Tin Giáo hội Giáo huấn Chúng ta tha thứ bởi vì chúng ta đã được thứ tha

Chúng ta tha thứ bởi vì chúng ta đã được thứ tha

Bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha”, phần tiếp theo, của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 10/04/2019 tại quãng trường thánh Phêrô.

12. Xin Cha tha nợ chúng con

Anh chị em thân mến, sáng nay trời không được đẹp, nhưng dù sao cũng chúc anh chị em một ngày tươi đẹp.

Sau khi xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày, lời “Kinh Lạy Cha” bước vào trong phạm vi các mối tương quan của chúng ta với tha nhân. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cầu xin Cha : “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Như chúng ta cần lương thực thế nào, thì chúng ta cũng cần được tha thứ, và cần điều này mỗi ngày.

Trước hết, người Kitô hữu cầu xin Thiên Chúa tha thứ những khoản nợ của mình, tức là tội lỗi của mình, những điều xấu xa mình đã phạm. Đây là chân lý đầu tiên của mỗi lời cầu nguyện: ngay cả khi chúng ta là những người hoàn hảo, những người kitô hữu thánh thiện không bao giờ đi lệch khỏi cuộc sống tươi đẹp, chúng ta vẫn luôn là những người con mắc nợ mọi thứ với Cha. Thái độ nguy hiểm nhất của đời sống kitô hữu là gì? Là kiêu ngạo. Đó là thái độ của người khi đặt mình trước Chúa mà luôn nghĩ đến những toan tính đối với Chúa: Kiêu ngạo khiến người ấy tin rằng ở vị trí của mình, anh có tất cả mọi thứ. Giống như người Pharisiêu trong dụ ngôn, ở đền thờ ông nghĩ rằng ông đang cầu nguyện nhưng thực ra ông tự ca ngợi mình trước Chúa : “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác”. Và người cảm thấy mình hoàn hảo, phê phán người khác, là người kiêu ngạo. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, không ai cả. Trái lại, người thu thế, đứng ở cuối đền thờ, là người tội lỗi bị mọi người miệt thị, dừng lại ở cửa đền, ông cảm thấy mình không xứng đáng để bước vào nhưng đã tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu giải thích: “người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18,14), nghĩa là ông đã được tha thứ, được cứu độ. Tại sao vậy? Bởi vì ông không kiêu ngạo, vì ông nhận ra được những giới hạn và tội lỗi của mình.

Có những tội người ta nhìn thấy được và những tội không nhìn thấy được. Có những tội rõ ràng gây ra tiếng ồn, nhưng cũng có những tội đầy quỷ quyệt, xây tổ trong lòng mà không hề nhận ra. Điều tồi tệ nhất trong những tội này là kiêu ngạo, nó có thể lây nhiễm sang cả những người sống một cuộc sống mộ đạo mãnh liệt. Ngày xưa, vào khoảng năm 1600-1700, ở một tu viện khá nổi tiếng, thời Jansenism [1] : các nữ tu là những người rất mực hoàn hảo và người ta nói họ là những người thuần khiết tựa thiên thần, nhưng lại kiêu ngạo như những con quỷ. Đó là điều xấu. Tội lỗi chia rẽ tình huynh đệ, khiến chúng ta tự cho mình tốt hơn người khác, làm chúng ta tin rằng chúng ta giống với Chúa.

Và trái lại, trước mặt Chúa, chúng ta là những tội nhân và chúng ta có lý để đấm ngực – giống như người thu thế trong đền thờ. Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết : “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1, 8). Nếu bạn muốn tự lừa dối mình, hãy nói rằng mình không có tội: như thế bạn đang tự lừa dối chính mình.

Hơn bao giờ hết, chúng ta là những con nợ. Bởi vì trong cuộc sống này chúng ta đã nhận được rất nhiều: sự sống, cha mẹ và bạn hữu, những điều kỳ diệu của việc tạo thành…. Ngay cả khi chúng ta trải qua những ngày khó khăn, chúng ta phải luôn nhớ rằng cuộc sống là ơn sủng, là phép lạ mà Thiên Chúa đã rút ra từ hư không.

Điểm thứ hai, chúng ta mắc nợ bởi vì, khi chúng ta thành công trong tình yêu, không ai trong chúng ta có thể làm điều đó bằng chính sức lực của mình. Tình yêu đích thực là khi chúng ta có thể yêu, nhưng với ân sủng của Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta tự tỏa chiếu ánh sáng của riêng mình. Có một điều mà các nhà thần học cổ đại gọi là “mysterium lunae” – [mầu nhiệm của mặt trăng] không chỉ nằm trong căn tính của Giáo hội, mà còn trong lịch sử của mỗi người chúng ta. Ý nghĩa của từ “mysterium lunae” là gì? Nó giống như mặt trăng, không có ánh sáng của riêng nó: nó phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Cũng vậy, chúng ta không có ánh sáng của riêng mình: ánh sáng chúng ta có là sự phản chiếu ân sủng của Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa. Nếu bạn yêu là bởi vì có ai đó, bên ngoài bạn, đã mỉm cười với bạn khi bạn còn là một đứa trẻ, dạy cho bạn đáp lại bằng nụ cười. Nếu bạn yêu là bởi vì có ai đó bên cạnh bạn đã đánh thức bạn để yêu thương, khiến bạn hiểu ý nghĩa của sự sống tồn tại trong đó như thế nào.

Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe câu chuyện của những người sai lỗi: tù nhân, người bị kết án, người nghiện ma túy … chúng ta biết có rất nhiều người mắc sai lầm trong cuộc sống. Không kể đến trách nhiệm, vốn luôn mang tính riêng tư, đôi khi bạn tự hỏi ai là người bị kết tội vì những lỗi lầm của những người này, phải chăng chỉ là lương tâm của anh ta, hay câu chuyện về sự thù hận và bỏ rơi mà người đó mang phía sau.

Và đây là mầu nhiệm của mặt trăng: trước hết chúng ta yêu vì chúng ta được yêu, chúng ta tha thứ vì chúng ta được tha thứ. Và nếu có ai đó không được ánh mặt trời chiếu sáng, người đó sẽ trở nên băng giá như trái đất mùa đông.

Làm sao chúng ta không nhận ra sự hiện diện quan phòng của tình yêu Thiên Chúa trong chuỗi tình yêu có trước chúng ta? Không ai trong chúng ta yêu Chúa như Ngài đã yêu chúng ta. Chỉ cần đứng trước thánh giá đủ để hiểu được điều không cân xứng ấy : Thiên Chúa đã yêu chúng ta và luôn yêu chúng ta trước.

Cho nên, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, ngay cả người thánh thiện nhất trong chúng con mãi mãi là con nợ của Chúa. Lạy Cha, xin thương xót tất cả chúng con!

——
[1] ND: Jansenism là tên của Giám mục Jansen di Ypres (+ 1638). Đó cũng là tên của học thuyết phổ biến vào thế kỷ XVII và XVIII, tại Pháp, Hòa lan, Bỉ, Italia và Đức. Học thuyết này có các nét chính sau đây: chống lại triết học, các giáo lý chỉ dựa vào thế giá của Kinh thánh, các Giáo phụ và do khoa thần bí của tâm hồn, chủ trương lối sống luân lý nhiệm nhặt, chống lại việc sống tháo thứ, tự do, bênh vực quyền lợi của các giám mục (theo nghĩa gallicanesimo bên Pháp). Học thuyết này bị Giáo hội lên án: giáo lý về ơn thánh: ơn thánh được ban cho Ađam, các nhân đức của dân ngoại chỉ là tật xấu, con người bị lệ thuộc vào khuynh hướng phạm tội, cả khi ở trong tình trạng ơn thánh. Vì thế họ phạm tội, cho dù không tự do hành động. Chúa Giêsu chỉ chết cho những người được chọn, còn số đông bị phạt. Học thuyết này bị lên án năm 1653 (xc. DS 2001 – 2007. 2012. 2020) theo 5 luận đề trong sách Augustinus của ông Jansen. Năm 1715 bị lên án lại với sắc chỉ Unigenitus. Giáo hội Giansenista tách rời khỏi Giáo hội công giáo năm 1723, tức là Giáo hội tại Utrecht (Hòa lan)

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

1

 

Exit mobile version