao nó cho người bạn để người bạn tự tay trừng trị hành vi không đúng của Phi Hồng. Theo lời cha, cậu bé mang chiếc roi tới trước cửa nhà bạn. Vì còn chưa nguôi ngoai nên ban đầu người bạn ấy không muốn gặp mặt Phi Hồng. Thấy vậy, Phi Hồng liền cầm cây roi và tự quất vào người mình.

Sau vài phút, người bạn chạy ra và tận mắt chứng kiến cảnh Phi Hồng tự trừng phạt bản thân. Không một lời giải thích, cậu bạn khóc thật to và chạy tới ôm lấy Phi Hồng. Hành động đột ngột này khiến Phi Hồng rất bối rối, cậu hỏi bạn mình: “Đó hoàn toàn là lỗi của tớ, nhưng vì sao mà cậu khóc?”

Người bạn trả lời rằng: “Tớ muốn được như cậu. Cậu có một người cha nghiêm khắc để dạy dỗ cậu nên người, còn tớ thì không, cha tớ đã qua đời từ lâu rồi. Tớ muốn có ai đó dõi theo và nuôi dạy mình, nhưng làm sao mà điều ấy có thể xảy ra được cơ chứ? Đó chính là lý do vì sao mà tớ cảm thấy vô cùng buồn bã”.

Kể từ đó, hai người giải hòa với nhau và coi nhau như anh em.

Phi Hồng là một vị quan sống vào thời nhà Minh. Ông đã giành quán quân trong nhiều cuộc thi của triều đình. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thị lang bộ Lễ, Tể Tướng. Ông bị sắp đặt để buộc phải nghỉ hưu. Nhưng không lâu sau đó, ông lại được phục chức và quay trở lại triều đình. Trong cuộc đời của mình, Phi Hồng đã từng ra làm quan và rời chức quan đến ba lần.

Con đường công danh đầy vinh quang của Phi Hồng là thành quả của sự giáo dục rất nghiêm khắc. Đó là lý do vì sao những người trẻ tuổi trong xã hội xưa đã lớn lên và trở thành những con người đức hạnh và có nhân cách cao quý.

Tào Tháo một đời kiêu hùng, dạy con rất nghiêm khắc

Tào Tháo (155-220) là vị quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán vốn một đời kiêu hùng nhưng dạy con vô cùng nghiêm khắc. Những người con trai của Tào Tháo cũng rất thông minh, tài năng. Ví như Tào Phi “bác văn cường thức, tài thuật kiêm bị”; Tào Thực tài trí hơn người; Tào Chương võ thuật siêu quần… Những người con tài giỏi cũng chính là kết quả của việc Tào Tháo vô cùng coi trọng giáo dục gia đình.

Để khích lệ con trai cố gắng học tập, Tào Tháo từng ban bố ‘Chư nhi lệnh’ như sau: “Nhi tuy tiểu thì kiến ái, nhi trường đại năng thiện, tất dụng chi, ngô phi hữu nhị ngôn dã. Bất đãn bất tư thần lại, nhi tử diệc bất dục hữu sở tư”. Ý nói rằng: Các con khi còn nhỏ, ta đều yêu quý, nhưng trưởng thành rồi, ta sẽ lượng tài để dụng, nói được làm được; đối với thuộc hạ, ta sẽ công bằng, đối với các người cũng công chính, có tài ắt được trọng dụng, người tài năng nhất sẽ là người nối nghiệp của ta.

Để thực hiện mục tiêu giáo dục, Tào Tháo đã lựa chọn cho các con trai của mình những người thầy tốt nhất. Mục tiêu lựa chọn thầy cho các con trai của Tào Tháo là: Đức hạnh đường đường chính chính, thâm minh quốc pháp, đó chính là mẫu người như Hình Ngung.

tào tháo, người xưa, dạy con,

Tào Tháo một đời kiêu hùng, dạy con rất nghiêm khắc. (Ảnh: Eva)

Sau khi Tào Phi làm thái tử, Hình Ngung cũng được Tào Tháo phái đến làm thầy của Tào Phi. Ngoài Hình Ngung ra, Tào Tháo còn phái cả Bình Nguyên và Trương Phạm đến phụ tá cho Tào Phi. Tào Tháo rất khách quan nói với họ rằng, con trai của ta không ra gì, sợ nó khó đi đường chính, nên mới nhờ các người khuyên bảo để giúp cậu ta tu chỉnh.

Tào Tháo am hiểu đạo lý “Bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên”, có nghĩa là không theo quy củ, thì sẽ bất chấp quy tắc. Một lần, Tào Tháo bảo Tào Chương lãnh binh xuất chinh, trước khi đi ông khuyên bảo con: “Cư gia vi phụ tử, thụ sự tắc vi quân thần, đãi nhân xử sự tu tuân vương pháp, nhĩ kỳ giới chi!”, ngụ ý là trong nhà là phụ tử, tác sự thì là quân thần, nếu ngươi ở bên ngoài không tuân theo phép tắc, thì đừng trách ta không màng tình phụ tử.

Vương Hi Chi dạy con không được kiêu ngạo

Vương Hi Chi (303 – 361) là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc, được mệnh danh là “Thư thánh”. Ông có bảy người con, trong đó con út Vương Hiến Chi cũng là một nhà thư pháp xuất chúng.

Khi Hiến Chi lên 15 tuổi, cậu bé đã có tài thư pháp và thường được cha và các anh khen ngợi. Cũng bởi vậy, Hiến Chi trở nên kiêu ngạo và lười biếng, nghĩ rằng tài năng của mình đã xuất sắc lắm rồi, và không cần phải khổ luyện thêm nữa.

Và câu chuyện sau đây kể về cách mà Vương Hi Chi đã giúp con trai mình nhận ra kiêu ngạo là xuẩn ngốc, còn chuyên cần mới là yếu tố quan trọng để thành công.

Một ngày, Vương Hi Chi được mời vào kinh thành, hôm đó gia đình ông quây quần bên bữa tiệc đưa tiễn, gồm có đồ ăn và rượu thượng hạng.

Ngà ngà say, Vương Hi Chi chợt có một ý tưởng, ông quyết định viết một vài chữ để khuyên răn Hiến Chi.

Vương Hi Chi thảo một bài thơ lên bức tường với nhan đề “Giới kiêu thi” (Bài thơ dạy không được kiêu ngạo), khuyên bảo Hiến Chi đừng nên kiêu ngạo mà hãy khổ công rèn luyện.

Tuy nhiên, Hiến Chi không tâm phục. Vào ngày hôm sau, cậu chép lại bài thơ mấy chục lần mỗi ngày, và ngay trước khi cha về tới nhà, khi không ai nhìn thấy, cậu bèn xóa bài thơ đi và viết lại cùng vào một chỗ trên bức tường, bắt chước phong cách thư pháp của cha. Hiến Chi rất tự hào về mình, dương dương tự đắc nghĩ rằng, thư pháp của mình đã đạt đến trình độ như cha và không ai có thể nhận ra sự khác biệt.

Nhưng khi Vương Hi Chi trở về, ông nhìn chăm chú vào bài thơ trên tường một hồi lâu, sau đó ông gãi đầu và thở dài.

“Ôi! Có phải đêm qua ta đã uống hơi quá chén nên mới viết ra những nét chữ vụng về thế này không nhỉ?”, ông than thở.

Lúc này Vương Hiến Chi mới đỏ bừng mặt, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và ngượng ngùng. Cậu cuối cùng đã nhận ra rằng chỉ có nhờ học tập chuyên cần và khổ công rèn luyện mới có thể trở thành một nhà thư pháp nổi danh.

Cổ nhân có câu rằng: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý rằng nuôi mà không dạy là lỗi của cha, chính là nói về sự quan trọng của giáo dục gia đình. Bởi cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái.

Bởi vậy mà người xưa thường rất coi trọng và lấy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” làm lý tưởng sống của mình. “Tu thân” chính là nội dung quan trọng trong giáo dục gia đình, mà “tề gia” lại là mục tiêu lý tưởng của giáo dục gia đình. Và dẫu là tướng quân tướng soái bận bịu với trăm công nghìn việc, trăm mối lo và trọng trách nặng nề với giang sơn xã tắc, nhưng Gia Cát Lượng, hay Tào Tháo… họ đều vẫn canh cánh nỗi lo lắng dạy bảo con cái của mình.

Những nhân vật nổi tiếng lưu danh sử sách, từ nhất ngôn nhất hành đều có sức ảnh hưởng to lớn. Và đạo giáo dục con cái của họ cũng trở thành hình mẫu trong giáo dục gia đình cho hậu nhân, rất đáng để chúng ta noi theo.

TinhHoa tổng hợp

Nguồn: http://tinhhoa.net