Kiếp người là một chuyến lữ hành, tất nhiên có khởi hành và kết thúc. Chuyến lữ hành có thể dài hoặc ngắn, nhưng ai cũng có hai điểm: Sinh và Tử – khởi hành từ lúc sinh ra và kết thúc vào lúc trút hơi thở cuối cùng. Sinh ra thì không mấy lo, nhưng chết là mối quan ngại lớn!
Chết là “chuyến định mệnh” của mọi người, không ai tránh khỏi, như Thánh Phaolô đã xác định: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27). Tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp,… mọi thứ đều không thể đem theo. Của thế gian trả lại thế gian, chỉ có một thứ duy nhất có thể đem theo: Nhân Đức.
Lúc nào cũng thấy có người chết, nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng phải nghĩ đến cái chết của chính mình, không chỉ nghĩ đến Tử Thần mỗi dịp Mùa Chay và Tháng Cầu Hồn, hoặc một dịp đặc biệt nào đó. Thật vậy, cái chết có thể xảy đến với chúng ta bất cứ giây phút nào, đừng tưởng mình còn trẻ hoặc còn “ngon lành” mà khinh suất. Mỗi người chỉ có một “chuyến lữ hành” mà thôi. Và đừng quên điều quan trọng này: KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI. Đừng ảo tưởng!
Cuộc đời có rất nhiều chuyến xe: Xe khách, xe tải, xe buýt, xe xích lô, xe ôm, xe chở hàng, xe buôn lậu, xe tăng, xe hủ lô, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe hành hương, xe cứu trợ, xe cảnh sát, xe dân sự, xe hoa, xe tang,… Trong đó có loại xe tốt, có loại xe không tốt, có chuyến xe an toàn, có chuyến xe không an toàn – tốt hay xấu, an toàn hay không an toàn được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cuộc đời có nhiều chuyến xe, nhưng mỗi người chỉ có một “chuyến đời”, một chuyến duy nhất để mà sống, không thể “rút kinh nghiệm” cho chuyến nào khác. Tuy nhiên, với “chuyến đời” ấy, vấn đề không phải là dài hay ngắn, đi trên đường đất bụi mù hay đường nhựa trơn láng, đường hẹp và đầy ổ gà hay đường rộng thênh thang và đẹp đẽ, mà vấn đề là “chuyên chở” những thứ gì.
Ngay từ hồi còn niên thiếu, không hiểu sao tôi đã cảm thấy thích ca khúc “Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời” (http://www.youtube.com/watch?v=iRaIQiNsJ3E) của Nhạc sĩ Hoài Linh. Theo tôi, ca khúc này đầy triết lý của kiếp người. Với cấu trúc phổ biến A–A’–B–A’’ đối với các ca khúc trong nửa sau của thế kỷ XX, nhưng “Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời” không hề đơn điệu, giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng, ca từ bình dị mà thâm thúy: “Chuyến xe đầu, đưa người từ lòng nôi vào tư thế chơi vơi. Tay không hành lý ngóng nhìn về tương lai, ngỡ ngàng lên tiếng khóc cười, thay cho lời đầu tiên người nói”.
Người ta bật khóc ngay khi vừa sinh ra. Sinh ra là niềm vui lớn, sao lại khóc? Phải chăng vì “tay không hành lý” hay là “điềm báo” về chuyến đời đầy gian truân, khổ ải trần gian này? Có lẽ trước tiên vì “tay không hành lý” nên chính chuyến xe đầu tiên ấy đưa con người vào “tư thế chơi vơi”, thế nên con người cứ “ngóng nhìn về tương lai”, để rồi biết bao lần “ngỡ ngàng lên tiếng khóc, cười”. Chưa gì đã thấy buồn rồi!
Khởi đầu cuộc đời bằng tiếng khóc, nối tiếp là những nỗi buồn: “Tháng năm dài, vui buồn tuổi trầm vui, ngọt cay cũng mau quen. Xe lăn một chuyến cát bụi mòn chân đen, sang giàu may mắn phút đầu, hay nhịp độ gãy đôi ba cầu”. Tác giả dùng từ cũng lạ: Trầm vui. Vui mà trầm lặng chứ không ồn ào, náo nhiệt!
Vâng, nỗi buồn quá nhiều, mà niềm vui quá ít. Nhưng cứ phải chịu đựng mãi rồi cũng thành quen. “Người ăn không hết, kẻ lần không ra” như một quy luật. Nhiều người phải gian nan đủ thứ mới được thanh thản đôi chút, như người ta thường nói: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Mệt thật! Hạnh phúc nào cũng tốn nhiều nước mắt, vinh quang nào cũng chứa nhiều tủi nhục, thành công nào cũng nếm nhiều thất bại.
Thế mà sóng đời vẫn chưa chịu lặng, cuộc đời cứ chông chênh mãi: “Xe hoa đưa người êm ấm tình nồng, em anh nên đôi vợ chồng, xe tơ hồng một duyên hai bóng. Duyên đưa, có người chỉ một xe đầu, có người vài lần thương đau, có người chẳng bao giờ đâu”.
Chuyến xe được người ta quan tâm nhất là “chuyến xe hoa”. Thế nhưng các cô gái miền quê có lấy chồng cũng chẳng được ngồi xe hoa về nhà chồng, có chăng việc “lên xe hoa” của họ là ngồi trên chiếc xe trâu hoặc xe bò lọc cọc leo đồi mà về nhà chồng, thậm chí có những người còn phải lội bộ. Đối với họ, “xe hoa” chỉ có trong thơ văn, nghệ thuật.
Có những cô gái chỉ một lần lên xe hoa, nhưng có người lên xe hoa chưa được bao lâu đã phải khóc thương người chồng bạc mệnh, hoặc vì lý do nào đó mà phải chia tay. Có người bước thêm bước nữa nhưng rồi cũng chẳng vui hạnh phúc được bao lâu. Tái giá vài lần mà hạnh phúc vẫn xa tầm tay. Và “có người chẳng bao giờ đâu”, nghĩa là họ không lên xe hoa, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không ai hiểu được ẩn số cuộc đời nên người ta gọi đó là “duyên số” hoặc “duyên phận”, hoặc “định mệnh”.
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Biển không bao giờ cạn nước, thế nên khổ hải (bể khổ) cũng chẳng bao giờ hết đau khổ: “Sáng trưa chiều, khi tuổi đời nặng gieo, vòng tay cũng xuôi theo. Công danh ngày ấy, giấc mộng tình hôm nay, cũng về như chiếc lá gầy, xe đơn lạnh tiễn ai trong này”.
Ai cũng một thời trẻ, rồi già: “Khi tuổi đời nặng gieo”. Và đó là lúc “vòng tay cũng xuôi theo”, nghĩa là Tử thần bắt đầu “dòm ngó” hoặc đứng chờ ngoài cửa. Công danh, sự nghiệp, tiền tài, địa vị, tình yêu,… cũng chẳng còn nghĩa lý gì, vì tất cả “cũng như chiếc lá gầy”, cuối cùng chỉ còn là “chuyến xe đơn lạnh” mà thôi. Chuyến xe đó chính là chuyến xe tang!
Cuối ngày. Cuối tháng. Cuối năm. Và đặc biệt là cuối đời. Định luật muôn thuở và bất biến. Thời gian không nhanh, không chậm, muôn thuở vẫn vậy. Cảm giác nhanh hay chậm là do cảm giác của con người tùy thuộc cảm xúc vui hay buồn. Người ta vui thì thấy thời gian trôi qua mau, người ta buồn thì thấy thời gian trôi qua chậm. Người ta trẻ thì thấy thời gian “dài” với sắc màu rực rỡ, người ta già thì thấy thời gian “ngắn” với sắc màu ảm đạm. Chuyện đời bình thường vậy thôi!
Người ta gọi cuộc sống là “dòng đời” vì người ta thấy nó cũng cứ trôi đi như dòng sông. Sông hoặc biển cũng đều có sóng. Và cuộc sống cũng có một loại sóng đặc trưng là “sóng đời”. Với ý nghĩa đó, trong ca khúc “Sóng Về Đâu”, NS Trịnh Công Sơn viết: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người… Biển sóng biển sóng đừng trôi xa, Bao năm chờ đợi sóng gần ta, Biển sóng biển sóng đừng âm u, Đừng nuôi trong ấy trái tim thù”.
Trăm năm tưởng dài mà ngắn. Đời người qua nhanh tựa “bóng câu qua cửa sổ” (Trang Tử – Nam Hoa Kinh). Tương tự, Nguyễn Gia Thiều (1741–1798) cũng đã diễn tả trong “Cung Oán Ngâm Khúc”: “Đời người như bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi”. Đó là sự thật minh nhiên, không thể chối cãi. Tác giả Thánh Vịnh nhận định:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình
(Tv 103:15-16)
Nghe buồn quá. Nhưng đó là sự-thật-của-sự-thật. Không ai có thể làm gì. Không còn cách nào khác. Con người xem chừng đành thúc thủ, nhưng người ta vẫn có thể “quản lý” những “vật dụng” trong “chuyến đời” của mình. Bằng cách nào?
Chắc hẳn chẳng còn cách nào khác hơn là “sống tốt”. Có nhiều cách sống tốt, nhưng có thể tạm tóm lược qua mấy điểm chính: Đứng đắn, tử tế, nhân bản, yêu thương, và hòa nhã. Đó là cách sống tích cực trong mọi hoàn cảnh. Một danh nhân đã nói: “Chỉ có người biết yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Quả đúng là như vậy!
Thánh Faustina tâm sự về “chuyến đời” của Chị: “Tôi luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa trong linh hồn tôi, và tôi kết hiệp mật thiết với Ngài. Tôi làm việc với Ngài, tôi giải trí với Ngài, tôi chịu đau khổ với Ngài, tôi vui mừng với Ngài; tôi sống trong Ngài và Ngài sống trong tôi. Tôi không bao giờ cô đơn, vì Ngài luôn đồng hành với tôi” (Nhật Ký, số 318).
Ước gì chúng ta cũng được như vậy! Theo lời khuyên (và cũng là mệnh lệnh) của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải thực hành điều Ngài đã mặc khải qua Kinh Thánh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16), hoặc “ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3:36), và qua mặc khải với Thánh Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con TÍN THÁC vào Ngài!”.
Có một truyện ngụ ngôn “Hành Trang Cuộc Đời” như thế này…
Một người hấp hối thấy Chúa vừa ưu ái trao cho chiếc va-li vừa nói:
– Đến giờ con ra đi rồi!
Người này ngạc nhiên:
– Bây giờ sao Chúa? Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm!
– Rất tiếc vì tới giờ con phải ra đi thôi!
– Có gì trong va-li vậy, thưa Chúa?
– Hành trang của con đó.
– Sở hữu của con, y phục, tiền bạc?
– Các vật đó không phải của con, chúng thuôc về trái đất!
– Vậy có phải ký ức của con?
– Không phải của con, của thời gian!
– Phải chăng tài năng của con?
– Không phải của con, của hoàn cảnh!
– Có phải bạn bè hay gia đình con?
– Rất tiếc cũng không phải của con, chỉ là tiến trình cuộc đời.
– Phải chăng vợ và con của con?
– Không phải của con, mà là tâm tư con!
– Có phải là thân xác của con?
– Cũng không phải của con, nó là cát bụi!
– Phải chăng tâm linh con?
– Không, đó là của Ta!
Phập phồng người chết nhận chiếc va-li Chúa trao và liền mở ra xem. Bên trong không có gì cả. Trống rỗng!
Bàng hoàng, người này nói: “Không có cái gì là của con cả!”. Chúa nói: “Đúng thế, tất cả THỜI GIAN CON SỐNG là của riêng con”.
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài (Tv 130:3-4). Xin cho chuyến đời của chúng con được đến Bến An Bình. Amen.
TRẦM THIÊN THU
.
(*) Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, người gốc miền Bắc, sinh vào khoảng 1925. Ông cũng sáng tác những bài hát có nét nhạc cổ điển ảnh hưởng bởi thời cuộc, ca từ lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh. Các ca khúc nổi tiếng của NS Hoài Linh thời gian đầu là bài Nếu Đừng Dang Dở và Sầu Tím Thiệp Hồng.
Sau đó, ông có nhiều bài khác được nhiều người biết đến: Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Căn Nhà Màu Tím, Chuyến Đò Không Em, Cô Bé Ngày Xưa, Giọt Lệ Vu Quy, Hai Đứa Giận Nhau, Khách Lạ Đò Xưa, Lá Thư Trần Thế, Nhịp Cầu Tri Âm, Tám Nẻo Đường Thành, Tâm Sự Nàng xuân, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Xin Tròn Tuổi Loạn, Xuân Muộn,… Nói chung, ông có khá nhiều ca khúc quen thuộc với người thưởng thức âm nhạc.