Vũ khí này có sức giết chết những con rồng (ma quỷ), hoán cải tội nhân, và thu phục các linh hồn. Lưỡi gươm này được làm bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, rèn bằng chiếc búa của sự thần hứng, được giao cho Nữ Vương Thiên Đàng và các tôi tớ được chọn của Đức Mẹ.
Khi vũ khí này đã sẵn sàng và đến lúc được rút ra khỏi bao, chính Nữ Vương Thiên Đàng đã cho thế giới biết và chọn một người nhiệt thành truyền bá khắp thế giới. Người đó là Thánh Đa-minh, vị sáng lập Dòng Thuyết Giáo với sứ vụ truyền bá Kinh Mân Côi.
- KINH MÂN CÔI VÀ THÁNH ĐA-MINH
Từ đầu thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhóm đối lập là thuyết Albigensism (gọi tắt là Albi), tà thuyết này lấy theo tên của TP Albi ở miền Nam nước Pháp, nơi khai sinh tà thuyết. Trong thời gian lan tràn tà thuyết này, một người Tây Ban Nha tên Dominic Guzman đã giảng thuyết chống lại sai lầm của họ. Khi chuẩn bị sửa lỗi những người theo tà thuyết Albi, Thánh Đa-minh lập luận rằng ngài có khả năng giảng thuyết và sự nhạy bén về thần học, ngài có thể dễ dàng giành lại các linh hồn cho Đức Kitô. Tuy nhiên, sau vài năm truyền bá hết thành phố này sang thành phố kia, ngài thấy rằng cách truyền bá của ngài không hiệu quả như mong muốn, và ngài kết luận rằng ngài cần điều khác mạnh mẽ hơn, đủ để chiến thắng kẻ thù.
Theo truyền thống, Thánh Đa-minh đến khu rừng tĩnh lặng Prouille gần TP Toulouse (Pháp) để cầu xin ơn trợ giúp và cầu xin có được những gì cần thiết để chiến thắng tà thuyết Albi. Sau ba ngày cầu nguyện, Đức Mẹ đã đến giúp ngài. Đức Mẹ cho ngài biết rằng nỗ lực truyền bá của ngài đáng quý, nhưng chính Kinh Kính Mừng sẽ ban cho ngài sức mạnh truyền bá Kinh Mân Côi. Đức Mẹ nói với Thánh Đa-minh: “Tới nay, con đạt được một số hoa trái bằng công sức của con; con gieo chúng trên khu đất cằn cỗi, chưa tưới bằng nước ân sủng. Khi Thiên Chúa muốn canh tân bộ mặt trái đất này, Ngài bắt đầu cho mưa móc làm màu mỡ Lời Truyền Tin của Sứ Thần. Do đó, hãy truyền bá Thánh Thi của Ta” [1]. Đó là thời điểm khởi đầu Chuỗi Mân Côi của Đức Maria. Và đó là lúc thanh gươm được rút ra.
- KINH MÂN CÔI VÀ CHIẾN TRANH
Chiến thắng đầu tiên của Kinh Mân Côi xảy ra tại cuộc chiến Muret ngày 12-9-1213. Một thành phố nhỏ thuộc miền Nam nước Pháp là TP Toulouse, Muret là thành lũy của tà thuyết Albi. Nhờ nỗ lực của Thánh Đa-minh và Kinh Mân Côi, tà thuyết này thua cuộ, và nhà nguyện đầu tiên được xây dựng biệt kính Kinh Mân Côi là Nhà thờ Thánh Giacôbê, nơi Thánh Đa-minh đọc Kinh Mân Côi trong thời gian xảy ra chiến tranh.
Sau chiến thắng nhờ Kinh Mân Côi này, lịch sử còn chứng kiến nhiều cuộc chiến mà Kinh Mân Côi được dùng làm vũ khí tâm linh để chiến thắng kẻ thù. Một số cuộc chiến nhằm cứu nguy đất nước, trung tâm của Công giáo (Vatican), và thậm chí cả văn minh Tây phương như một tổng thể. Người ta kêu gọi quan tâm chiến tranh Kotor (1539), chiến tranh Malta (1565), chiến tranh Lepanto (1571), chiến tranh Rochelle (1627), chiến tranh giành lấy quần đảo Philippines (1646), chiến tranh Vienna (1683), chiến tranh Temesvar và Corfu (1716), để tìm ra sức mạnh mà Kinh Mân Côi đã chiến thắng thế lực bóng tối. Xuyên suốt lịch sử, Kinh Mân Côi cũng đã cứu các quốc gia và dân chúng thoát khỏi tai họa chiến tranh và chống lại ý thức hệ chính trị, như đã xảy ra tại Úc năm 1955, Brazil năm 1964, Phi Luật Tân năm 1986, và Colombia năm 2008.
- KINH MÂN CÔI VÀ CÁC GIÁO HOÀNG
Suốt 800 năm qua, những người đó đã nỗ lực truyền bá Kinh Mân Côi. Người đầu tiên thúc đẩy việc truyền bá Kinh Mân Côi là vị giáo hoàng sống cùng thời với Thánh Đa-minh, đó là ĐGH Urbanô IV (triều đại từ 1261-1264). Sau đó, mỗi thế kỷ đều có các vị giáo hoàng yêu mến Kinh Mân Côi và ban ân xá cho những ai gia nhập Hội Mân Côi. Nhiều vị giáo hoàng là thành viên của Hội Mân Côi. Một số vị nổi bật về lòng yêu mến Kinh Mân Côi là ĐGH Gioan XXII (thế kỷ 14); ĐGH Alexander VI (thế kỷ 15); ĐGH Piô V (thế kỷ 16); ĐGH Innocent XI (thế kỷ 17); ĐGH Clement XI (thế kỷ 18); ĐGH Leo XIII (thế kỷ 19); và ĐGH Gioan Phaolô II (thế kỷ 20 và 21). ĐGH Benedict XVI rất đề cao Kinh Mân Côi, và ĐGH Phanxicô cũng vậy.
- KINH MÂN CÔI VÀ PHÉP LẠ
Qua các thế kỷ, phép lạ liên quan Kinh Mân Côi xảy ra rất nhiều, không thể đếm được. Kinh Mân Côi đã ngăn chặn và làm ngưng chiến tranh, đối thoại hiệu quả, hàn gắn hôn nhân, và giúp vô số linh hồn đến gần Chúa Giêsu, Giáo Hội, và các bí tích. Nhiều phép lạ đã được ghi lại trong cuốn “Bí Ẩn Kinh Mân Côi” của Thánh Louis de Montfort, được viết hồi đầu thế kỷ 18. Từ đó, nhiều phép lạ khác cũng đã được biết đến. Chẳng hạn, trong thế kỷ 17, tại nơi mà bây giờ là miền Tây Texas và New Mexico, dân bộ tộc Jumano của Ấn Độ đã làm chứng rằng họ được một Người Phụ Nữ đến thăm nhiều lần, Người Phụ Nữ mặc áo xanh da trời đến dạy họ về đức tin Công giáo.
Đức Mẹ cũng trao chuỗi Mân Côi cho họ và dạy họ cách lần hạt. Những năm sau, khi các nhà truyền giáo Công giáo đến vùng đó, họ rất ngạc nhiên khi phát hiện một bộ tộc Ấn Độ đã có đức tin Công giáo và có Chuỗi Mân Côi. Trước tiên, những người bộ tộc này cho biết những chuyện liên quan Người Phụ Nữ mặc áo xanh, các nhà truyền giáo nghĩ rằng bộ tộc này đã được chúc phúc qua các lần Đức Mẹ hiện ra. Tuy nhiên, sau khi điều tra thêm, họ phát hiện ra rằng nhà thần bí nổi tiếng người Tây Ban Nhà là Bậc đáng kính Maria Agreda đã giúp đỡ cho họ, dạy đức tin cho họ, và đem những chuỗi Mân Côi từ nhà dòng ở Tây Ban Nha đến cho họ.
Năm 1754, có một bức hình nổi tiếng cho thấy Đức Mẹ Las Lajas (Đức Mẹ Núi Đá) hiện ra trên một vách đá ở Colombia. Bức hình này mô tả Đức Mẹ trao một sợi dây tu sĩ cho Thánh Phanxicô và Chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa-minh. Thấy lạ, người dân Colombia cố gắng tìm xem ai đã vẽ bức hình đó, nhưng chẳng ai biết được tác giả là ai. Nhiều năm sau, các nhà địa chất tìm hiểu và họ kết luận có nền tảng khoa học rằng chẳng có ai vẽ bức hình đó. Họ nhận thấy màu sắc trên đá không là chất được vẽ lên đá, và họ cho đó là phép lạ. Bức hình được khắc sâu vào đá gần 1 m. Ngày nay, nơi có bức hình lạ lùng này là một thánh đường lộng lẫy, gọi là Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Thế kỷ 19, Kinh Mân Côi đã giúp một người Ý, một linh mục theo giáo phái Satan, hoán cải và trở về Công giáo, rồi mau chóng trở thành người truyền bá Kinh Mân Côi. Đó là CP Bartolo Longo. Sau khi hoán cải nhờ Kinh Mân Côi, ngài gia nhập Dòng Ba Đa-minh và xây một đền thờ biệt kính Kinh Mân Côi, đó là Đền Thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, Ý. Thánh GH Gioan Phaolô II, ĐGH Benedict XVI, và ĐGH Phanxicô cũng đã đến đó.
- KINH MÂN CÔI VỚI ĐỨC MẸ
Trong thế kỷ 19 và 20, Đức Mẹ hiện ra nhiều lần hơn các thế kỷ khác trong lịch sử Giáo Hội. Nhiều lần hiện ra đã được sự chuẩn nhận của giám mục địa phương hoặc Tòa Thánh. Khi nghiên cứu các lần hiện ra, có thể không nghi ngờ rằng một trong cách chủ đề nổi bật nhất trong các lần Đức Mẹ hiện ra là Kinh Mân Côi.
Bắt đầu tại Lộ Đức (Pháp, 1858), Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette Soubirous, tay cầm Chuỗi Mân Côi – và còn cầu nguyện với Thánh Bernadette, Nữ Vương Thiên Đàng nhiều lần hiện ra trên khắp thế giới và liên quan Chuỗi Mân Côi: Tại Fátima (Bồ Đào Nha, 1917), tại Beauraing (Bỉ, 1932-1933), tại Banneux (Bỉ, 1933), tại Akita (Nhật, 1973), tại Cuapa (Nicaragua, 1980), tại Kibeho (Rwanda, 1981-1989), và tại San Nicolas (Argentina, 1983-1990). Tháng 12-2014, Chúa Giêsu đã hiện ra với ĐGM Oliver Doeme tại Nigeria và trao cho ngài một thanh gươm bất ngờ biến thành Chuỗi Mân Côi. Chính Chúa Giêsu đã nói với ngài rằng Lưỡi Gươm Mân Côi dùng để đánh bại quân Hồi giáo. Nước Trời đang nói với chúng ta về điều gì đó!
- KINH MÂN CÔI VÀ NHÀ VÔ ĐỊCH
Tôi tớ Chúa Frank Duff – vị sáng lập Đạo Binh Đức Mẹ – đã từng thắc mắc rằng không biết có vị thánh nào từ thế kỷ 13 mà không cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi hay không. Chắc chắn rằng Kinh Mân Côi đã được đề cập nhiều nhất khi nói về lòng sùng kính Đức Mẹ. Không thể liệt kê danh sách các vị thánh sùng kính Đức Mẹ qua Kinh Mân Côi. Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói: “Không thể kể hết tên các vị thánh đã nhận thấy Kinh Mân Côi là con đường nên thánh” [3]. Nhiều người quen với với các nhà vô địch trứ danh của Kinh Mân Côi như Thánh Đa-minh, Thánh Louis de Montfort, và Thánh Padre Pio, và còn rất nhiều nữa…
Đây là một số trường hợp cụ thể: Chân phước Alan de le Roche đã hồi sinh Kinh Mân Côi sau đại dịch Black Death (Cái Chết Đen, xảy ra trong thời gian 1348–1350, được coi là ghê gớm nhất), đại dịch này đã giết chết 1/3 dân số Âu châu; thế kỷ 19, Đức Mẹ gọi Thánh Anthony Mary Claret là “Thánh Đa-minh mới”; ĐGH Leo XIII đã viết 11 tông thư về Kinh Mân Côi; Tôi tớ Chúa Joseph Kentenich đề cập Chuỗi Mân Côi là “khẩu súng máy tâm linh” và “bom nguyên tử ân sủng”; Thánh Maximilian Kolbe gọi Chuỗi Mân Côi là “lưỡi gươm”; Tôi tớ Chúa Patrick Peyton quy tụ hàng triệu người cùng đọc Kinh Mân Côi; và Bậc đáng kính HY Fulton J. Sheen thành lập Hội Mân Côi Thế Giới (World Mission Rosary). Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về các thánh và các giáo hoàng đề cao “gươm thần” của Đức Mẹ.
Lm DONALD CALLOWAY (MIC – Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
—–
[1] “Our Lady’s words to St. Dominic”, trích dẫn trong Augusta Theodosia Drane, OP, The History of St. Dominic: Founder of the Friars Preachers (London: Longmans, Green, and Co., 1891), trang 122.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 8, ban hành ngày 16-10-2002.