Khi đã bước chân vào trần gian, không ai không thoát khỏi cái định luật của con người: sinh – lão – bệnh – tử.
Cái cửa tử là cái cửa chắc chắn nhất mà ai trong chúng ta dù muốn dù không, dù sớm dù muộn đều phải bước qua. Nhưng, bước qua như thế nào và bước qua đi về đâu mới là chuyện quan trọng.
Thật ra mà nói, ai cũng mong cho mình sống lâu; thế nhưng chuyện sinh tử là chuyện của Thiên Chúa. Sống ngày nào trên trần gian chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người không ai có quyền định đoạt được thời gian sống của mình.
Có những người đang dệt ước mơ đời mình nhưng bỗng chốc lại ra đi.
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103, 15-16)
Hay là:
“Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mãi dệt đời mình,
bỗng nhiên bị bàn tay Chúa
cắt đứt ngang hàng chỉ” (Is 38,12).
Nhiều biến cố, nhiều sự kiện diễn ra hằng ngày bên đời ta để ta thấy điều đó rõ hơn ai hết. Và, khi nhìn lại đời sống của mình, mỗi ngày còn thức giấc là mỗi ngày tạ ơn cũng như xin Chúa gìn giữ ta trong quãng đời còn lại:
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).
Nhiều lần nhiều lúc cũng vui vẻ với bạn bè, choáng váng với những hào nhoáng chóng qua… đến khi chợt tỉnh giấc nhận ra rằng tuổi của mình đã xế chiều.
Những ngày tháng xế chiều này, Chúa cho tôi thời gian nhìn lại con người tội lỗi của mình. Thật sự mà nói là quá tội lỗi trong một thời gian quá dài. Chẳng dám ví đời mình như Thánh Augustino nhưng quả thật, tội lỗi của tôi sao chồng chất.
Tỉnh ra mới thấy mình đã đi sai đường Chúa dạy. Chính trong cái giật mình đó, tôi lại chìm đắm trong cầu nguyện, trong lời kinh, đặc biệt Kinh Mân Côi.
Đến với Kinh Mân Côi, tôi tìm được sự bình an cũng như chuyển những ơn lành mà Chúa và Mẹ hứa dành cho các linh hồn đã ra đi.
Những năm dài lăn lộn với thương trường mà như người ta nói còn hơn cả chiến trường nữa. Ở đó, người ta tranh giành và sẵn sàng đánh đổi tất cả để đi tìm cái lợi cho mình. Vì nguồn lợi cho mình, người ta có khi tán tận lương tâm của mình.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi thấy và tôi dừng.
Có thể người này người kia sẽ bảo tôi bất bình thường, tôi chơi nổi, tôi đánh bóng tên tuổi của tôi khi tôi viết ra đây những cảm nghĩ của mình. Có thể khi suy nghĩ này đến với quý vị tôi sẽ bị chỉ trích, lên án và sẽ được những thúng… gạch đá… Chẳng sao cả, có gạch đá để chuyển đến những nơi nghèo cần xây nhà tình nghĩa.
Tuổi đang dần chiều, nhìn lại và tôi cảm thấy thấm với tâm tư của anh chàng nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!
Thật sự là như thế, đôi khi ta cứ mãi loanh quanh đi tìm cái gì đó cho mình là danh, là tiền, là quyền, là địa vị… Thế nhưng, tất cả những thứ mà người ta mãi đi tìm đó sẽ là con số không thật khổng lồ khi con người ta nhắm mắt xuôi tay.
Những câu chuyện thật mà tôi cũng như nhiều người đã đọc như mẩu chuyện “Bao nhiêu tấc đất cho vừa” đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Con người ta mải miết tham miếng đất như anh chàng trong câu chuyện đó để mãi đi tìm, tìm cho bằng nhiều nhưng khi chiều đến do tham quá không nghỉ ngơi ăn uống nên khi lấy được miếng đất thật to thì cũng là lúc mà anh ta kiệt sức. Cuối cùng, những người hầu của ông địa chủ bán đất cho anh ta chỉ còn có việc duy nhất là chôn anh ta.
Chuyện là ông địa chủ bán đất cho anh với giá 1 đồng bạc. Chủ nói là anh cứ đi từ sáng cho đến chiều, đến khi nào mệt nghỉ thì số đất mà anh đi qua sẽ thuộc về anh. Vì tham lam nên bỏ ăn, bỏ uống, bỏ nghỉ để chạy cho thật nhiều, để mảnh đất mình mua được dài nhất. Thế nhưng, vì tham quá nên đã chết sau khi chạy con đường dài không ngơi nghỉ.
Bài học thực tiễn trong cuộc đời chúng ta đó! Có khi cứ mải miết đi tìm và đi tìm cho thật nhiều để rồi không bao giờ thấy mình đủ.
Ngày hôm nay không phải là ở cái thời bao cấp nữa, không phải cái thời đói kém nữa để rồi phải dùng cái từ chạy ăn chạy mặc. Ngày hôm nay không ai còn chết vì thiếu ăn thiếu mặc nữa mà chết vì ăn nhiều quá và chết vì tốn nhiều tiền cho chuyện mặc của mình quá.
Và vì thế, tôi có cái cảm giác là cuộc sống của những người lớn tuổi như tôi đây nên chăng phải cảm thấy mình đủ. Khi cảm thấy đủ mình sẽ được bình an và sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để kết hợp mật thiết với Chúa, để dọn lòng thanh thản ra trình diện trước mặt Chúa.
Có một chuyện mà tôi cảm thấy nực cười đó là ông bà và cha mẹ quá khéo lo cho con cháu đến độ con cháu bực mình. Hay là lo cho chúng cho đã để rồi nhận lại thái độ lạnh lùng bất hiếu. Sau đó, lại oán trách chúng bởi lẽ suy nghĩ giữa 2 thế hệ khác nhau.
Cứ như phương Tây, 18 tuổi đủ trưởng thành và ta cho nó tự lập. Có chăng ta đứng sau lưng để dõi theo và nhắc nhở. Phần của ta, ta cứ lo phần của ta để sao ta có thời gian nhiều để cầu nguyện, để gắn bó với Chúa.
Có nhiều bậc cha mẹ đổ lỗi vì lo cho con cái đến độ không có thời gian dành cho Chúa! Nhưng thử hỏi có cha mẹ nào lột da để sống đời bên cạnh lo cho con cái đâu? Cuối cùng, đời cũng chẳng ra đời mà đạo cũng chẳng giữ cho suông vì cứ viện lý do này lý do nọ.
Tôi trộm nghĩ tuổi già là cái tuổi đẹp để ta có nhiều thời gian gần Chúa hơn, và khi gần Chúa, ta sẽ thấy mình thật thư thái, bình an và có thời gian nhiều để cầu nguyện cho con cháu nữa.
Vấn đề chính tôi cảm và tôi chia sẻ ở đây đó là thời gian dành cho Chúa ở cái độ tuổi về chiều. Đôi khi vì lý do nào đó ta cứ biện minh là lo cho con cho cháu đến độ không còn thời gian. Hay là lo cho cơm áo gạo tiền đến độ không còn giờ cho Chúa nữa.
Nếu suy nghĩ như thế và hành xử như thế, ta nên nhìn lại để quân bình đời sống tâm linh và đời sống thể xác của ta. Có khi mãi cứ chăm chút vào thể xác mà quên đi phần hồn của ta là điều quan trọng hơn cả.
Chính vì lẽ đó nên ở cái tuổi về chiều, xin mọi người hãy nhìn lại cuộc đời của mình, xin nhìn lại phần tâm linh mà suốt thời gian còn trẻ mình đã quên phần nuôi dưỡng.
Cuộc đời qua đi quá vội và rất vội! Xin hãy dành nhiều thời gian cho Chúa bằng kinh nguyện và những hy sinh. Sống như thế, khi Chúa gọi ta về, lòng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thản, và khi đó ta vui vẻ hát rằng: “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi ngàn lời ca hát, ngàn dân tung hô tôi thật vinh phúc”.
Micae Bùi Thành Châu
(WGPSG)