Chúng ta sẽ chuẩn bị những gì ? (Chúa Nhật I Mùa Vọng_A)

51

Đối với những người làm nông nghiệp, thì mỗi khi bước vào mùa lúa, họ phải chuẩn bị ráo riết từ khâu làm cỏ đốt rạ, làm đất cày bừa, nhưng việc quan trọng hơn cả là phải chuẩn bị những giống lúa tốt, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Cũng vậy, đối với những người làm nghề cá, thì sau mùa mưa bão cũng là lúc ngư dân bắt đầu một mùa ra khơi đánh bắt. Họ chuẩn bị không chỉ là thuyền, lưới, mà còn phải chuẩn bị và kêu gọi các bạn thuyền đồng tâm hiệp ý để cùng ra khơi, vì không ai có thể đi biển một mình.

Thưa quý ông bà anh chị em, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào một Mùa Vọng mới, mùa chúng ta đợi chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng quan trọng hơn đó là mùa Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ đến việc Chúa sẽ trở lại với mỗi người và chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức và sẵn sàng, chờ đợi giờ quan trọng ấy. Riêng đối với Giáo hội Việt Nam hôm nay, chúng ta cùng nhau bắt đầu một mùa mới, đó là mùa của sứ vụ lên đường loan báo Tin Mừng, mùa gặt mới, mùa ra khơi đánh bắt cá mới.

Đây là mùa của hy vọng và vui mừng, như nhà nông mừng vui sau mùa gặt trĩu hạt, như người ngư phủ vui mừng sau chuyến đi biển bằng an và thành công. Hơn thế nữa, tiên tri Isai còn cho thấy đây là mùa hân hoan vui mừng vì mọi người sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa như con cái ở nhà đợi cha mẹ đi xa trở về, như lữ khách tha hương được về xum họp trong một bữa tiệc gia đình rộn rã tiếng đàn ca. Isaia đã dùng một khung cảnh đầy hình ảnh và âm thanh để diễn tả niềm vui đó: Ngày ấy, núi nhà Đức Chúa sẽ kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi, dâu dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop. Tiên tri còn cho thấy lúc đó, Thiên Chúa sẽ là trọng tài giữa các quốc gia, là cha của mọi dân tộc, Ngài sẽ đem hòa bình đến cho muôn dân muôn nước, người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, họ không còn vung kiếm đánh nhau, thiên hạ sẽ được hưởng một thời thái bình.

Tuy nhiên, để có thể chung hưởng niềm vui và hạnh phúc của một thời đại mới như thế, thì đòi phải có nhũng con người mới, biết chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đời của mình và nắm bắt đúng cơ hội và thời điểm Chúa ban. Vì ngày Thiên Chúa trở lại đón chúng ta đi, sẽ là một ngày đầy bất ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Do đó, chúng ta phải sẵn sàng để nhận ra dấu chỉ của ngày Chúa đến. Câu chuyện trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy, những người ngày xưa, họ đã bỏ lỡ cơ hội, họ lo chuyện vui chơi, ăn uống say sưa và thỏa mãn cho cuộc sống, mà không nhận ra sự chuẩn bị sẵn sàng của ông Noe và gia đình. Khi ông và con cháu tất bật lo chuẩn bị đóng tàu, thì dân chúng lại lo ăn chơi sa đà, nhậu nhẹt. Chỉ đến khi lụt hồng thủy xảy đến, họ mới thấy là ông Noe và con cháu ông có lý ; lúc bấy giờ, mọi người bị cuốn trôi hết, chỉ có gia đình ông Noe là được cứu sống. Câu chuyện đó, Chúa Giêsu muốn nhắc cho chúng ta hãy nhận ra những dấu hiệu và hãy tỉnh thức sẵn sàng để nhận ra ngày của chúa. Vì chúng ta sẽ không biết ngày nào, do đó chỉ những ai tỉnh thức thì mới có thể gặp Chúa đúng hẹn mà thôi. Hãy tỉnh thức như người chủ nhà luôn cảnh giác đề phòng, không để kẻ trộm có thể đào ngạch, khoét vách nhà mình. Không ai biết được lúc nào kẻ trộm sẽ đến ; cũng vậy, Chúa sẽ đến với mỗi người vào một lúc nào đó, chúng ta không thể ngờ. Đừng để mình rơi vào tình trạng thụ động, mê ngủ, bất ngờ, vì nghĩ rằng chúng tôi còn trẻ, còn khỏe, chắc Chúa chưa đến.

Thánh Phaolô trong thư Rôma đã chỉ cho thấy thế nào là tỉnh và thế nào là ngủ mê, là bất ngờ. Trong thực tế, có những người dù vẫn thức, không ngủ, nhưng cũng không tỉnh, mà đang trong tình trạng lơ mơ mất ý thức. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Anh em phải biết là chúng ta đang sống trong thời nào, tức là trước hết, phải biết mình đang ở trong tình trạng nào ? Chính chúng ta là người biết rõ nhất về bản thân mình, tâm hồn mình hơn ai hết. Thánh Phaolô nói thêm : Đã đến lúc anh em phải thức dây, vì ngày cứu độ của Thiên Chúa đã đến gần hơn trước. Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Thánh nhân cho thấy thời hạn Thiên Chúa dành cho mỗi người không còn nhiều ; vì thế, mọi người không thể ngủ nướng nữa, không thể mãi lăn qua lăn lại cách ươn lười trong cuộc đời, mà phải nhanh chóng chỗi dậy, để loại bỏ bóng đêm và chuẩn bị đón nhận ánh sáng mới. Bóng đêm đem tối đó là những góc khuất, là những lộn xộn ngổn ngang trong cuộc sống, là những bận vướng giận hờn chưa tháo cởi, là những bất hòa bất đồng chưa giải gỡ, là những bất bình bất an chưa dàn xếp lại…, cần phải giũ bỏ tất cả những mảng tối đó để bắt đầu đón nhận ánh sáng mới của ngày mới, đó là ánh sáng tình yêu và ơn cứu độ.

Điểm thứ hai Thánh Phaolô nói mang tính tích cực chủ động hơn nữa, đó là phải cầm lấy vũ khí của sự sáng và chiến đấu với chính bản thân và những lôi kéo của xác thịt, của xã hội và phải ăn ở một cách ngay thẳng, thành thật như đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chời bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương. Đó là những kẻ thù thường xuyên lôi kéo chúng ta vào trong bóng đêm. Và điểm quan trọng hơn nữa đó là: hãy mặc lấy Chúa Giêsu-Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn dục vọng.

Thưa quý ông bà anh chị em, tất cả những căn dặn của Lời Chúa hôm nay, là những chỉ dẫn giúp chúng ta sống trong tình trạng tỉnh thức và biết nắm bắt thời điểm Chúa sẽ đến với mỗi người vào ngày cuối cùng, để luôn trong tư thế sãn sàng đón tiếp Người, vì không ai biết ngày nào sẽ là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Vì thế, ngay từ hôm nay, chúng ta phải chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng ấy.

Một Mùa Vọng nữa đã đến, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Giống như trước một chuyến ra khơi phải chuẩn bị mọi thứ cho cả đoàn, như ngày mùa phải chuẩn bị đất, chuẩn bị hạt giống, thì Các bậc cha mẹ cũng vậy, sẽ phải là những người chuẩn bị cho mình và cho mọi thành viên trong gia đình trong mùa vọng này. Hãy dọn dẹp tâm hồn khỏi cỏ rác bằng việc dẹp bỏ những bất hòa, bất đồng. Hãy chuẩn bị cho gia đình bằng đời sống đạo đức qua việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ, bằng chỉnh sửa những sai lầm. Hãy luôn nhận ra tiếng Chúa nơi các biến cố của gia đình, để biết kịp thời điều chỉnh đời sống đạo của bản thân, và điều chỉnh cảch giáo dục con cái. Hãy uốn nắn con cái bằng chính gương sáng và đời sống đạo đức của cha mẹ ; hãy đem Chúa đến gia đình mình qua các giờ kinh tối, qua việc lãnh nhận các bí tích, nhất là Bi Tich Giải tội và Thánh Thể. Khi có Chúa trong gia đình, Chúa sẽ phá tan những góc tối, góc khuất trong tâm hồn và trong gia đình. Hãy đem niềm vui hân hoan và tâm tình cầu nguyện tạ ơn vào các bữa cơm gia đình, nơi đó mọi người sống tình huynh đệ, chia sẻ và biết ơn nhau. Sau cùng, hãy đan tình yêu trong gia đình cho thật bền, thật chắc, vì tấm lưới ấy có thể cứu cả con cái và gia đình khỏi những cơn sóng ngày hôm nay.

Các bạn trẻ đừng chỉ chuẩn bị mùa vọng bằng kế hoạch vui chơi trong đêm Giáng Sinh, mà hãy dám cày xới lại tâm hồn của mình bằng những phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, để can đảm tiêu diệt những mầm cỏ dại là những thói xấu là sự lười biếng đang đan xen trong đời sống. Hãy học biết tìm hiểu nhiều hơn về Đức Giêsu qua việc đọc và suy gẫm Tin Mừng và đón nhận Ngài, để Chúa Giêsu sẽ trở thành người bạn và người dẫn đường cho chúng ta.

Lối sống hướng ngoại hời hợt đang đẩy nhiều bạn trẻ xa bầu khí gia đình, trong mùa vọng này, các bạn hãy quay lại với bầu khí của gia đình, đừng lên kế hoạch cho riêng mình mà hãy có kế hoạch làm một việc gì đó cụ thể và tạo nên niềm vui Giáng Sinh cho cả gia đình, vì chỉ ở nơi gia đình chúng ta mới có thể cảm nhận được sự ấm áp và thánh thiêng của đêm Giáng sinh mà thôi. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Giáo phận Xuân Lộc