Đôi khi tất cả chúng ta cảm thấy khó chịu, nhưng cách chúng ta phản ứng có thể là cơ hội để trưởng thành về nhân đức và thánh thiện.
Luôn có những điều khiến chúng ta khó chịu. Chúng ta không thể tránh được, dù đó là điều lớn hay nhỏ. Thực sự không ai thích cảm thấy tức giận và điều đó không giúp chúng ta giải quyết tốt những việc chúng ta phải làm hằng ngày.
Chúng ta có thể rất dễ bực mình từ tiếng còi xe hoặc người khác nói chuyện ồn ào khi chúng ta đang cố gắng tập trung. Cũng có thể có một số người mà chúng ta thấy rất khó chịu, mặc dù họ cũng làm điều tương tự như người khác và cảm giác khó chịu này thậm chí có thể tồn tại và ở lại với chúng ta vĩnh viễn.
Thánh Josemaría Escrivá đã từng nói: “Khi các Kitô hữu gặp lúc tồi tệ, đó là vì chúng ta không cho cuộc sống này tất cả ý nghĩa thiêng liêng của nó.” Tiếp cận cuộc sống hằng ngày với quan điểm tìm kiếm điều gì đó ngoài ấn tượng ban đầu là điều cho phép chúng ta khám phá sự phong phú tiềm ẩn của thời điểm hiện tại. Nó mở ra cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ hơn về thực tế, giúp chúng ta thấy rằng mọi thứ xảy ra đều có thể biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
Việc cảm thấy phiền toái vì một số điều là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là những điều mà chúng ta cho là sai trái, nhưng chúng ta không thể cho phép điều này lấy đi sự bình yên của mình. Cuối ngày, chúng ta có thể nhận ra rằng tức giận hoặc khó chịu, ở một mức độ nào đó, là cách chúng ta chọn. Khả năng quyết định có để cho điều gì đó làm phiền chúng ta hay không là phụ thuộc vào khả năng phản ứng của chúng ta đối với những sự việc xảy ra với chúng ta nói chung.
Phản ứng khôn ngoan khi có điều gì đó làm phiền chúng ta có thể tác động đến ngày của chúng ta và của người khác theo hướng tích cực để chúng ta có thể tiến tới mà không để lại vị đắng trong miệng. Trong các tình huống khó khăn, chúng ta có thể phản ứng bằng cách quyết định lựa chọn tích cực.
- LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC
Một trong những điều chúng ta có thể làm khi nhận thấy điều gì đó đang làm phiền chúng ta là nhìn nhận tình huống ở mức độ sâu sắc hơn. Chúng ta có thể coi đó là cơ hội để thực hành nhân đức như tính kiên nhẫn, nhân hậu, từ bi hoặc hiểu biết về những gì đang xảy ra. Chúng ta có thể cố gắng hiểu rõ ràng hơn về lý do tại sao điều đặc biệt này lại làm phiền chúng ta.
Nhân đức là sự tự nguyện sắp xếp để làm điều tốt. Nó không chỉ cho phép chúng ta tập trung vào khía cạnh tích cực của tình huống, mà còn để cống hiến những gì tốt nhất trong những hoàn cảnh thách đố chúng ta.
Với sự cởi mở nội tâm này, những khoảnh khắc khó khăn trở thành cơ hội thực sự để thực hiện các nhân đức hoặc khám phá các nhân đức mới trong cuộc sống hằng ngày. Những gì có thể là điều phiền toái sẽ trở thành món quà giúp chúng ta hoàn thiện chính mình.
Nếu mọi thứ không bao giờ thử thách chúng ta thì chúng ta sẽ không bao giờ biết mình yếu hay mạnh, có những phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn nào và có thể phát triển như thế nào. Nhân đức giúp chúng ta vượt qua thử thách tốt hơn và do đó mà trưởng thành về tinh thần, nhờ đó chúng ta có thể điều chỉnh phản ứng của mình và không dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Khi vượt qua nghịch cảnh, chúng ta có thể phát triển tính cách của mình; chúng ta được củng cố để đối phó với những điều không theo ý mình. Ngoài ra, mỗi thử thách chúng ta phải đối mặt cũng củng cố khả năng chuẩn bị cho những trở ngại tương lai. Chúng ta học hỏi qua sự khó chịu và suy nghĩ lại những gì cần làm để thành công.
- HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC
“Muốn hoàn tất thì phải bắt đầu làm.” (Thánh Josemaría Escrivá)
Thay vì chìm đắm trong cảm giác tiêu cực, chúng ta có thể cố gắng làm cho cảm giác đó hướng chúng ta đến cách hành động tích cực. Không phàn nàn và tập trung làm việc gì đó hiệu quả hơn có thể là một cách an ủi.
Nếu ai đó làm bạn khó chịu, có lẽ hành động lắng nghe họ có thể đi được chặng đường dài. Hãy lắng nghe lời nói, giọng điệu và thể ngữ của họ. Họ có chán nản hay gặp khó khăn không? Chỉ đơn giản là lắng nghe cũng có thể giúp họ, đồng thời mở ra cho chúng ta những cơ hội khác để làm điều tốt cho tha nhân.
Đôi khi chúng ta có thể hiểu tại sao ai đó có thể nói hoặc làm điều gì đó, nhưng đôi khi chúng ta không thể. Hành động tích cực và giải thoát là tinh thần tha thứ và tiếp tục với ngày sống của bạn. Bạn không bao giờ biết những gì người đó có thể phải trải qua.
Hành động tích cực khác rất hiệu quả là mỉm cười hoặc khôi hài. Mỉm cười là vũ khí hữu hiệu để giải trừ cơn tức giận, làm chúng ta bừng sáng, khiến mọi thứ có vẻ bớt u ám hơn, kết nối và cho phép chúng ta phát triển tinh thần vui vẻ.
Tử tế với người khác là hành động từ thiện; đó là lựa chọn tình yêu hơn tất cả mọi thứ, bất kể chúng ta đã được đối xử như thế nào. Điều này có thể được thể hiện bằng cách đáp lại với những lời lẽ hòa nhã hoặc cử chỉ tôn trọng. Tình yêu không bao giờ không được chú ý. Ngay cả khi nó không được công nhận rõ ràng vào lúc đó thì sớm hay muộn nó cũng sẽ có ảnh hưởng.
Một cách khác để phản ứng là chia sẻ kinh nghiệm của bạn. Trong nghịch cảnh, chúng ta có thể gặp những người khác. Bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nhiều người có thể trải nghiệm tương tự như bạn và bạn có thể tìm thấy không chỉ sự đồng cảm mà còn tìm thấy lời khuyên bổ ích.
- TRỞ NÊN THÁNH THIỆN
“Đừng nói rằng người đó làm phiền tôi. Hãy nghĩ rằng người đó thánh hóa tôi.” (Thánh Josemaría Escrivá)
Xem những hoàn cảnh khó khăn như cơ hội để trưởng thành thánh thiện cho phép bạn gác lại những ước mong và ý muốn của mình. Khi chúng ta “chết” một chút cho chính mình bằng cách dâng những điều khó khăn cho Thiên Chúa, chúng ta mở lòng ra đối với ân sủng của Ngài.
Không có gì thiết thực hơn việc sống theo cách Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta bằng cách đặt người khác lên trước. Không có gì hữu ích hơn là trưởng thành trong đức tin.
Hãy cầu nguyện. Lời cầu nguyện trong lúc yếu đuối hoặc căng thẳng là hành động của tình yêu chân thật có thể đem lại bình an. Kinh Thánh nói: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6:27-28)
Thánh thiện hơn không có nghĩa là mọi thứ không ảnh hưởng hoặc bạn trở nên kém nhạy cảm hơn. Nó có nghĩa là bạn có thể chấp nhận thập giá với tình yêu. Ở đó, chúng ta học cách xử lý mọi thứ xảy ra với chúng ta khi chúng ta trở thành người tốt hơn, nên nhân chứng hoặc niềm an ủi cho người khác.
Chúng ta biết chi tiết hơn về mục đích của đời mình và có thể cảm thấy biết ơn chân thành về những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nhận khi được tràn đầy ơn Chúa. Với sự giúp đỡ của ân sủng đó, chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn không phải vì công lao của chúng ta, mà là do quà tặng của Thiên Chúa. Khi chúng ta chọn mở lòng ra với khả năng lớn lên trong sự thánh thiện, chúng ta cũng mở ra cho mình khả năng sống tốt hơn.
CECILIA ZINICOLA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)