Chuyện loài hoa

103

chuyenloaihoaVới người Công giáo, Tháng Năm được mệnh danh là Tháng Hoa. Truyền thống Công giáo dành Tháng Năm mừng kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, và chúng ta có truyền thống Dâng Hoa – cả hoa thật và hoa lòng.

Gọi là Tháng Hoa cũng hợp lý, vì tháng này hoa nở nhiều sau khi có những giọt mưa đầu mùa, dù đang là mùa Hạ oi ả, nóng bức.

Hoa còn gọi là bông, đôi khi gọi ghép là “bông hoa”. Hoa là bộ phận chứa cơ quan sinh sản đặc trưng của thực-vật-có-hoa. Về mặt cấu trúc thực vật học, hoa là một dạng đặc biệt, có thể tạo sự thụ phấn chéo (kết hợp của phấn hoa và nhụy từ các cây hoa khác) hoặc cho phép tự lai ghép (kết hợp của phấn hoa và nhụy từ cùng một hoa). Hoa tạo ra quả (trái) và hạt.

Cấu tạo đầy đủ của hoa gồm: cuống hoa, lá bắc, đài hoa (lá đài), tràng hoa (cánh hoa), bộ nhị (vòng kế tiếp) và bộ nhụy (vòng trong cùng). Ngoài chức năng chứa cơ quan sinh sản của thực-vật-có-hoa, hoa còn được trồng và khai thác nhằm mục đích trang trí, làm đẹp, thậm chí còn dùng làm nguồn cung cấp thực phẩm và dược liệu.

CÁC LOÀI HOA

Hoa có nhiều loại, đa dạng và đa sắc, có loài tỏa hương thơm, có loài không hương thơm. Muôn hoa, muôn vẻ. Có lẽ “buồn” nhất là kiếp “hoa dại”, thế nhưng hoa dại là là… hoa khôn. Một năm có bốn mùa. Bốn mùa cũng có bốn loại hoa đặc trưng: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Tuy nhiên, có lẽ Huệ là loài hoa đẹp nhất chăng? Vì chính Chúa Giêsu đã dùng loài hoa này để so sánh: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:28-29; Lc 12:27). Ngài muốn chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Ai cũng thích hoa. Người ta trưng hoa và tặng hoa cho nhau vào những dịp đặc biệt, dùng hoa để ngụ ý điều mình muốn nói. Hoa là biểu tượng của nhiều thứ, cốt yếu là niềm vui và nỗi buồn.

Trong thi phẩm “Màu Tím Hoa Sim”, đã được vài nhạc sĩ phổ nhạc, thi sĩ Hữu Loan khóc thương người vợ trẻ:

Chiều hoang tím có chiều hoang biết

Chiều hoang tím tím thêm màu da diết

Nhìn áo rách vai

Tôi hát trong màu hoa

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm

Tím tình ơi lệ ứa…

Cây sim là loại cây mọc ở nhiều khu rừng, hoa tím, lá vừa xanh vừa tím, trái nhỏ và cũng có màu tím, ăn được. Cây thấp, thân cứng nhưng nhỏ, thường chỉ cao khoảng 1m. Loại cây hoang dã nhưng có gì đó rất lạ. Màu tím tượng trưng cho nỗi buồn, mà nỗi buồn luôn thâm trầm, kỳ ảo lắm.

Trong thi phẩm “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”, cũng đã được vài nhạc sĩ phổ nhạc, thi sĩ Kiên Giang:

Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Mà cài trên nắp áo quan tài

Điểm tô công trận bằng hoa trắng

Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi

Xe tang đã khuất nẻo đời

Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu!

Hoa tím buồn đã đành, hoa đỏ cũng buồn không kém. Trong thi phẩm “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” (đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 179, 30-10-1937), cũng đã được phổ nhạc, thi sĩ T.T.KH. thổ lộ nỗi lòng:

Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ

Và đỏ như màu máu thắm pha!

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Cây Ti-gôn thân mềm, thường được trồng leo bờ rào, hoa màu hồng đỏ, có hình trái tim vỡ. Ẩn chứa điều gì?

Hoa nào cũng buồn, buồn quá! Nhưng chính nỗi buồn mới làm người ta “nhớ đời”, chứ niềm vui không được người ta nhớ lâu. Tất cả như một định mệnh rồi. Nhưng có một loài hoa còn buồn hơn, đó là “Cánh Hoa Thời Loạn”. Ns Y Vân cho biết: “Như cánh hoa trong thời loạn ly, ai đem giông tố bao trùm thế hệ? Anh, nếu thương cho một đời hoa, thì xin giữ yên quê nhà”. Trong chiến tranh, không chỉ hoa buồn, mà mọi người và mọi thứ đều buồn. Buồn vì nhiều nỗi, nhất là nỗi sợ. Sợ gì? Sợ chết! Dù lo sợ, nhưng “cánh hoa thời loạn” vẫn đầy mơ ước: “…Những cánh hoa hồng bên hàng dây kẽm hầm chông, vẫn mong bàn tay người đem tưới vui trong vườn”.

Chắc hẳn ở đây tác giả không nói về những cánh hoa bình thường, mà là những cô gái – những đóa hoa sống động giữa đời thường. Thật vậy, họ mơ ước: “Như cánh hoa trong thời biển dâu, xin anh săn sóc cho đời thắm màu. Ôi, nước non chia lìa vì đâu? Nòng súng anh xây nhịp cầu”. Hòa bình và tự do rất cần. Có hòa bình mới khả dĩ có tự do. Có hòa bình mà không có tự do thì cũng vô ích, người ta không thể vui sống mà tận hưởng hạnh phúc!

Có lẽ trong các loài hoa, Hoa Mắc Cỡ là bình dị nhất. Cây Hoa Mắc Cỡ mọc hoang khắp nơi, tại các khu đất sỏi đá ẩm ướt, đất đỏ pha cát, kể cả vùng đất cằn cỗi. Thân thảo, nhiều chùm rễ thành cành, có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều gai nhỏ vàng mỡ gà, đầy gai nhọn, đâm vào da thịt gây nhức và đôi khi lưu mũi gai dưới da. Nhưng Hoa Mắc Cỡ không “ác ý”, không “dữ tợn”, ai chạm khẽ vào là Hoa Mắc Cỡ liền e thẹn xếp lá lại tỏ vẻ mắc cỡ như một trinh nữ.

Cây hoa dại này (thân, rễ, lá) có dược tính an thần cao, dễ tạo cơn buồn ngủ. Chỉ là một loài hoa dại nhưng Hoa Mắc Cỡ được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gọi tên bằng một mỹ từ: Hoa Trinh Nữ. Ông kể chuyện bằng nhạc: “Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai, hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa Trinh Nữ… Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say, ngỡ đôi mi dày khép đêm trăng đầy cài then cung ái…”. Ông mô tả thật khéo léo. Chắc hẳn Hoa Mắc Cỡ là loài hoa rất lạ, lạ như các trinh nữ vậy! Trinh nữ có một nhân đức là một trong ba lời khấn của các tu sĩ Công giáo: Khiết tịnh.

Tháng Hoa. Chúng ta được ngắm nhìn nhiều loại hoa nở rộ. Nhưng đó là những đóa hoa vô hồn. Chúng ta còn được dịp ngắm nhìn một đóa hoa đặc biệt nhất trong các đóa hoa sống động: Hoa Thánh – Đức Trinh Nữ Maria. Một đóa Trinh Nữ bình thường mà vĩ đại.

LỊCH SỬ

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết được rằng, vào các thế kỷ đầu, mỗi dịp Tháng Năm về, người Rôma có thói quen chào mừng sự thức giấc sau mùa Đông của thiên nhiên bằng việc tổ chức các ngày lễ suy tôn Hoa, vì hoa được coi là Nữ Thần Mùa Xuân. Thấy hay, người Công giáo tại các giáo xứ đã tổ chức các cuộc rước kiệu hoa và cầu mùa. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi có hoa nở đưa về trang hoàng trong các nhà thờ, đặc biệt là bàn thờ Đức Mẹ. Người ta gọi đó là “cuộc rước xanh”.

Thế kỷ XIV, Lm Henri Suzo (dòng Đaminh) đã tổ chức các buổi đặc biệt tôn kính Đức Mẹ vào ngày đầu Tháng Năm, và trang hoàng hoa quanh tượng Đức Mẹ. Thánh Philipe Nêri thích tập họp trẻ em xung quanh bàn thờ Đức Mẹ vào ngày 1 tháng 5 để dâng các bông hoa mùa Xuân cho Đức Mẹ. Thói quen tốt lành này đã ăn sâu vào tâm hồn đơn sơ của các em, và vẫn được duy trì khi chúng lớn khôn.

Đầu thế kỷ XVII, tại Napoli (Ý), trong thánh đường Thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, Tháng Đức Mẹ được cử hành chung: Mỗi chiều đều có buổi hát kính Đức Mẹ và chầu Thánh Thể. Từ đó, Tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các giáo xứ. Năm 1654, Lm Nadasi (dòng Tên) cho xuất bản một tập sách nhỏ với đề nghị nên dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Mẹ Thiên Chúa.

Đầu thế kỷ XIX, các giáo xứ trong Giáo Hội đều long trọng tổ chức tháng kính Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và hầu như người ta dùng thời gian tôn kính Đức Mẹ vào ngay sau Mùa Chay. Trong Thông điệp “Đấng Trung Gian Thiên Chúa” (Mediator Dei, 20-11-1947), Thánh GH Piô XII nói: “Việc tôn kính Đức Mẹ trong Tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng Vụ, được Giáo Hội công nhận và cổ võ”.

Trong Thông điệp “Tháng Năm” (Mense Maio, 29-4-1965), số 1, Chân Phước GH Phaolô VI viết: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân kính dâng Đức Mẹ cách riêng. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng mến mà người Công giáo khắp thế giới dành cho Đức Mẹ, Nữ Vương Thiên Đàng”. Thật vậy, vì Đức Mẹ là Đấng trung chuyển các ân sủng của Thiên Chúa.

Trong sách Tháng Đức Bà (NXB Hiện Tại, 1969, trang 10), có ghi lại câu chuyện này:

Ở thành phố Nanxêniô (Pháp), có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng vẫn cứng lòng.

Năm ấy, đầu Tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con bà làm việc kính Đức Mẹ. Người chồng bận việc làm ăn xa, ít khi ở nhà, mà dù ông ở nhà thì ông cũng không bao giờ cầu nguyện chung với vợ con. Ngày lễ nghỉ, không bận việc làm thì ông cũng đi chơi cả ngày, nhưng có điều là khi về nhà, bao giờ ông cũng kiếm mấy bông hoa để dâng Đức Mẹ.

Ngày 15-6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp lãnh nhận các phép. Bà vợ thấy chồng chết như vậy thì buồn lắm, rồi sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở xa. Khi đi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ – tức là Thánh LM Gioan Vianney ngày nay. Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi, chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong Tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói vậy, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy. Nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được? Rồi cha sở nói thêm:

– Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục. Xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm để cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên Đàng.

Nghe xong, bà hết sức vui mừng và hết lòng tạ ơn Đức Mẹ.

Quả thật, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và luôn nhân từ. Mẹ Thiên Chúa cũng rất nhân hậu. Thánh GM Anphong Ligôri xác quyết: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, chắc chắn tôi được lên Thiên Đàng”. Còn Thánh Bênađô nói: “Được Đức Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không bị ngã. Được Đức Mẹ che chở, bạn sẽ không lo sợ. Được Đức Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ được an lòng. Được Đức Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt tới đích mà bạn mong chờ”. Thật là hạnh phúc nếu chúng ta luôn biết bám vào Đức Mẹ. Có Mẹ là có tất cả!

Như bạn đã biết, Đức Mẹ là thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Vì thế, các tôn giáo khác cũng luôn đề cao Đức Mẹ.

Tháng 12-2003, Đức Mẹ xuất hiện trên bìa 3 tạp chí lớn của Tin lành với hơn 500.000 bản. Các bài viết ở cả 3 tạp chí kia đều đồng ý rằng các tín đồ Tin lành đã không chú ý Đức Mẹ quá lâu, và đó là đỉnh điểm để các tín đồ Tin lành tái nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong đạo Tin lành. Thật vậy, càng ngày càng có nhiều người ngoài Công giáo bắt đầu phát hiện vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của mình.

Nhiều sách về Đức Mẹ đã được các học giả Tin lành viết, nhiều cuốn cổ vũ người Tin lành nhìn sát hơn vào Đức Mẹ. Nhiều câu chuyện về các Phật tử và những người ngoài Công giáo đã đến viếng Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Mặt khác, các tín đồ Hồi giáo cũng rất tôn trọng Đức Mẹ. Thật vậy, Đức Mẹ được nói đến nhiều lần trong kinh Koran, sách thánh của Hồi giáo, nhiều hơn cả trong Kinh thánh!

Đức Mẹ là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận đại kết – những cuộc thảo luận giữa các thần học gia Công giáo, các học giả Tin lành, Hồi giáo, và các tôn giáo khác với mục đích tìm ra những “điểm chung” giữa các tôn giáo. Tháng 6-2001, sau khi trở về từ hội nghị liên tôn được tổ chức tại Lộ Đức, ĐHY Francis Arinze, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Đối thoại Liên tôn, nói rằng Đức Mẹ là khởi điểm để giới thiệu sứ điệp Kitô giáo cho các tín đồ của các tôn giáo khác. Các tham dự viên hội nghị này là các đại biểu Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành Lutheran và các thần học gia. ĐHY Arinze giải thích: “Chúng ta phải tạ ơn Chúa về ý nghĩa tích cực về Mẹ Maria đối với các tôn giáo khác”.

ĐỨC MẸ VÀ HỒI GIÁO

Nhiều người Công giáo không biết rằng Đức Mẹ rất được các tín đồ Hồi giáo yêu mến và tôn kính. Đức Mẹ là phụ nữ duy nhất được nhắc tên 34 lần trong kinh Koran – hơn cả số lần trong Kinh Thánh. Có cả một chương “Mẹ Maria”, và được các tín đồ Hồi giáo diễn tả là chương hay nhất trong toàn bộ kinh Koran. Chương III trong kinh Koran là chương Imran, theo tên của Thân phụ Đức Mẹ.

Kinh Koran nói về việc Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ Giêrusalem, lễ tẩy trần, cuộc truyền tin, sự trinh thai và việc sinh Chúa Giêsu. Đức Mẹ được Hồi giáo nhận biết và tôn kính là người được thánh hóa và cao trọng nhất trong các phụ nữ, và là sự hoàn hảo tâm linh: “Các thiên thần nói: Lạy Mẹ Maria! Thiên Chúa đã chọn Mẹ và thanh tẩy Mẹ – chọn Mẹ hơn hẳn các phụ nữ ở mọi quốc gia. Lạy mẹ Maria! Xin thờ lạy Thiên Chúa: Xin phủ phục, và quỳ gối (khi cầu nguyện) với những người cùng quỳ gối” (Koran 3:42-43).

Thật vậy, điều ngạc nhiên đối với nhiều người Công giáo là Hồi giáo chấp nhận “sự đồng trinh trọn đời” của Đức Mẹ, gián tiếp có nghĩa là Vô nhiễm Nguyên tội – hai tín điều chính về Đức Mẹ. Trong kinh Koran, Đức Mẹ được nhận biết là thụ tạo duy nhất không mắc Tội Tổ Tông từ trước khi làm người, được giữ khỏi mọi tội suốt cả đời. Chúng ta đọc lời cầu nguyện của Đức Mẹ trong kinh Koran: “Lạy Chúa, con dấn thân phục vụ Ngài từ trong lòng con. Xin Ngài thương nhận. Chỉ mình Ngài lắng nghe và thấu suốt mọi sự”. Và khi Đức Mẹ sinh Chúa Con, Đức Mẹ nói: “Lạy Chúa, con được gọi là mẹ của Người. Xin bảo vệ con và con cháu khỏi Satan… và xin Con Chúa chấp nhận con” (Koran 3:35-37).

Ở phần khác, kinh Koran nói: “Thiên thần nói: Hỡi Cô Maria, Allah đã chọn Cô và thanh tẩy Cô. Ngài đã chọn Cô hơn hẳn các phụ nữ khác. Hỡi Cô Maria, hãy tận hiến cho Thiên Chúa” (Koran 3: 42-43). Kinh Koran nói về sự đồng trinh của Đức Mẹ: “Đối với các tín hữu, Thiên Chúa thiết lập một tấm gương… Maria… người đã giữ mình đồng trinh và nơi cung lòng ấy, chúng ta hít thở Chúa Thánh Thần; Đấng đã làm Mẹ tin Lời Chúa và Kinh Thánh, đồng thời rất đạo hạnh” (Koran 66:11-12).

ĐỨC MẸ VÀ TIN LÀNH

“Đức Kitô có là người duy nhất được tôn thờ? Hoặc Mẹ Thiên Chúa không được tôn kính? Đây là phụ nữ đã đạp đầu con rắn. Hãy nghe chúng tôi. Vì Chúa Con không từ chối điều gì”. Đó là câu nói của ông Martin Luther, nhà cải cách Tin Lành hồi thế kỷ XVI, thành lập phong trào Tin Lành và ly khai với Công giáo. Đó là câu nói trong bài giảng cuối cùng của Luther tại Wittenberg hồi tháng 1-1546, vài tháng trước khi ông qua đời. Điều đó cho thấy rằng ông Luther tôn sùng Đức Mẹ cả đời.

Càng ngày càng có nhiều học giả Tin Lành xuất bản các phát hiện của họ về lòng sùng kính Đức Mẹ của những người thành lập đạo Tin Lành – Martin Luther, John Calvin, và Ulrich Zwingli. Trong ba người này, Martin Luther là người sùng kính Đức Mẹ nhất và đức tin của họ vẫn phù hợp với giáo lý Công giáo – một tiếng kêu từ việc kết án gay gắt về những gì liên quan Đức Mẹ nơi nhiều người Tin Lành chính thống và các Kitô hữu Tái sinh ngày nay. Các tín đồ Tin Lành đã bị bỏ lại phía sau về việc dạy rằng bất kỳ điều gì liên quan Đức Mẹ đều ngược với Tin Lành, và bất cứ điều gì liên quan Đức Mẹ đều làm giảm việc tôn thờ Đức Kitô. Nhưng có bằng chứng đủ để nói rằng các nhà cải cách Tin Lành không bao giờ có ý “chống Đức Mẹ”.

Nhiều học giả Tin Lành đồng ý rằng Martin Luther sùng kính Đức Mẹ cả đời, cũng như niềm tin của ông trong các giáo huấn chính yếu về Đức Mẹ. Thật vậy, Martin Luther tin mọi giáo lý về Đức Mẹ – Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, lên trời, và ngay cả việc Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chính Luther đã viết và tin Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội – 300 năm trước khi Giáo hội Công giáo chính thức tuyên bố tín điều này vào năm 1854. Đây là cách hiểu của Luther về Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Nhưng quan niệm khác, nghĩa là sự truyền thụ của linh hồn, đó là điều được tin thích hợp và đạo đức, là không có tội, để khi linh hồn được truyền thụ, Đức Mẹ cũng được tẩy sạch khỏi tội nguyên tổ và được trang điểm bằng những Ơn Chúa để nhận linh hồn thánh thiện đã được truyền thụ. Như vậy, trong chính lúc bắt đầu sống thì Đức Mẹ đã không nhiễm tội…”.

Trong cuốn “Against the Roman Papacy: An Institution of the Devil” (Chống Lại Giáo Hoàng Rôma: Tổ Chức của Ma Quỷ), xuất bản năm 1545 (một năm trước khi qua đời), Luther đã nói: “… Đức Maria đồng trinh, không nhiễm tội và không thể phạm tội mãi mãi”. Như vậy, ngay lúc bị coi là chống lại giáo hoàng, Luther vẫn không bào giờ lung lay niềm tin về vấn đề Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.

Một số học giả nổi bật của Tin Lành cũng đồng ý rằng cả đời ông Luther vẫn tin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong số các học giả đó là Arthur Carl Piepkorn, Eric Gritsch, Jaroslav Pelikan, kể cả 11 học giả theo Tin Lành Lutheran thuộc Ủy ban Đối thoại Tin Lành Lutheran và Công giáo (Lutheran-Catholic Dialogue Committee).

Về vấn đề Đức Mẹ lên trời cũng tương tự, tín điều được công bố trong thế kỷ XX, nhưng từ thế kỷ XVI, Luther đã tin là “tư tưởng đạo hạnh và vui lòng”. Về thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Luther viết: “Đức Mẹ được mời gọi không chỉ là Mẹ của nhân loại, mà còn là Mẹ của Thiên Chúa… Chắc chắn Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa thật”.

Về niềm tin cả đời ông Luther đối với sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, ông viết: “Vấn đề đức tin là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và vẫn đồng trinh”. Khác với Martin Luther, John Calvin không khen Đức Mẹ như Martin Luther, dù ông không phủ nhận tầm quan trọng và sự nổi trội của Đức Mẹ trong lĩnh vực đức tin. Cũng như Martin Luther, John Calvin tin Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh: “Bà Êlidabét gọi Maria là mẹ Thiên Chúa, vì sự duy nhất của con người có hai bản tính của Đức Kitô, Đức Mẹ có thể nói rằng con người hay chết được tạo nên trong cung lòng Đức Mẹ cũng là Thiên Chúa vĩnh hằng”.

Ông Calvin nói về Đức Mẹ: “Không thể phủ nhận việc Thiên Chúa đã chọn và tiền định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa Ngôi Con, và được ban cho sự kính trọng cao nhất. Tới ngày nay, chúng ta không thể hưởng phúc lành nơi Đức Kitô nếu không nghĩ đồng thời Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ sự cao trọng, theo ý của Đức Mẹ chấp nhận là Mẹ của Con Một Thiên Chúa”.

Tài liệu của Ulrich Zwingli ghi lại lời của ông Calvin: “Tôi đánh giá cao Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và vô nhiễm nguyên tội. Thật thích hợp khi Chúa Con nên có một Người Mẹ Thánh. Loài người càng tôn thờ và yêu mến Chúa Kitô thì càng nên tôn kính và yêu mến Đức Mẹ”.

Như vậy, sùng kính Đức Mẹ là phần cơ bản của Tin Lành. Các Giáo hội Tin Lành Lutheran vẫn giữ ảnh tượng Đức Mẹ, nhưng hạn chế sùng kính Đức Mẹ (như kinh Ave Maria và Magnificat), dù ông Luther qua đời cả 100 năm sau. Giáo hội Lutheran dạy đề cao Đức Mẹ đồng trinh là mẫu gương nhân đức của các Kitô hữu.

Việc sắp xếp các “yếu tố ẩn giấu” này về lòng sùng kính Đức Mẹ và tinh thần của những người sáng lập Tin Lành có thể là lý do để mới đây có nhiều sách của Tin Lành kêu gọi tái khám phá Đức Mẹ. Một học giả Tin Lành còn “đi xa” hơn và nói rằng: “Đã đến lúc người Tin Lành trở về nhà”.

ĐỨC MẸ VÀ CÁC QUỐC GIA

Có thể ngày đó không bao giờ đến khi nhiều tôn giáo sẽ phá bỏ các rào chắn giáo lý kết hợp. Các bất đồng cơ bản về các giáo huấn chủ yếu sẽ có thể không bao giờ được vượt qua. Chẳng hạn, người Công giáo sẽ không bao giờ thỏa hiệp việc tin có Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, còn Hồi giáo sẽ không bao giờ nâng cao thân phận của Chúa Giêsu khỏi vị trí chỉ là một “tiên tri vĩ đại” của Thiên Chúa.

Nhưng có thể có một mẫu số chung giữa các tôn giáo để có thể là nền tảng của cuộc đối thoại lâu dài vào một ngày nào đó, để tạo sự kết hợp giữa các tôn giáo mà chúng ta thấy ngày nay. Đức Mẹ là “Đức Mẹ của mọi quốc gia” (Lady of All Nations).

Hồi giáo duy trì việc đánh giá cao và tuyên bố Đức Mẹ là người cao trọng nhất. Tin Lành bắt đầu nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của họ. Thậm chí có người của các tôn giáo không độc thần như Phật giáo cũng đang coi Đức Mẹ là chứng cớ đã được các Phật tử tường trình tại Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Tại các hội nghị đại kết liên tôn, Đức Mẹ càng ngày càng là khởi điểm của việc đối thoại. Đức Mẹ đã vượt qua mọi rào cản giáo lý, là ánh sáng soi vào nơi thâm sâu nhất và tối tăm nhất của bóng tối. Đức Mẹ là dấu hiệu của sự kết hợp, không bao giờ chia rẽ chúng ta.

Thật vậy, dù tôn giáo nào hoặc giáo phái nào, mọi người đều thấy dễ chấp nhận là Người Mẹ tốt nhất trong lịch sử (Best Mother in all history) – đạo hạnh nhất, kính sợ Chúa nhất, mạnh mẽ nhất, và sùng kính nhất. Điều này chính xác vì “cương vị làm mẹ” của Đức Maria mà Mẹ có thể được gọi là “Mẹ của các dân tộc”, Người Mẹ đã được Đức Kitô trao ban cho nhân loại, khi Ngài bị treo trên Thập giá: “Đây là mẹ của con” (Ga 19:27).

Có lần ông Luther nói: “Việc tôn kính Đức Maria được khắc ghi sâu đậm trong trái tim con người”. Ý nghĩa của các từ ngữ mà ông Luther đã dùng rõ ràng: Trong sâu thẳm của mọi tâm hồn, dù tôn giáo nào hoặc dù dân tộc nào, đều được ghi khắc sự khao khát tự nhiên và tình yêu tự nhiên đối với Người Mẹ của các quốc gia, một ngày nào đó, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ quy tụ mọi con cái dưới bóng Mẹ.

Ngày xưa, Vãn Hoa mang tâm tình con thảo và khiêm nhường:

Chúng con mọn mạy phàm hèn

Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ

Ngửa xin tràn xuống ơn thừa

Rộng ban giãi tấm lòng thơ trước toà

Ước gì trong Tháng Hoa này, mỗi chúng ta cũng biết “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Giêsu – Ad Jesum Per Mariam”, biết dâng những đóa hoa lòng để tôn kính Đức Mẹ. Chắc chắn Đức Mẹ không bao giờ quên chúng ta đâu!

Tháng Năm lại về, với tâm tình con thảo, chúng ta cùng tận hiến cuộc đời mình cho Đức Mẹ: “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, mọi sự của con đều là của Mẹ. Con xin dâng Mẹ tất cả mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim của Mẹ – Totus tuus ego sum, et omnia mea tua sunt. Accipio te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum, Maria”.

KHA ĐÔNG ANH