Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nhiều gương mặt nổi bật được mọi người chú ý như Phêrô, Giuđa, Philatô, hay là đám đông dân chúng, binh sĩ, hai kẻ trộm … nhưng có những gương mặt xuất hiện âm thầm trong cuộc Thương Khó, không hề nói một lời, nhưng âm vang của họ đã vọng khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Trong Tuần Thánh này, xin mời quý chị em cùng chiêm ngắm một số gương mặt phụ nữ, để rồi chúng ta tìm thấy nơi đó phảng phất gương mặt của người nữ tu Mến Thánh Giá mà Đức Cha Lambert muốn nhìn thấy nơi chị em chúng ta.
Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Maria trên đường Thánh Giá.
Tin mừng không cho chúng ta biết Đức Maria đã xuất hiện trong cuộc Thương Khó từ khi nào, chỉ có Thánh Gioan tường thuật sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập giá:
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19,25-27)
Tuy nhiên, trong bộ phim cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta thấy được bóng dáng của Mẹ từ sớm hơn. Mặc dù không biết là từ khi nào, Mẹ biết tin là người con trai yêu dấu của mình bị bắt, Mẹ có kịp đến và có vào được dinh tổng trấn hay không? Có chứng kiến con mình bị kết án? Có chứng kiến quân lính đội mão gai và lấy gậy đập vào đầu con? Có thấy con mình bị bao nhiều roi đòn phỉ nhổ? Điều chắc chắn là: Mẹ đã hiên ngang đứng dưới chân Thánh giá, nhìn ngắm con mình bị đóng đinh, bị lưỡi đòng đâm thâu, và chính Mẹ cũng bị lưỡi gươm đâm thâu vào tâm hồn mình, như Mẹ đã được ông Simêon tiên báo lúc Mẹ dâng con vào đền thánh: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2,34-35). Thật vậy, nỗi đau của Mẹ không chỉ là nỗi đau của một người Mẹ thấy con sắp lìa đời, mà còn là chứng kiến con mình bị kết án bất công, bị hành hạ phỉ nhổ, bị lột trần ô nhục, bị đau đớn cả thân xác và tinh thần, bị mọi người và dường như cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi. Mẹ tin con mình là Con Thiên Chúa, nhưng lại phải đành lòng chứng kiến con mình chịu chết. Cũng như Đức Kitô, có thể Mẹ phải cất lên lời kêu than cùng với tác giả Thánh vịnh: “Thiên Chúa của con! Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại bỏ rơi con?” (Tv 22,2a). Sao Ngài lại bỏ rơi con của con? Tuy nhiên, chính trong cơn đau đớn hoang mang cùng tận đó, Mẹ vẫn xác tín vào Thiên Chúa, vẫn còn có thể gọi Ngài là “Thiên Chúa của con”. Làm sao Mẹ lại có thể xác tín và hiên ngang đứng vững như vậy? Vì Mẹ tin và yêu, vì Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những gì xảy ra, và suy đi nghĩ lại trong lòng, từ lúc truyền tin đến khi sinh con, khi dâng con vào Đền Thờ rồi lúc con đi lạc, trong suốt 30 năm nuôi dưỡng và sau đó là ba năm con đi rao giảng, chứng kiến các phép lạ, nghe những lời ca tụng con mình cũng như những lời phản đối và cho rằng Người bị điên, rồi bây giờ bị bắt, bị kết án và bị đóng đinh đến chết. Cùng với con trên Thánh Giá, Mẹ nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho dân tộc Do Thái, nhớ lại việc Đức Kitô đã sinh ra thế nào để càng tin vào Chúa hơn: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh. Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho.” (Tv 22,10-12). Ngay cả khi chứng kiến cảnh chiếc áo mình đã từng nâng niu mũi chỉ đường kim may cho con bị quân lính xé ra chia nhau, Mẹ vẫn một lòng tin cậy nài xin Chúa: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau lạy Chúa xin đừng đứng xa.” (Tv 22,19-20). Cho dù thế nào, Mẹ vẫn tin rằng Thiên Chúa có chương trình của Ngài và vẫn luôn xin vâng, để cho Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài muốn. Mẹ đã cùng với con đi cho đến cùng con đường Thánh Giá với trọn vẹn tình yêu, và cùng con dâng hiến lễ hy sinh cho nhân loại.
Là nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta cũng được mời gọi đi theo sát dấu chân Đức Kitô trên đường Thánh Giá, nhưng tại sao có những khi chúng ta chưa yêu mến Thánh Giá? Tại sao có lúc chúng ta cảm thấy dường như bị Chúa bỏ rơi và chán nản thất vọng? Chúng ta tìm được câu trả lời nơi Đức Maria, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ chúng ta, từ dưới chân Thánh Giá, khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho người môn đệ Chúa yêu: “Này là con Bà… Này là Mẹ con”. Chúng ta được trở thành con của Mẹ, em của Chúa Giêsu, từ dưới chân Thánh Giá. Chúng ta chỉ có thể yêu mến Đức Kitô, đi theo sát Đức Kitô trên đường Thánh Giá như Mẹ, can đảm hiên ngang như Mẹ, khi chúng ta biết ghi nhớ tất cả và suy niệm trong lòng. Chính việc suy niệm trong lòng sẽ tạo cho chúng ta sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, làm cho chúng ta nên một với Đức Kitô. Do đó, sau khi Đức Cha Lambert thành lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha đã viết cho hai nữ tu tiên khởi trong Bức Tâm Thư: “Các con không còn thuộc về mình nữa, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu-Kitô, vì các con đã dâng mình trọn vẹn cho Người, để từ nay chỉ chuyên chú tìm sự hiểu biết và yêu mến Người bằng cách suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người ». Thật vậy, từ lúc nhỏ cho đến những giây phút cuối đời, Đức Cha Lambert hằng suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Đức Kitô, nhờ đó ngày càng hiểu biết Chúa hơn và yêu Chúa hơn, yêu Thánh Giá của Người cũng như vui lòng đón nhận thập giá của bản thân, hoàn toàn để cho Đức Kitô thực hiện những gì Người muốn. Ước muốn noi theo Đức Kitô này đã ngày càng thôi thúc Đức Cha Lambert thành lập Tu hội Những người Yêu mến Thánh Giá.
Mục tiêu đó cũng đã được Đức Cha Lambert nêu rõ trong Luật Tiên khởi, và sau này được xác định trong Hiến chương : « Mục đích Dòng Mến Thánh Giá là đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người. » (HC 3)
Chắc hẳn chị em chúng ta luôn nhớ và thi hành điều này, nhưng đôi khi chúng ta còn suy niệm về rất nhiều đề tài, rất nhiều vấn đề, dựa vào rất nhiều nguồn tài liệu, mà chưa tập trung nhiều, chưa « chuyên chú » vào cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô và mầu nhiệm Thánh Giá của Người, như là một nét rất riêng của người Mến Thánh Giá.
Noi gương Mẹ Maria, trong những ngày Tuần Thánh này và trong từng ngày sống, chúng ta tưởng nhớ những lời dạy, cuộc sống và nhất là cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, chuyên chú suy niệm hàng ngày để cảm nếm được tình yêu của Người dành cho từng chị em chúng ta, để biết được ý Người muốn thể hiện nơi người nữ tu Mến Thánh Giá trong thời đại hôm nay, để noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người, sẵn sàng ra đi khỏi chính con người của mình để hiến thân trọn vẹn cho Chúa Cha và anh chị em đồng loại.
Nt. Anna Vân Nga
Tổng Phụ trách Hội Dòng MTG.Thủ Đức