Chúng ta học được gì nơi sự im lặng của Thánh Giuse

58
Có một sự thật mà chúng ta cần biết đó là các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêu, Marcô, Luca) đều lấy Chúa Kitô làm trung tâm, nghĩa là chúng được viết với mục đích loan báo Chúa Giêsu đến, chịu chết và sống lại. Mọi thứ xảy ra trong các bản văn Tin mừng như “bức phông” bổ sung cho hành động của Chúa Kitô. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi thánh Gioan Tẩy giả nói: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).
Theo nghĩa này chúng ta có thể nói rằng Thánh Giuse hoàn toàn im lặng. Chúng ta không tìm thấy lời nào của ngài trong Tin mừng.
Vậy thì, chúng ta có thể học được gì nơi một con người không hề nói dù là nửa lời?
Thật vậy, khi im lặng, chúng ta mở ra khả năng tự lắng nghe và suy tư. Và trong cuộc sống đầy hối hả, thật đáng tiếc, chúng ta không có nhiều thời gian dành cho điều này?
Do đó, việc dành thời gian để thinh lặng và học hỏi từ Thánh Giuse thật quan trọng, bởi nó hướng dẫn chúng ta sống Mùa chay thánh này cách tích cực hơn, mùa mà Giáo hội đề nghị chúng ta thay đổi cuộc sống mình.
Khởi đầu Mùa chay với Thứ Tư Lễ tro, qua Tin mừng Matthêu (Mt 6,1-6; 16-18), Giáo hội mời gọi chúng ta sống : bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Thế nhưng những lời mời gọi trên có liên quan gì đến các nhân đức của Thánh Giuse?
Bố thí là một hành động tử tế. Ta có thể nhận ra chính Chúa Giêsu nơi người nghèo “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Hơn bao giờ hết, đó là một hành động bác ái.
Thánh Giuse đã bố thí được gì? Đó là cuộc sống của chính ngài. Thánh Giuse hoàn toàn hiến mình cho Đức Maria và Chúa Giêsu.
Đức tin cần thiết cho việc cầu nguyện, “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Đó là làm điều đúng đắn, luôn đi theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì người công chính là người dâng cho Chúa những gì xứng đáng, chu toàn giới luật và thánh ý Chúa. Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta rằng “lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16). Thánh Giuse là người sống mật thiết với Chúa đến độ được các thiên thần hiện ra trong giấc mơ (Mt 1,20) khi ngài đang suy nghĩ về việc Đức Mẹ mang thai. Bạn thấy đó, ngài chỉ đang suy nghĩ, không hề phán xét. Vì vậy, ngài là người công chính trong đức tin và cầu nguyện.
Để chay tịnh cần phải mạnh mẽ, cần có khả năng đứng vững trước những khó khăn. Thực ra mà nói: kiêng khem không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thân xác luôn than phiền vì đói. Đây là lý do tại sao cần phải thận trọng, cần có khả năng chọn lựa điều tốt và quyết định điều tốt trong mọi hoàn cảnh. Điều đáng lưu ý đó là không chỉ kiêng khem thức ăn, thức uống mà còn liên quan đến các hành động như miệng lưỡi, vì “cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,7-8). Nhờ sự thận trọng mà Thánh Giuse đã không phỉ nhục Đức Maria. Ngài giữ mình để không bị lay chuyển, không nghi ngờ nhưng hoàn toàn tin tưởng.
Thánh Giuse và Mùa Chay
Mùa Chay này, tôi mời anh chị em suy niệm những mầu nhiệm về cuộc đời của Thánh Giuse thầm lặng, cha nuôi của Chúa Giêsu và của chúng ta, qua tông thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thánh Giuse: người cha yêu thương, dịu dàng, vâng phục, chấp nhận và là người cha bóng tối.
1. Thánh Giuse là một người cha yêu thương. Sự vĩ đại của Thánh Giuse ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu […] Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế. Thánh Giuse dùng quyền hạn hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho các ngài trong cuộc sống và công việc của mình. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của ngài”.
2. Thánh Giuse một người cha dịu dàng và yêu thương. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa […] Ý Chúa, lịch sử và kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, ngay cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giuse. Vì thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn.
3. Thánh Giuse một người cha vâng phục. Như đã làm với Đức Maria, Thiên Chúa đã mạc khải kế hoạch cứu độ của Ngài cho Thánh Giuse […] Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “fiat” của chính mình, cũng như khi Đức Maria được sứ thần truyền tin và như Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.
Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để trực tiếp phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc thực thi chức vụ làm cha” và như thế, “khi thời gian viên mãn, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ cao cả và thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu độ”.
4. Thánh Giuse một người cha chấp nhận. Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. […]
Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Chỉ khi nào biết chấp nhận và giao hoà như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một lịch sử bao quát hơn, một ý nghĩa sâu sắc hơn. […] Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, và quan tâm đặc biệt đến những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1 Cr 1,27).
5. Thánh Giuse một người cha làm việc. Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình.
Việc làm là một phương tiện để tham dự vào công trình cứu chuộc, một cơ hội để làm cho Nước Trời mau đến, để phát triển tài năng và khả năng của chúng ta, và để phục vụ xã hội và tình hiệp thông huynh đệ. Nó trở thành cơ hội để hoàn thiện không chỉ bản thân mình, mà cả tế bào căn bản của xã hội là gia đình. Một gia đình không có việc làm đặc biệt dễ gặp khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí tan vỡ. Làm sao chúng ta có thể nói về phẩm giá con người mà lại không hành động để bảo đảm cho ai cũng có thể kiếm được một cuộc sống tử tế?
6. Thánh Giuse một người cha trong bóng tối. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình.
Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy.
Mỗi khi thi hành thiên chức làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng thiên chức ấy không liên quan gì đến sự chiếm hữu, mà là một “dấu chỉ” hướng đến một tình phụ tử lớn hơn. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống như Thánh Giuse: là cái bóng của Cha trên trời, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45).
G. Võ Tá Hoàng