Chúng ta là những người của lễ Phục sinh

57

Chúa Nhật, 30-11-1986, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở mọi người ở Úc về mối phúc lớn lao mà tất cả các Kitô hữu đều chia sẻ và cách họ nên mang nó với niềm vui: “Đừng bỏ mặc mình trong tuyệt vọng. Chúng ta là những người của Đại Lễ Phục Sinh và bài ca Alleluia.” Chữ “bỏ mặc” có ý nghĩa đặc biệt, vì nó xuất hiện trong vở kịch của Dante khi ông đặt dòng chữ này ở cổng địa ngục: “Hãy bỏ hy vọng mà vào đây.” Vì lý do chính đáng, tiểu sử chính xác mà George Weigel đã viết về Thánh GH Gioan Phaolô II với tựa đề Nhân Chứng Hy Vọng.

Do đó, Thánh Gioan Phaolô II đã vạch rõ ranh giới ngăn cách Thiên Đàng với Hỏa Ngục. Nếu chúng ta không có hy vọng thì chúng ta ở trong Hỏa Ngục rồi. Sự Phục Sinh củng cố niềm hy vọng của chúng ta và mở đường cho cuộc hành trình của chúng ta lên Thiên Đàng. Hơn ba thập niên đã trôi qua kể từ khi Thánh Gioan Phaolô II nói những lời này, tuy nhiên, giống như hầu hết những gì ngài đã tuyên bố, chúng giống như chính Lễ Phục Sinh, không bị giới hạn vào thời gian. Đồng thời, những lời của ngài có thêm ý nghĩa vào năm 2022, khi gánh nặng đặt lên vai các giám mục Công giáo rất nặng nề. Trong cuốn “Rise, Let Us Be On Our Way,” được xuất bản một năm trước khi qua đời năm 2005, ngài đã kêu gọi các giám mục: “Chúa và Thầy của chúng ta nói: ‘Trỗi dậy đi, đừng sợ!’ (Mt 17:7), tôi cũng nói với mỗi người trong chư huynh, những anh em giám mục thân mến: ‘Hãy trỗi dậy và đi trên con đường của mình! Chúng ta hãy ra đi đầy tin cậy nơi Đức Kitô. Ngài sẽ đồng hành với chúng ta khi chúng ta tiến tới mục đích mà chỉ có Ngài biết’.”

Vấn đề sự sống được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khi các lực lượng ủng hộ và chống lại sự sống đang chuẩn bị cho một trận chiến quan trọng. Lễ Phục Sinh nhấn mạnh ý nghĩa cơ bản của cuộc sống. Sự nhấn mạnh này đã truyền sang thế giới thế tục dưới hình thức trứng Phục Sinh, hoa loa kèn, cuộc diễu hành lễ Phục Sinh, và hình mẫu về khả năng sinh sản – con thỏ. Một câu chuyện của Đức hồi thế kỷ 17 kể về chú thỏ Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho trẻ em bằng cách mang cho chúng trứng, kẹo và bánh ngọt. Một số thanh niên đã chuẩn bị những chiếc tổ nhỏ để tiếp đón vị khách đến thăm họ dịp lễ Phục Sinh.

Truyền thống làm trứng Phục Sinh được trang trí của người Ba Lan đã có tuổi đời xấp xỉ ngàn năm. Các ví dụ nổi bật nhất của những quả trứng sơn màu này được trưng bày trong các viện bảo tàng hoặc được tổ chức bởi các nhà sưu tập tư nhân. Tất nhiên, quả trứng tượng trưng cho sự sống trong giai đoạn đầu của nó, và chứng tỏ tầm quan trọng của sự sống khi còn ở dạng sơ khai. Mặc dù quả trứng đã nhận được tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống Ba Lan, nhưng nó vẫn được mọi người công nhận là biểu tượng của sự sống, khả năng sinh sản, sự sáng tạo và sự sống lại.

Với tư cách là “những người của Lễ Phục Sinh,” ngày lễ trọng nhất trong lịch Công giáo, chúng ta nên hợp nhất việc cử hành Sự Phục Sinh của Chúa Kitô với sự trân trọng của chúng ta đối với cuộc sống dưới mọi hình thức. Mary McClusky làm việc với tổ chức bảo vệ sự sống của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ. Cô viết: “Hãy tưởng tượng một phụ nữ phá thai khi nhìn những đứa trẻ vui đùa trên bãi cỏ trong cuộc vui đi tìm trứng Phục Sinh. Cô ấy có thể âm thầm đau xót cho đứa trẻ mà cô ấy sẽ không bao giờ bế trên tay. Cô ấy tập trung vào ngôi mộ, không tập trung vào chiến thắng của Chúa Giêsu đối với tội lỗi và sự chết cũng như niềm vui của Sự Phục Sinh.” Cho dù sau khi chết hay tại nguồn gốc của nó, sự sống đều cần được tôn vinh và trân trọng. Người ta không thể cử hành Lễ Phục Sinh một cách đúng đắn nếu không cử hành tầm quan trọng cơ bản của mọi hình thức sự sống của con người.

Lễ Phục Sinh kỷ niệm chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết và mở cửa Thiên Đàng, nhưng đó cũng là sự khích lệ cho tất cả các giám mục: “Hãy trỗi dậy và đi trên con đường của mình,” để tất cả mọi người vui mừng với món quà của sự sống mà Chúa đã hào phóng ban cho chúng ta.

Tiến Sĩ DONALD DEMARCO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)