Chuyện lì xì

Chuyện lì xì

Từ tuổi trung niên trở lên, không ai lại không biết câu đối rất phổ biến:

Đêm Ba mươi, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa

Sáng mồng Một, giơ tay bồng ông Phú vào nhà

Vì “bần hàn” mà bị gọi là “thằng”, và bởi “phú quý” nên được gọi là “ông”. Cũng vậy, vì nghèo mà bị gọi là “kẻ nghèo”, mà “nghèo” thì đi với “hèn”; còn nhờ giàu mà được gọi là “người giàu”, mà “giàu” thì đi với “sang”.

Cũng là con người – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩmnhân quyền, thế mà nghèo bị dùng chữ KẺ, còn giàu được dùng chữ NGƯỜI. Về “thể” trong khi dùng động từ thể thụ động cũng vậy, chữ “bị” dùng cho kẻ nghèo, còn chữ “được” dùng cho người giàu. Ngoại ngữ không diễn tả được như Việt ngữ. Như vậy, Việt ngữ thâm thúy nhưng cũng thật “đau khổ” cho kẻ nghèo hèn.

Cũng là đại từ chỉ ngôi thứ hai số ít, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Cái “phú quý” thường được hiểu theo nghĩa “vật chất” và “tiền bạc”, hiếm có người nghĩ tới cái “phú quý” theo nghĩa tinh thần!

Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng “lì xì” rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta “kiểu cách” hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho “ra vẻ”. Đúng là chỉ trọng “bề ngoài”, mà trọng bề ngoài thì chứng tỏ “yếu kém” nội tâm. Sao không lì xì hai ba chục ngàn đồng tiền Việt cho tiện, lì xì 2 USD chỉ thêm khó khăn cho người được lì xì, vì họ lại phải đi đổi ra tiền Việt. Thật là “rách việc” và phiền toái quá!

Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, “lì xì” có tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành “lê-i-xị”, ám chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, “lì xì” được hiểu một cách đơn giản là “tiền mừng tuổi”. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc người nhận quanh năm sung mãn, may mắn, phát đạt. Như vậy, ý nghĩa chính của “tiền lì xì” không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức là ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì “nặng” hay “nhẹ” (nhiều hay ít tiền) không phải là điều đáng lưu tâm. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay, văn hóa lì xì đang bị lạm dụng thái quá, bị “biến tướng” thiên hình vạn trạng và rất tinh vi. Do đó, người lì xì cảm thấy phải… “nghĩ ngợi” và “đau cái điền”! (*)

Nếu định nghĩa cho vui, theo kiểu “trào phúng thực tế” hoặc “tự điển tra ngược”, thì lì xì là vì người kia “lì” quá nên đành phải “xì” tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là “lì xì ngược” và “lì xì xuôi”.

Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì “thái quá” thì cũng hóa “bất cập”, gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì cũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể “trình độ” người nghèo hơn hẳn người giàu, nhưng nói gì cũng không ai tin, nói đúng cũng bị cho là sai. Quả thật, “miệng nhà quan có gang, có thép”. Còn miệng nhà nghèo? Chắc là “miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi”!

Chuyện đời là thế đã đành. Chuyện “nhà đạo” cũng không khá hơn. Nói là một chuyện, làm là chuyện khác!

Ở Giáo hạt P. thuộc GP X. có linh mục nọ “chịu khó” đi chúc tuổi mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhưng đi là cốt để nhận những phong bì – tất nhiên càng “nặng” càng… tốt! Suốt khoảng 10 năm, linh mục này đều đi “chúc tết” như vậy. Linh mục là chủ chăn, bổn phận là quan tâm chăm sóc đoàn chiên, đi chúc tết các gia đình là nhiệm vụ, tạo sự gần gũi và hiểu nhau hơn, vậy mà sao lại “đòi” phải có phong bì? Có những người đã từng phải đóng cửa, tránh né để không phải tiếp người đến chúc tết nhà mình. Chuyện “lạ” thật, và cũng… buồn thật!

Cũng tại Giáo hạt P. thuộc GP X., một linh mục khác nói rằng mọi năm đi chúc tết các gia đình thì không nhận lì xì, nhưng năm Nhâm Thìn (2012) thì linh mục này “xin được nhận”. Nghe chừng rất “tế nhị” và “lịch sự”. Linh mục này nói thêm: “Chúng tôi không nhận cho bản thân, chỉ nhận cho giáo xứ, lý do là giáo xứ còn thiếu tài chính khi phải tổ chức thứ này hoặc thứ nọ”. Nói như vậy có điều gì đó vẫn “tiêu cực”. Giáo xứ này thuộc vùng quê, còn nhiều người nghèo, chắc chắn những người nghèo phải “nghĩ ngợi” lắm lắm. Phải chi linh mục này nói thêm rằng “quý vị đừng ngại, ít nhiều gì cũng được, không có cũng không sao, cái chính là chúng ta chúc tết nhau”, như vậy thì những người “thiếu điều kiện” sẽ đỡ tủi thân hơn. Và chắc rằng như vậy sẽ đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn, vì “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14), và lần khác, Ngài đã gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15:32). Rõ ràng là Chúa luôn cảm thấy chạnh lòng thương những người nghèo. Thiết tưởng Phúc âm tường trình quá rõ ràng, không cần nói gì thêm!

Đi chúc tết trong 2 ngày (mùng 2 và 3, hoặc mùng 3 và 4), mà số gia đình khoảng gần 2.000 hộ thì thời gian “ngồi đối thoại với nhau” quá ít, thể hiện “nghi thức” cũng hết thời gian rồi, tình cảm chỉ chiếu lệ mà quan trọng không gì hơn là “phong bì”!

Tại TGP Saigon, một linh mục mới về nhận xứ gần năm nay, linh mục này không đi chúc tết đúng ngày Xuân mà đi trước Tết cả tháng trời, linh mục này đến thăm hỏi và tạo sự thân thiện giữa chủ chăn và đoàn chiên, mỗi tuần đi một khu, nhờ vậy mà thời gian “ngồi đối thoại với nhau” nhiều hơn.

Cũng tại TGP Saigon, một linh mục chưa qua ngũ tuần xây dựng một nhà thờ thuộc loại “nổi bật” với một ý xanh rờn: “Chưa thấy Rôma thì cứ tới đây”. Xây nhà thờ xong thì nợ vài tỷ đồng. Rồi thuê “ca sĩ” về làm show với giá vé 200.000 đồng để “cứu vãn”. Hàng tuần, có những ngày giáo dân phải “nghĩ ngợi” nhiều vì bị “xin tiền” tới 3 lần: Mỗi giáo dân tới dự lễ đều nhận 1 thư ngỏ, giữa lễ thì có xóc giỏ, sau lễ lại có những người cầm giỏ đứng ở các cửa và cổng để chờ “lòng hảo tâm”. Hết ý! Giáo dân “than phiền” nhiều nhưng… vô ích. Được biết, Tết Nhâm Thìn 2012, các gia đình cũng “bị” linh mục chính xứ đi chúc tết, và vấn đề chính vẫn là “chuyện lì xì”. Tội nghiệp giáo dân vì họ bị “nhức đầu” kinh niên!

Ngày xưa người ta nói: “Đi chùa tốn gạo, đi đạo tốn công”. Điều đó cho thấy một “thực tế”, vì các thiện nam và tín nữ đi chùa thường có những “thói quen” như làm công quả, bố thí, phát tâm cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng,… Nghĩa là “tốn công và tốn của”. Nhưng “đi đạo”, ý nói theo đạo Công giáo, chỉ tốn công sức (dự lễ, xưng tội, đọc kinh, cầu nguyện, làm việc tông đồ,…). Tuy nhiên, ngày nay không còn “thuần túy” như vậy vì nhiều lý do quá ư là “thực tế”! Ngày xưa, khi Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP Saigon) còn sống, ngài đã có Thư Chung nói về việc “không ủng hộ xây dựng nhà thờ” (có đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc).

Người viết không có ý “bới bèo ra bọ” hoặc “vạch lá tìm sâu”, cũng không có ý tiêu cực mà có ý tích cực xây dựng – con người, xã hội, giáo hội, và đất nước. Theo lẽ thường thì niềm vui người ta không nhớ lâu, thậm chí là dễ quên, nhưng nỗi buồn thì luôn làm người ta nhớ rất lâu. Thật vậy, khi cơ thể bạn bình thường, không hề thấy có gì “khó chịu”, nhưng khi bạn bị một vết thương, dù nhỏ như đạp gai, thậm chí chỉ nhỏ như cái dằm, vậy mà bạn rất dễ nhận thấy “cái đau”, đôi khi “đau nhói”.

Để tạm kết, xin mượn lời của Thánh Phaolô: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6:13). Quả thật, chúng ta đều là những người “từ cõi chết trở về”, chẳng ai hơn ai, thế nên đừng “làm khổ” nhau nữa!

Lạy Thiên Chúa, năm cũ đang kết thúc, năm mới đang khởi đầu. Nguyện xin Chúa kết thúc những điều xấu nơi chúng con, và xin khởi đầu những điều tốt nơi chúng con, đồng thời hiệp nhất chúng con nên một (x. Ga 17:21-23; Rm 6:5; 1 Cr 6:7; 1 Cr 12:13). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Điên cái đầu.

Exit mobile version