Chuyện Lãng Phí

73

Chuyen Lang-PhiCuộc sống có nhiều thứ người ta có mà lại lãng phí: Tiền bạc, sức lực, tài năng, tình cảm,…

Lãng phí là gì? Nói ngắn gọn: Lãng phí là dùng cái gì đó vào các hoạt động vô ích, gây thất thoát, gây hư hại. Có nhiều dạng lãng phí. Chẳng hạn:

– Lãng phí thời gian: Đó là khi người ta phải chờ đợi hay trì hoãn một cách vô ích, chẳng hạn các dự án “treo”, ăn không ngồi rồi, không biết làm gì hoặc lười biếng lao động.

– Lãng phí di động: Đó là sắp xếp không hợp lý dẫn đến việc vận chuyển hoặc di chuyển không cần thiết.

– Lãng phí hoạt động: Đó là lãng phí “vô hình”, ẩn náu trong các hoạt động thường nhật của mỗi cá nhân do xử lý công việc không hợp lý, làm việc gì đó mà có những động tác thừa hoặc những động tác thiếu.

– Lãng phí sản xuất: Đó là làm ra vật gì mà không tính toán có tiêu thụ được hay không.

– Lãng phí sản phẩm: Đó là khi mua các vật dụng mà không xài, sử dụng đồ đạc bừa bãi mà không bảo quản,…

– Lãng phí lãnh đạo: Đó là dùng người không đúng chức năng, không đúng trình độ, không chiêu hiền đãi sĩ, chỉ vì “thân quen” mà đề cử. Do đó dẫn đến lãng phí nhân tài, lãng phí chất xám.

Lãng phí nào cũng là lãng phí công sức và lãng phí tiền bạc. Lãng phí là động thái không biết “liệu cơm” mà “gắp mắm”!

Cuộc sống đầy những ví dụ. Chẳng hạn: Chiều 29-2-2012, tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, người ta được dịp xôn xao về một “siêu đám cưới” với tổng chi phí là 50 tỷ đồng. Đám cưới này có nhiều “siêu xe” tham gia rước dâu nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, có số khách lên tới 10.000 người, và mỗi bàn tiệc giá 6 triệu đồng.

Chú rể là “thiếu gia” Nguyễn Huy Hoàng (sn 1987), con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu. Chú rể rước dâu bằng chiếc Ferrari California màu đỏ trị giá khoảng 210.000 USD (gần 12 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 97 chiếc “siêu xe” khác như Mercedes S500, Mercedes GLK, Mercedes C250 CGI, Porsche Cayenne, Ferrari, Rolls Royce Phantom, Benley, Audi A5 Sportback, Lexus, BMW,… Hành trình rước dâu từ Hà Nội về thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) thu hút sự chú ý của nhiều người khiến quốc lộ 8A bị ách tắc nhiều đoạn.

Họ còn “mời” các ca sĩ Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê, và Đàm Vĩnh Hưng, thậm chí có cả MC Lê Anh. Chi phí cho “món” văn nghệ lên tới trên 200.000 USD (khoảng 4,2 tỷ đồng). Chi phí cho khoản rượu bia là hơn 3 tỷ. “Đặc biệt” nhất là đôi uyên ương đeo đồ trang sức tổng cộng tới 60 lượng vàng. Mẹ chú rể “hãnh diện” nói rằng toàn bộ tiền mừng dành làm từ thiện (?!).

Cô dâu là Lê Thu Loan (sn 1992), con thứ hai trong gia đình đại gia ở phố Phó Đức Chính, Ba Đình, Hà Nội. Gia đình cô dâu là đối tác làm ăn của mẹ chú rể. Cả cô dâu và chú rể hiện đang du học tại Singapore. Gia đình đã tậu một căn nhà trên phố Nguyễn Du (Hà Nội) trị giá vài chục tỷ đồng “tặng” cho đôi tân hôn.

Cách lãng phí này liên quan nhiều loại lãng phí khác. Cách lãng phí nào cũng là do ích kỷ và kiêu kỳ! Việt ngữ có từ trọc phú, Anh ngữ gọi là money-bags, nghĩa là “người giàu ngông”, kiểu hoang phí và xa xỉ. Xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ, rất cần những người hảo tâm thế mà vẫn có những người lãng phí thì thật… “lạ”! Không cho người nghèo những gì họ cần thì cũng là một dạng ăn cắp, bóc lột!

Những người làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, họ vẫn tiết kiệm và chi tiêu rất hợp lý, không thích “chơi nổi”, ngại xuất hiện, không muốn bị chú ý. Xã hội luôn có hai thái cực, nhưng thường thì không quá cách xa nhau, không đến nỗi “người trên trời” và “kẻ dưới đất”.

Một vùng quê mà lại có đại gia “vung tiền” hơn cả Công tử Bạc Liêu, lãng phí quá mức, trong khi còn biết bao người “lần không ra” vài chục ngàn đồng để sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Sự phân cách đó quá lớn! Lãng phí cũng là thiếu công bằng xã hội. Thiếu công bằng xã hội thì không thể có tự do, không có tự do thì làm sao có hòa bình đích thực? Công lý và hòa bình luôn có mối quan hệ mật thiết!

Phải chăng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” nhưng chỉ “để gió cuốn đi”?

Lãng phí cũng là phung phí, là phá hoại. Đã đành rằng có nhiều thứ lãng phí trong đời thường, nhưng trong tôn giáo cũng có lãng phí. Thánh Giacôbê cho biết: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4:1-3).

Trình thuật Lc 15:11-31 cho biết dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, trong đó có người con thứ là kẻ phung phí. Còn trình thuật Lc 16:1-8 cho biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người quản lý gian tham và ma mãnh:

Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”. Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Lãng phí vật chất hoặc tinh thần đều bất lợi cho chính mình – và có thể tổn hại cho cả người khác. Nguy hiểm nhất là lãng phí Hồng Ân. Chúa Giêsu bảo: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Không nên thánh là phụ Tình Chúa, là lãng phí Ơn Chúa. Tại sao? Khi “cái tôi” của Thánh Phaolô muốn nổi dậy và cảm thấy sợ đau khổ, Thiên Chúa đã xác định với ông: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9).

TRẦM THIÊN THU