GÓC SUY TƯ SUY TƯ Chuyện người nghèo

Chuyện người nghèo

Chúa Giêsu cho biết: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em.” (Mt 26:11) Kinh Thánh nói: Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo.” (Cn 22:9) Người nghèo liên quan lương thực, lương thực cần thiết và cấp bách vì có ảnh hưởng sự sống thể lý, Chúa Giêsu dạy cầu xin: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy.” (Lc 11:3)

Người nghèo liên quan đức ái, một trong ba “cột trụ” của Mùa Chay. Để dễ nhớ, xin gọi đó là A, B, và C – A là Ăn Chay, B là Bác Ái (biếu, cho, tặng, trao,…), C là Cầu Nguyện. Mùa Chay là Mùa Yêu Thương – Ăn Chay [A] là Yêu chính mình, Bác Ái [B] là Yêu tha nhân, Cầu Nguyện [C] là Yêu Thiên Chúa. Ba nhánh yêu thương rất lạ lùng.

Có câu chuyện về cách đối xử trong cuộc sống đời thường, bình thường mà quan trọng, đáng suy tư để xét mình trong Mùa Chay, như thế này…

Một người mẹ nghèo có đứa con bị mắc bệnh hiểm nghèo. Người mẹ đã bán hết mọi thứ để chạy chữa cho con mà bệnh của con vẫn không hết. Hai mẹ con phải sống vất vưởng nơi hành lang bệnh viện nhờ tấm lòng hảo tâm của mọi người, qua những bữa cơm từ thiện và thuốc bảo hiểm.

Một hôm, đứa bé thỏ thẻ với mẹ trong hơi thở đứt quãng: “Mẹ ơi! Con… thèm… bánh mì.”

Lúc đó, bánh mì đối với mẹ con họ là một món ăn xa xỉ. Ngày hai bữa cơm với một bữa cháo từ thiện cũng đã là may lắm rồi, không dám mơ tới ổ bánh mì. Người mẹ không còn đồng nào trong túi để mua, và cũng chẳng biết xin ai.

Một buổi sáng thứ bảy, người mẹ ôm con ra ngoài có ý tìm công việc rửa chén hay lau dọn để kiếm đồng tiền công mà mua cho con ổ bánh mì. Ra vào vài quán ăn, chẳng ai dám mướn khi thấy người đàn bà khắc khổ với đứa bé xanh mét, gầy trơ xương. Hai mẹ con lầm lũi đi… Khi đi ngang qua một nhà thờ, người mẹ chợt nhìn thấy một phụ nữ chạy xe máy với túi bánh mì rẽ vào cổng nhà thờ. Chị vội vã dắt con chạy theo và thấy phụ nữ đó đang chia bánh cho các phụ nữ khác.

Người mẹ rụt rè bước tới và nhẹ giọng: “Chị ơi, nếu còn thừa, chị cho con em xin một cái.” Phụ nữ kia chắc là ngừi bán bánh mì, vừa chìa tay nhận tiền vừa to tiếng với người mẹ đau khổ: “Chị có quét nhà thờ không mà đòi ăn?” Tủi thân, người mẹ định lui bước, nhưng một phụ nữ khác cầm ổ bánh mì tiến đến đưa cho chị, nhẹ nhàng nói: “Bánh đây, chị cho cháu ăn đi.” Đứa bé vội chộp lấy ổ bánh mì rồi ăn ngấu nghiến.

Đó là ổ bánh mì quý giá và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của hai mẹ con. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau, đứa bé ra đi trong vòng tay người mẹ, sau khi nó được ăn no một ổ bánh mì…

Câu chuyện thật buồn. Xót xa cho những phận nghèo. Chỉ vì nghèo mà phải khổ, bởi vì nghèo mà chịu hèn. Như điều mặc định, Việt ngữ thường ghép đôi: Nghèo khổ, nghèo hèn. Người nghèo nói không ai tin, xin chẳng ai cho. Khổ lắm!

Kinh Thánh đề cập nhiều về vấn đề thương xót. Cựu Ước xác định: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn 19:17) Chúa Giêsu cho biết: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4:24; Mt 7:2; Lc 6:38) Rất rạch ròi công bằng và công lý.

Bác ái liên quan yêu thương, chia sẻ, trái ngược với bất công, áp bức, cướp của người khác. Kinh Thánh khuyên: “Đừng làm điều xấu, thì cái xấu sẽ không thắng được con. Điều bất công, con hãy xa tránh, thì nó sẽ lánh xa con. Con ơi, đừng gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công gấp bảy lần.” (Hc 7:1-3) Tội lỗi đáng sợ, nhưng tái phạm còn nguy hiểm hơn: “Đừng để tội nào trói buộc con đến hai lần, vì một lần thôi cũng đủ để bị phạt.” (Hc 7:8)

Chia sẻ là hy sinh, trao tặng với cả tấm lòng, trao tặng những gì mình nhường nhịn chứ không phải là cho những thứ dư thừa hoặc đồ bỏ. Có lẽ chẳng mấy ai làm được như bà góa, mặc dù bà chỉ có hai đồng kẽm, chẳng đáng gì so với tiền trăm, tiền triệu, tiền tỷ của những người khác, nhưng bà đã “bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12:41-44; Lc 21:1-4) Hai đồng kẽm đó vô giá!

Giúp đỡ người khác về nhu cầu cấp bách là một mối phúc: “Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo.” (Cn 22:9) Yêu thương phải xuất phát từ đáy lòng, chứ không giả hình, khoe mẽ, hoặc đua nhau làm từ thiện kiểu phong trào. Cũng là một mối phúc đối với việc yêu thương thật lòng: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình. Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ.” (Tv 112:5 & 9) Thiên Chúa không để cho ai thua thiệt đâu, vì Ngài đã hứa: “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58:10)

Quả thật, vấn đề bác ái không hề đơn giản như người ta vẫn tưởng. Của cho và cách cho cũng là một vấn đề, vì “của cho không bằng cách cho.” Nếu không có chút thương hại người nghèo thì cũng đừng đối xử bất nhân với họ: “Đừng bóc lột người nghèo, vì họ đã nghèo sẵn; cũng đừng chà đạp người yếu thế nơi cửa công.” (Cn 22:22)

Vì có tội mà phải ăn chay để “khống chế” thân xác, để đền tội, đó là điều tất nhiên. Ăn chay là giảm bớt – ví dụ giảm bớt phần ăn, nhưng không phải để dành hoặc tích trữ cho mình, mà để chia sẻ phần ăn đó cho người nghèo. Có lẽ người ta thường hiểu chưa đúng vấn đề này. Quả thật, cũng không hề đơn giản chút nào!

Lạy Thiên Chúa đại lượng, xin thương xót những người nghèo, xin cho họ vững lòng tin yêu Ngài mặc dù cuộc sống của họ luôn thua kém người khác, luôn vất vả và lận đận. Xin cho họ được phần thưởng đời đời mà Ngài đã hứa ban cho những ai nghèo khó. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Exit mobile version