Chút thao thức khi giới trẻ Công giáo “sống thử”

100

Chút thao thức khi giới trẻ Công giáo “sống thử”

 

thap_giaGia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tuỳ thuộc con người mà tuỳ thuộc chính Thiên Chúa[1]Chính vì thế, những nét đặc thù của hôn nhân Kitô giáo là: toàn vẹnhợp nhất, bất khả phân lytrung tín và nhắm tới việc sinh sản con cái.[2] Cũng như ý nghĩa đích thực của hôn nhân phải là một phản ánh của tình yêu tuyệt đối giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta qua tình yêu của Đức Giêsu Kitô dành cho Hội Thánh. Thế nhưng, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hiện tượng “sống thử” trước khi tiến tới hôn nhân đã xuất hiện phổ biến trong đời sống của những đôi bạn trẻ Công giáo. Đó là một thực trạng sai trái rất đáng buồn, bởi nó đã đi sai giáo huấn của Lời Chúa và của Giáo Hội, làm méo mó mục đích, ý nghĩa và giá trị thánh thiêng của khế ước hôn nhân Công giáo, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, đánh đổ các giá trị luân lý.

Hướng tới một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ cho các bạn trẻ, cho các gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội, tôi luôn thao thức và trăn trở về vấn nạn này. Do đó, trong khao khát hướng tới lý tưởng là một linh mục của mình, tôi muốn chia sẻ một chút  nhận định về điều đó, nhằm có thể hoạch định cho mình những phương hướng mục vụ, hầu có thể giúp cho những người mà mình được sai đến để phục vụ sau này. Đặc biệt, tôi mong muốn làm sao để có thể giúp cho giới trẻ tránh xa được những hành động sai trái, tội lỗi đó và để cho họ nhận thức được rõ ràng hơn về hôn nhân, gia đình, để họ có được một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc thật sự theo đúng chương trình tình yêu của Chúa và đường lối Giáo Hội giảng dạy.

Trước thực trạng “sống thử” của các bạn trẻ trong xã hội nói chung và các bạn trẻ Kitô giáo nói riêng, chúng ta phải nhìn nhận đó không đơn thuần là lỗi và là trách nhiệm riêng thuộc về bản thân các bạn trẻ, nhưng đó còn là lỗi và trách nhiệm của nhiều người liên quan. Thực trạng này chủ yếu xảy ra ở những vùng đô thị, ở các khu kinh tế, trường đại học, còn ở các xứ đạo miền quê thì hầu như không có. Nó chịu tác động của nhiều nguyên nhân trên khía cạnh chủ quan cũng như khách quan. Một số các bạn trẻ ngày nay muốn xem việc sống thử như là một cách “chuẩn bị” tốt cho một cuộc sống hôn nhân hoàn hảo hạnh phúc, đó là một sai lầm to lớn. Bởi lẽ đời sống hôn nhân và tình dục không thể bị giản lược thành việc “thí nghiệm”, và không thể chỉ dừng lại ở những sinh hoạt thể lý, nhưng còn là dấu chỉ thuần thiêng, là dấu chỉ của tình yêu và sự hiệp nhất. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ “sống thử” chỉ vì mục đích thỏa mãn tình dục của mình. Nó sẽ là những vết hằn suốt đời, để lại những hậu quả tai hại cho cuộc sống hiện tại và tương lai của giới trẻ. Vấn nạn này không phải là không có phương pháp giải quyết để ngăn ngừa và chấm dứt. Thiết nghĩ điều quan trọng nhất là những người có liên quan tới đời sống hiện tại hay tương lai của các bạn trẻ, như gia đình, xã hội và Giáo Hội, có thật sự đặt vấn nạn này làm mối bận tâm và đáng suy nghĩ của mình, có nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn nạn này hay không? Nếu tất cả mọi người cùng chung một suy nghĩ, cùng chung một trái tim biết thao thức để cùng nhau hành động, thì tình trạng “sống thử” nơi các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ Công giáo sẽ dễ dàng được thay thế bởi một lối sống, một tình yêu lành mạnh, trong sáng và cao đẹp hơn.

Lấy giáo lý của Kitô giáo làm điểm soi chiếu, dựa trên nhãn quan và lập trường của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta dám khẳng định rằng tình trạng “sống thử” nơi các bạn trẻ Công giáo, cũng như ngoài xã hội là một hành động sai trái, đáng lên án và cần phải kịp thời đưa ra những giải pháp để sửa chữa. Trước hết, “sống thử” trước hôn nhân là điều sai trái, đi ngược lại với những điều răn của Chúa và của Giáo Hội dạy. Việc hai người nam nữ sống chung với nhau và sinh hoạt với nhau trên tinh thần và thể xác (đặc biệt là sinh hoạt tình dục), là phạm vi đời sống của những đôi vợ chồng đã được Giáo Hội và xã hội chấp nhận, có nghĩa là họ đã tiến tới hôn nhân và gia đình. Còn nếu chưa là vợ chồng hợp pháp theo nghi thức và luật pháp của Giáo Hội và xã hội thì việc sống chung với nhau là hoàn toàn sai trái, vi phạm pháp luật xã hội cũng như giáo luật. Mặt khác, việc “sống thử” trước hôn nhân còn đi ngược lại với mục đích, ý nghĩa, giá trị của hôn nhân Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, việc sống chung với nhau của hai người nam nữ là một giai đoạn mang tính tất yếu, để họ làm trọn bổn phận và quyền lợi đối với mục đích, ý nghĩa, giá trị của hôn nhân Kitô giáo. Qua việc kết hợp giữa người nam và người nữ quan bí tích Hôn Phối, hai người trở thành vợ chồng; tình yêu trao ban cho nhau  xuất phát từ Thiên Chúa là nguồn tình yêu (1Ga 4,8). Họ trao ban sự sống cho nhau, đó là một sự trao hiến trọn vẹn, bao gồm thể xác và tinh thần. Qua đời sống hôn nhân, hai người đã tiến tới sự hiệp thông với nhau cách trọn vẹn. Sự hiệp thông trọn vẹn này dựa trên khuôn mẫu hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và là dấu chỉ hiệp thông và tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Sự hiệp thông này phải mở ngỏ cho những sự sống, mầm sống mới, tức là sinh sản con cái. Đó là trách nhiệm và là vinh dự cho con người, vì được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và trao ban sự sống. Điều này khẳng định, việc các bạn trẻ “sống thử” chỉ vì hướng tới mục đích nhục dục là hoàn toàn đi ngược lại với giá trị cao cả của hôn nhân.

Bên cạnh đó, việc “sống thử” vì mục đích thỏa mãn tính dục nơi các bạn trẻ còn làm mất ý nghĩa và giá trị của tính dục nơi thân xác con người. Tính dục của con người mang dấu chỉ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và thân xác con người là ngôn ngữ của sự thông hiệp sâu xa giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa. Nó không phải là một phương tiện cho sự thỏa mãn tình dục.

Việc “sống thử” nơi các bạn trẻ còn đi ngược lại với các giá trị của truyền thống đạo đức, luân lý và văn hóa. Còn chăng giá trị của nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong những sự thỏa mãn nhục dục? Bản chất của điều đó là một sự trụi lạc, nó sẽ để lại những hậu quả ghê gớm cho tương lai của các bạn, đặc biệt là các bạn nữ. Nếu không đi đến hôn nhân thì việc “sống thử”, với những “cơ cấu” kèm theo của nó sẽ để lại những vết thẹo nhơ nhuốc, một tâm lý tự ti về thân xác bản thân nơi các bạn nữ. Hơn nữa, vì chưa có hôn nhân, gia đình, chưa được mọi người công nhận, nên việc sống thử sẽ mở ra cơ hội cho các bạn phạm những tội ác bởi hậu quả của nó, và phá thai là một ví dụ điển hình. Đó cũng chính là lý do đã khiến Việt Nam, vốn là một quê hương, một miền đất đầy những giá trị của thuần phong mỹ tục, lại trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai (là một hình thức của tội ác giết người) đứng đầu thế giới.

Nguyên nhân dẫn đưa các bạn trẻ Công giáo đến với tình trạng tội lỗi, sai trái  này trước hết là chính những yếu điểm tồn tại ngay trên bản thân của các bạn trẻ. Đó là sự yếu kém về giáo lý, sự thiếu hiểu biết về giá trị cao cả của tính dục và thân xác con người, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Việc xa rời các thực hành đạo đức (Thánh Lễ, giờ kinh, các sinh hoạt tôn giáo…), làm cho tâm hồn người trẻ khô khan, nguội lạnh, dẫn tới những tư tưởng và hành động tội lỗi. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm (gia đình, quê hương, xứ, họ…), cùng với điều kiện sống tập trung, dễ gặp gỡ; môi trường có nhiều yếu tố dung tục (sách vở, báo chí, internet, phim ảnh…); xã hội tự do tình dục, mãi dâm phổ biến, sự lơi lỏng trong việc quản lý xã hội; cùng với trào lưu dễ dãi trong quan hệ tình dục của giới trẻ ngày nay… tất cả như tạo thêm “sức mạnh” cho các bạn trẻ trở thành những “con thiêu thân” lao vào con đường hưởng thụ. Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan cũng góp phần làm cho các bạn trẻ liều mình “sống thử” dù biết là sai. Sự thiếu quan tâm của gia đình, của giáo xứ hay giáo họ làm cho các bạn trẻ làm ăn xa cảm thấy thiếu thồn về tình cảm, cảm thấy được thoát khỏi ràng buộc gia đình nên tự do hành động để bù trừ.

Trong khao khát và dự định hướng về một người Mục Tử, tôi muốn hoạch định cho mình một vài phương hướng mục vụ cho giới trẻ. Trước hết, tôi sẽ phải tìm đến với các bạn trẻ và sẵn sàng đón nhận họ với tất cả thái độ và tình cảm của một người bạn thân, một người anh yêu thương, một người thầy khôn ngoan, một người cha nhân hậu và là một mục tử nhân lành. Những rung động của đức ái mục vụ tôi cần biết thể hiện trong mọi tư tưởng, lời nói và những việc làm mỗi khi đến với các bạn. Tôi cũng phải biết tôn trọng để nắm bắt những thao thức, những sẻ chia của các bạn để có thể cảm thông, đồng hành và tạo niềm tin, niềm an ủi nơi các bạn. Tôi sẽ có những buổi gặp gỡ, nói chuyện để truyền đạt, giáo dục giới trẻ về giáo lý, Lời Chúa, về ý nghĩa của tình yêu, của hôn nhân và gia đình, về tính dục, luân lý, về hậu quả và tác hại của “sống thử”. Mục đích là nhắm tới việc trang bị cho các bạn những hiểu biết cần thiết cho đời sống đức tin, đời sống xã hội, gia đình và đời sống tâm sinh lý của mỗi người. Tiếp đến, là bản thân tôi cần có sự quan tâm cụ thể trong vai trò là một người Mục tử quan tâm và yêu thương đoàn chiên, mà cụ thể là các bạn trẻ và các gia đình: quan tâm đến đời sống đạo và đời, đến các nhu cầu, sự thiếu thốn và hoạt cảnh gia đình của họ… để mong giúp đỡ và hướng dẫn các bạn tránh những tư tưởng hay hành động sai lầm nhất là những lúc các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn nên tổ chức những phong trào vui chơi lành mạnh: giao lưu thể thao, văn nghệ, cắm trại, thi đua các phong trào… trong giáo xứ, giáo họ, các tổ liên gia… để thu hút các bạn trẻ đến với đời sống cộng đoàn, giúp các bạn có được hướng giải quyết những đòi hỏi xung năng tính dục của lứa tuổi cách lành mạnh. Đối với những bạn trẻ đi làm ăn xa nới các trung tâm kinh tế, ở nước ngoài hay ở các trường đại học, tôi cần biết chủ trương thành lập các hội đoàn đồng hương, các nhóm bạn. Làm sao để các bạn có những buổi gặp gỡ, sinh hoạt chung, nhằm duy trì đời sống đạo, kiểm soát nhau và giúp đỡ nhau trong cuộc sống xa gia đình và quê hương.

Công trình tạo dựng vì tình yêu, và chỉ vì tình yêu của Thiên Chúa vẫn còn được thực hiện và luôn hướng tới hạnh phúc của con người. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, con người được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa. “Sống thử” là một hướng đi lệch lạc của các bạn trẻ, đã ra ngoài con đường của Thiên Chúa. Điều đó sẽ đưa các ban và các gia đình tới vực sâu của đau khổ và tội lỗi. Do đó, ngay từ bây giờ, bản thân người trẻ và những ai liên quan, hãy đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này để tìm ra lối thoát cho những bạn đã và đang sống trong tình trạng này, cũng như ngăn ngừa những bạn trẻ đang có tư tưởng hay ý định đó. Có như vậy, mục đích, ý nghĩa và giá trị của tình yêu, của hôn nhân gia đình mới được lên tiếng và đó mới là hạnh phúc đích thật theo chương trình ngàn đời của Thiên Chúa. Tôi thiết nghĩ, chút thao thức mà tôi chia sẻ ở đây sẽ không bao giờ là đủ đối với vấn đề gay go này. Nó sẽ lạnh lẽo khi nó cô độc một mình, nhưng nó sẽ ấm áp hơn nếu chúng ta cùng thao thức để cùng hành động vì và chỉ vì tình yêu./.

Giuse Lê Ngọc Dương, K.12 – ĐCV Vinh Thanh


 

[1] HĐGMVN, Tóm Tắt Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Hôn nhân, nền tảng của gia đình, số 215, nxb: Tôn Giáo, 2007, 167.
[2] HĐGMVN, Tóm Tắt Học Thuyết Xã Hội Của GHCG, số 217, 167.

– See more at: http://www.lamhong.org/2013/06/17/chut-thao-thuc-khi-gioi-tre-cong-giao-song-thu/#sthash.QoFS4FOf.dpuf