Chuyện Miệng Lưỡi

112

Cái lưỡi chỉ là một miếng thịt nhỏ ở trong cái miệng, thế mà bao thứ rắc rối xảy ra trên thế gian này chỉ vì… nó!

Có Lưỡi nên có Lời. Một hệ lụy tất yếu. Có thể nói tắt: Lưỡi là Lời. Chúa Giêsu cho biết nguy cơ liên quan lưỡi – lời: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ PHẢI TRẢ LỜI về MỌI ĐIỀU VÔ ÍCH mình đã nói. Vì nhờ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ được TRẮNG ÁN; và cũng tại LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN” (Mt 12:36-36). Có đầy mới tràn. Nghĩ sao nói vậy. Và điều đó sinh ra cái mà người ta gọi là Nhân – Quả.

Đáng sợ thật, đừng tưởng lời nói theo gió bay hoặc nghe tai này qua tai kia! Thật vậy, từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã nói về hệ lụy của lời nói: “Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều tốt đẹp, mỗi người sẽ lãnh hậu quả việc mình làm” (Cn 12:14).

Về khoa học, lưỡi là cơ quan vị giác nằm trong khoang miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có vú, lưỡi là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp, phía dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên lưỡi có nhiều nhú cảm giác (chồi cảm giác). Mặt lưỡi chia thành một số vùng tương ứng với khả năng cảm giác và vị giác khác nhau. Lưỡi mềm, không xương, chuyển động bằng các cơ, có khả năng uốn dẻo linh hoạt. Lưỡi có chức năng rất quan trọng trong việc ăn uống và nói năng. Khi ăn uống, lưỡi nhận rồi đảo và đưa thức ăn vào bụng. Lưỡi là bộ phận cảm nhận vị giác, giúp con người cảm nhận được các vị khác nhau của thức ăn: ngọt, mặn, chua, cay, đắng,… Khi nói, lưỡi là cơ quan cấu âm. Để phát ra một tiếng hoặc âm tiết, người ta phải kết hợp việc sử dụng lưỡi với các bộ phận trong miệng như răng, môi, ngạc, dây thanh,… Lưỡi có vai trò tạo ra sức cản luồng không khí thoát ra từ họng để phát ra các âm thanh.

Bởi vì lưỡi có đặc điểm và chức năng như vậy, nên trong quan niệm văn hóa truyền thống, lưỡi biểu hiện cho lời ăn tiếng nói của con người. Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới cho rằng lưỡi là biểu tượng của sự hình thành, tạo nên lời nói, và là nguồn gốc của lời nói. Trong Anh ngữ, “tiếng mẹ đẻ” được thể hiện bằng từ ngữ mother-tongue (trong đó có chữ “tongue” nghĩa là “cái lưỡi”). Người ta dùng thành ngữ “Keep your tongue” với ý nghĩa là “giữ mồm, giữ miệng”, ý nói phải thận trọng lời ăn tiếng nói. Trong Việt ngữ cũng có những cách nói tương tự, khuyên người ta phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nếu nói lung tung sẽ bị “đánh cho gãy lưỡi” hoặc bị “cắt lưỡi”.

Chuyện xưa kể rằng, khi đến thăm người thầy Phương Dung đang ốm nặng, Lão Tử đã trả lời rất đúng ý thầy về cái răng và cái lưỡi: “Sở dĩ lưỡi còn là vì lưỡi mềm, còn răng rụng vì răng cứng”. Đạo lý này không chỉ đúng với răng và lưỡi mà còn ứng với mọi việc trong thiên hạ. Triết lý phương Đông đề cao tính linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Sống không cứng nhắc, khéo lựa theo tính chất sự việc mà ứng xử sao cho có hiệu quả, “lạt mềm buộc chặt” còn hơn là cứ khư khư giữ đúng nguyên tắc.

Thật không đơn giản chút nào! Chuyện nhỏ mà không hề nhỏ. Cách sống tốt hay xấu cũng ảnh hưởng bởi cái lưỡi. Đối với Kitô hữu, càng cần thiết hơn là phải hằng ngày cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin canh giữ MIỆNG con, và trông chừng LƯỠI con” (Tv 141:3).

Chuyện kể rằng có hai người hàng xóm, họ đều là những người bình thường, nghĩa là họ được Chúa ban cho miệng lưỡi bình thường như nhau, không chút gì khuyết tật, nhưng cách sử dụng miệng lưỡi lại khác nhau.

Một người chẳng mấy khi không to tiếng. Lúc thì la con mắng cháu bằng giọng điệu oang oang và hằn học, lúc thì “đôi co” với chồng. Không chỉ vậy, có lúc còn mở máy hát inh ỏi, bất kể trưa hay tối, những lúc mà mọi người cần sự tĩnh lặng, thư giãn tâm hồn sau những giờ lao động, vất vả ngược xuôi trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay.

Một người ít khi nghe tiếng nói. Sáng đi sớm, tối về trễ. Cuộc sống khá lam lũ, nhưng đêm đêm lại quây quần gia đình vui vẻ, cùng nhau xem lại điều gì đúng hay sai, để cùng rút kinh nghiệm và giúp nhau hoàn thiện hơn. Gia đình họ nghèo vật chất nhưng giàu tình yêu thương. Cuộc đời lặng của con người ấy vẫn thực sự toát ra hơi ấm của ân nghĩa và tin yêu.

Con người hữu hạn và mặc nhiều yếu đuối. Vì bất túc nên ai cũng miệt mài đi tìm hạnh phúc. Tốt cũng cái lưỡi, xấu cũng cái lưỡi. Vượt qua “cái tôi” tưởng chừng đơn giản mà lại quá nhiêu khê! Quả thật, “cái tôi là đáng ghét” (Pascal), và “chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình” (Napoléon).

Ai cũng biết “đời là khổ” mà vẫn cứ “vô tình” làm khổ nhau thêm mãi, khổ cả tinh thần và khổ cả thể lý vì những bất công xã hội, lườm nguýt, mỉa mai, chỉ trích, trù dập, lọc lừa,… Thắng không tự cao, thua không điên đảo, đó mới là phong cách cao thượng của đấng trượng phu và quân tử.

Cuộc sống cần lắm những giây phút tĩnh lặng, những “khoảng riêng” không thể thiếu, để suy tư và cầu nguyện. Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện, Ngài tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện trong lúc người khác còn ngủ ngon. Những “khoảng lặng tâm hồn” đó sẽ tăng lực cho chúng ta đủ sức đối mặt với mọi gian khổ ở thế gian này. Trong khoảng sa mạc tâm hồn đó sẽ giúp chúng ta hoàn thiện dần dần theo ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời khoảng lặng đó cũng là những Tia X tâm linh soi thấu linh hồn để chẩn đoán tâm bệnh của chúng ta, nhờ đó mà khả dĩ kịp chấn chỉnh.

Cả hai người hàng xóm kia đều có điều để chúng ta học hỏi: NÊN LÀM hoặc NÊN TRÁNH. Con người trần tục yếu đuối lắm, thế nên đã bao lần chúng ta cứ cố gắng đứng dậy, bước đi, rồi lại quỵ ngã. Chúng ta lại gượng dậy, và lại ngã… chẳng khác gì đứa trẻ tập tễnh đi. Không có Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì (Ga 15:5b), vì thế mà chúng ta cần Chúa Giêsu hơn bao giờ hết: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22:20b).

Một người dùng cái lưỡi để nói lời không hay, một người dùng cái lưỡi để chia vui sẻ buồn. Còn bạn và tôi, chúng ta sử dụng cái lưỡi để làm gì?

Khích bác, chê bai, nói hành, chửi thề,… là cách quá dễ! Nhưng nói ngọt, nói nhẹ, nói lời động viên, nói lời yêu thương,… thì không dễ chút nào! Quả thật, nói là một nghệ thuật. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Tuy nhiên, hãy phân biệt điều này: “Ít nói không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích” (Thánh François de Sales, 1567-1622, Pháp). Cũng không thể giả vờ nói hay, nói lấy lòng, gọi là “nói đãi bôi” (đúng ra là “đãi môi” nhưng người ta đọc trại thành “đãi bôi”), bởi vì “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự” (1 Sbn 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20). Thật vậy, chúng ta không thể giấu Ngài, mặc dù chúng ta có thể giấu người trần gian. Hãy nhận thức điều đó để giữ gìn lời nói, và thân thưa với Chúa: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:4). Cẩn tắc vô ưu, tiền nhân nói rất chí lý!

Lòng đầy thì trào ra miệng. Đầy cái tốt thì nói lời tốt, đầy cái xấu thì nói lời xấu. Đó là lẽ tất nhiên, không chi lạ! Nói về miệng lưỡi của ác nhân, Kinh Thánh so sánh: “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ” (Tv 5:10). Họ ỷ mình, cậy thế, dựa quyền nên kiêu ngạo: “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi, với môi mép này, ai làm chủ được ta?” (Tv 12:5).

Người ta ai cũng có “máu nổ”. Người tốt thì “chảnh” vì cái hay của mình, người xấu thì “khoe tội ác, suốt ngày tính kế hại người, chuyên lừa đảo, lưỡi như dao sắc bén, ưa điều dữ hơn điều lành, chuộng điều gian dối hơn sự thật, thích nói toàn lời độc ác, miệng lưỡi điêu ngoa” (Tv 52:3-6). Hậu quả thế nào? Dĩ nhiên sẽ là hệ lụy tất yếu: “Chúa Trời sẽ tiêu diệt ngươi vĩnh viễn, lượm ngươi đi, đem vất khỏi lều, và bứng gốc khỏi nơi dương thế” (Tv 52:7).

Còn người tốt, các chính nhân đúng nghĩa thì họ chỉ nói điều hay lẽ phải, có lợi cho tha nhân: “Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực” (Tv 37:30). Họ ưa nói về Chúa và thích nói với Chúa, họ luôn sợ làm phật ý người khác nên họ luôn tâm nguyện: “Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 39:4-5).

Rau nào sâu nấy, thầy nào tớ nấy, cha nào con nấy. Đó là hệ lụy tất yếu. Chúa Giêsu đã nói rạch ròi với người Do Thái: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12:33-35). Tất nhiên Ngài cũng khuyến cáo mỗi chúng ta đấy!

Chúa Giêsu minh định: “Lòng có ĐẦY, miệng mới NÓI ra” (Lc 6:45). Tu thân trước tiên rồi mới có thể tề gia hoặc trị quốc, và rồi mới có thể bình thiên hạ. Chấn chỉnh trước tiên từ nội tại: “Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi LỜI NÓI xấu gièm pha” (1 P2 2:1). Về tác hại của cái lưỡi, Thánh Giacôbê khuyến cáo: “Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3:6).

Kinh Thánh đã xác định: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối hoạ cho con người” (Hc 5:13). Thánh Faustina cũng đề cập hệ lụy của cái lưỡi: “Những sai lỗi của CÁI LƯỠI thật kinh hồn. Linh hồn sẽ KHÔNG đạt đến sự thánh thiện nếu KHÔNG CANH PHÒNG CÁI LƯỠI của mình” (Nhật Ký, số 92).

Kinh Thánh nói về cái lưỡi khá nhiều. Sách Châm Ngôn xác định: “Có sáu điều làm Đức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm: Mắt kiêu kỳ, LƯỠI ĐIÊU NGOA, tay đổ máu người vô tội, lòng mưu tính những chuyện xấu xa, chân mau mắn chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc giữa anh em” (Cn 6:16-19). Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúng mài LƯỠI nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang” (Tv 140:4). Sách Huấn Ca so sánh: “Không nọc độc nào như nọc độc của loài rắn. Không cơn giận nào bằng cơn giận của kẻ thù” (Hc 25:15). Thật đáng sợ, bởi vì LƯỠI NGƯỜI có khác chi LƯỠI RẮN đâu?

Người ta thật chí lý khi nói “giết người không cần gươm”. Thật vậy, Thánh Vịnh gia cũng nói rằng “ba hoa sùi bọt mép, lưỡi kiếm ở đầu môi” (Tv 59:8). Ôi, thật nguy hiểm! Thế thì phải mau khẩn khoản thân thưa: “Xin đừng cất khỏi miệng con lời chân lý, vì quyết định của Ngài, con vẫn cậy trông” (Tv 119:43). Đồng thời hãy noi gương Đức Mẹ về cách giữ mồm giữ miệng, vì Đức Mẹ chỉ nghe biết và ghi nhớ mọi điều (Lc 2:51).

Nói là gieo, nghe là gặt, im lặng là kho báu. Người ta đưa ra “thất giới” của người thông minh thế này:

  1. Không nói LỜI CHÁN NẢN, làm nhụt nhuệ khí.
  2. Không nói LỜI TỨC GIẬN.
  3. Không nói LỜI PHÀN NÀN, oán trách.
  4. Không nói LỜI LÀM TỔN HẠI NGƯỜI KHÁC.
  5. Không nói LỜI KHOE KHOANG.
  6. Không nói LỜI DỐI TRÁ.
  7. Không nói LỜI TIẾT LỘ BÍ MẬT.

Để tạm kết, chúng ta cùng nghe Kinh Thánh nói về cái lợi và cái hại của miệng lưỡi và lời nói:

  1. “Giữ mồm giữ miệng là BẢO TOÀN mạng sống, khua môi múa mép ắt sẽ phải THIỆT THÂN” (Cn 13:3).
  2. “MIỆNG kẻ dại có mầm kiêu ngạo, MÔI người khôn bảo vệ người khôn” (Cn 14:3).
  3. “Hãy giữ mình, chớ kêu ca vô ích, GIỮ miệng lưỡi, ĐỪNG nói xấu gièm pha. Nói chùng nói lén luôn gây hậu quả, ăn gian nói dối giết hại linh hồn” (Kn 1:11).
  4. “Nếu ai KHÔNG vấp phạm trong LỜI NÓI thì đó là NGƯỜI HOÀN HẢO” (Gc 3:2).

TRẦM THIÊN THU