Đối với các gia đình nhỏ ngày nay, nhiều cha mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm về giáo dục con cái nên cần được ông bà và cha mẹ trợ giúp trong việc “ấn định” quy luật để giúp con trẻ phát triển toàn diện đúng hướng.
Hiển nhiên là cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt cho con cái. Điều khó khăn đối với một số người là họ không chắc về kỹ năng làm cha mẹ nên họ phải nhờ các chuyên gia, mặc dù một số chuyên gia không có con cái.
Có câu chuyện “cười ra nước mắt” về một tâm lý gia thế này: Chuyên gia là người đã từng giảng thuyết và tư vấn cho người khác về “Cách Nuôi Dạy Con”. Vài năm sau, chuyên gia này lập gia đình và có con, rồi thay đổi tựa đề là “Các Kiến Nghị Về Cách Nuôi Dạy Con”. Khi có đứa con thứ hai, tâm lý gia này đối diện với thực tế khó khăn trong việc xử lý hai đứa con nhỏ, thế là chuyên gia này bỏ nghề giảng thuyết và tư vấn. Điều này cho thấy rằng lý thuyết và thực tế khác nhau lắm!
Nhiều cha mẹ thiếu tự tin trong việc nuôi dạy con cái. Ngày xưa, khi có những gia đình lớn (tam, tứ đại đồng đường), các cha mẹ trẻ mong muốn và được ông bà giúp đỡ. Những đứa con lớn thường chăm sóc các em. Kết quả là họ đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em trước khi lập gia đình và có con.
Ngày nay ít thấy gia đình lớn, chỉ thấy gia đình nhỏ. Nhiều cha mẹ không có kinh nghiệm về con cái, đến khi có con rồi cảm thấy lúng túng. Có những người mẹ đã phải khóc khi đứa con ngỗ nghịch, không chịu nghe lời mẹ. Một số người muốn nuôi dạy con theo đúng cách mà họ đã được giáo dục. Nhưng đa số lại muốn giáo dục cách khác xưa, và điều này tạo ra vấn nạn, thậm chí còn xung khắc hoặc đối lập giữa vợ và chồng.
Một số ông bà tôn trọng quyền cha mẹ của các vợ chồng trẻ trong việc nuôi dạy con cái. Ông bà quyết định không xen vào. Một số vợ chồng trẻ không thích cách giáo dục của ông bà hoặc cha mẹ, cho đó là cổ hủ, và tự cho mình tân thời. Những lời nhận xét hoặc đề nghị của ông bà hoặc cha mẹ lại khiến họ căng thẳng, đôi khi tới mức khó hòa giải.
Các ông bà quan tâm thì thường mong sao các con giáo dục các cháu biết cách cư xử đúng đắn. Họ cảm thấy buồn khi vợ chồng trẻ không sửa dạy hoặc làm ngơ trước cách cư xử thô lỗ của con cái. Người lớn thấy như vậy là không thể chấp nhận, không thể nhìn lũ trẻ ngỗ nghịch mà cha mẹ chúng không chấn chỉnh. Vợ chồng thiếu kinh nghiệm nhưng lại tưởng mình học cao hiểu rộng hơn cha mẹ mình, hơn ông bà mình.
Ngày nay, nhiều ông bà quan ngại về những đứa cháu sống buông thả, không có quy luật. Họ không muốn nói ra vì ngại con cháu khó chịu, rồi phê phán và chỉ trích. Ước muốn con cháu biết cách cư xử đã khác xưa, họ phải lưỡng lự. Điều mà trước đây được coi là quy luật thì nay bị coi là lỗi thời, thậm chí là tồi tệ hoặc độc đoán.
Ngày nay, nhiều cha mẹ xen vào mọi quyết định của con cái. Họ bắt con cái phải ăn cái này, không được ăn cái kia; phải mặc đồ này, không được mặc đồ kia; phải học môn này, không được học môn kia,… Con cái lớn rồi cũng không “thoát” khỏi sự “theo dõi” của cha mẹ. Không khác gì họ muốn “đúc khuôn” con cái theo ý mình, muốn biến chúng thành những “con gà công nghiệp”.
Một số người coi đó là tích cực. Họ tin rằng cho con cái chọn lựa là để chúng cảm thấy có kỷ luật kiểm soát. Chẳng gì khó đối với cha mẹ nếu cứ để con cái ăn món chúng thích, mặc đồ chúng thích, học môn chúng có khả năng,… Dĩ nhiên cha mẹ có thể chỉ góp ý kiến giúp chúng nhận định. Như vậy sẽ tránh được những xung đột trong gia đình. Đa số các cha mẹ đồng ý để con cái tự quyết định, điều đó giúp chúng sống có trách nhiệm.
Một số người có quan điểm trái ngược. Họ không muốn con cái tự quyết định. Họ sợ rằng điều đó sẽ làm hư con cái hoặc làm cho chúng làm người lớn quá sớm. Điều này được coi là một nỗ lực khi cha mẹ hành động như người bạn của con cái, là cách tạo quy luật hiệu quả. Trẻ em thiếu “biên độ” sẽ dẫn tới sự không an toàn. Cha mẹ gần gũi và thân thiện với con cái sẽ làm cho chúng trở thành người có trách nhiệm, khó khăn và khắt khe sẽ làm cho chúng học thói cầu kỳ, câu nệ và ưa đòi hỏi.
Trẻ em rất nhạy bén, chứ không như chúng ta tưởng. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi các nhà quảng cáo “đánh mạnh” vào tâm lý trẻ em để tạo ấn tượng và khiến chúng phải chú ý, chúng chú ý thì chúng đòi cha mẹ mua cho chúng.
Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Cha mẹ đều có “quy luật” đặc thù, không ai hơn ai. Tuy nhiên, người mẹ gần gũi con cái nhiều hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh, vì thế người mẹ nên lưu ý: “Mẹ quá lành khiến con hư” (Diêm thiết luận).