Kinh Thánh cho biết sự kiện Chúa giáng sinh bao gồm nhiều mối liên quan lịch sử, nhiều vị trí và các tục lệ mà chúng ta biết về thời đó.
Hằng năm, vào dịp Giáng Sinh, các tín hữu phải bằng lòng với những người hoài nghi. Có lẽ vì Lễ Giáng Sinh đã bị tục hóa nhiều ở Tây phương (hoặc có thể vì người ta kết hợp Lễ Giáng Sinh với truyền thuyết Ông Già Tuyết), nhiều người coi Lễ Giáng Sinh giống như câu chuyện cổ tích vậy. Cuối cùng, nếu không có niềm tin thì khó có thể chấp nhận chuyện các mục đồng thấy các thiên thần, các đạo sĩ đến từ phương xa và thăm viếng Hài Nhi và việc sinh con mà người mẹ còn đồng trinh.
Nhiều người có thể viết Phúc Âm về cuộc giáng sinh của Chúa, nhưng họ không thể nhận biết rằng có hai bản văn sớm nhất kể lại việc giáng sinh của Đức Kitô được viết ra với nguồn gốc đáng tin cậy. Thánh Mátthêu trải qua những năm theo Đức Kitô và có lợi ích từ những câu chuyện được kể lần đầu tiên, và Thánh Luca là sử gia đã cẩn thận điều tra theo yêu cầu của các tông đồ bằng cách nói với những người đã chứng kiến các sự kiện đó.
Câu chuyện Chúa giáng sinh khả tín, chúng ta có thể kiểm tra các mối liên quan, cùng với chứng cớ khảo cổ ở các vùng liên quan sự kiện Chúa Giêsu giáng sinh.
- NADARET HIỆN HỮU
Một dạng tranh luận chung về việc Chúa giáng sinh cho rằng không có Nadaret hồi thế kỷ I như Kinh Thánh mô tả. Đây là chủ đề trong cuốn “The Myth of Nazareth, The Invented Town of Jesus” của René Salm. Và ông thẳng thắn công nhận rằng có rất ít chứng cớ khảo cổ về Nadaret thế kỷ I khi cuốn sách này được viết.
Tuy nhiên, các cuộc khảo cổ mới đây đã xác nhận những gì Kinh Thánh cho biết, hiện nay chúng ta có rất nhiều chứng cớ cho thấy sự hiện diện của người Do Thái tại Nadaret hồi thế kỷ I. Các cuộc khai quật khảo cổ đã tìm được những kho và hầm chứa từ thời Chúa Giêsu, có cả nhà có sân với những cửa ra vào và cửa sổ vẫn nguyên vẹn. Nhà khảo cổ Windle nói rằng TS Ken Dark, trưởng đoàn khảo cổ, đã đưa ra các chứng cớ đáng tin cậy về Kitô giáo thời sơ khai, cho thấy rằng có thể là ngôi nhà của Chúa Giêsu.
- CUỘC ĐIỀU TRA DÂN SỐ Ở BELEM
Trong Lc 2:1-4, Xê-da Au-gút-tô ra lệnh kiểm tra dân số toàn quốc lần đầu tiên, trong khi Qui-ri-ni-ô là tổng trấn Sy-ri-a. Có hai điểm được tranh luận: Không có cuộc kiểm tra dân số vào thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh (ngay trước khi vua Hê-rô-đê băng hà), và Qui-ri-ni-ô không là tổng trấn vùng Sy-ri-a vào lúc đó.
Vấn đề này rất có thể là lỗi sao chép của Josephus, người ghi chép sử biên niên Rôma – Do Thái, sau đó lan truyền bằng bản viết tay, cho rằng Hê-rô-đê chết năm 4 trước công nguyên. Khảo cứu mới đây về các bản chép tay của Josephus tại British Library và Library of Congress, cả 29 bản đều ghi niên đại trước năm 1544 và vua Hêrôđê băng hà năm 1 trước công nguyên.
TS Andrew Steinmann, GS Thần học và Tiếng Do Thái tại ĐH Concordia University Chicago, đã tìm hiểu cái chết của Hê-rô-đê và thấy có nguyệt thực toàn phần vào ngày 10 tháng 1 năm 1 trước công nguyên và Chúa Giêsu giáng sinh vào khoảng năm 3 tới năm 2 trước công nguyên. Các tài liệu Rôma khác cho thấy rằng Qui-ri-ni-ô thực sự là tổng trấn Giu-đê trong thời gian kiểm tra dân số năm 3 trước công nguyên.
- CHÚA GIÊSU SINH RA Ở CHUỒNG SÚC VẬT
Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh là nơi hành hương trong Mùa Giáng Sinh. Được xây dựng trên một cái hang vào năm 326 sau công nguyên, nhiều người tin đó là nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh trong một chuồng súc vật. Tuy nhiên, Phúc Âm không nói Chúa Giêsu giáng sinh nơi chuồng súc vật.
Thánh Luca chỉ nói rằng Chúa Giêsu được đặt trong máng cỏ vì không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2:7). Khi nghe nói “máng cỏ”, người ta nghĩ ngay tới chuồng súc vật, nhưng nhiều nhà vào thời đó có máng cỏ ở trong nhà. Người ta phát hiện máng cỏ bằng đá ở trong những nhà hồi thế kỷ I dành cho súc vật để hiến tế.
Hơn nữa, nhà khảo cổ Gary Byers nói rằng từ ngữ mà Thánh Luca sử dụng để chỉ “phòng trọ” là “kataluma” (phòng khách) của tiếng Hy Lạp. Từ ngữ này chỉ được dùng ở một chỗ khác trong Tân Ước, đó là lúc nói về Bữa Tiệc Ly. Nếu Thánh Luca muốn nói họ ở trong nhà trọ, hẳn là ngài đã dùng chữ “pandocheion”, như đã dùng trong câu chuyện về người Samari nhân lành, và người này đã đưa nạn nhân tới “quán trọ”.
Thời Chúa Giêsu, các gia đình thường có một phòng dành cho khách, và khi có cuộc kiểm tra dân số thời đó, có lẽ hợp lý là nhiều gia đình đã phải tới vùng đó, đó là lý do không còn phòng cho Thánh Gia. Có thể là Đức Maria và Đức Thánh Giuse trú ở khu nhà có chuồng súc vật, vì các phòng dành cho khách trọ đã có người rồi.
- CUỘC THĂM VIẾNG CỦA CÁC MỤC ĐỒNG
Phía Bắc Belem có một nơi gọi là Migdal Eder, nghĩa là “tháp của đàn súc vật”. Vị trí chính xác đã mất dấu, đây là nơi chắc chắn các mục đồng chăn đàn súc vật để làm hiến lễ tại Đền Thờ. Mk 4:8 có đề cập vị trí này là “Tháp của Đàn Chiên”, chỉ vài dòng trước khi ông nói tiên tri về sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế tại Belem.
Dĩ nhiên, không có gì cho biết đó là nơi trú ngụ của các mục đồng đã đến gặp Hài Nhi Giêsu. Có thể có các mục đồng chăn chiên vào đêm Chúa Giêsu giáng sinh. Có vẻ phù hợp với việc thiên thần gặp họ và báo tin cho họ về Con Thiên Chúa.
- DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ
Lc 2:22 cho biết: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Câu chuyện về việc dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ cho chúng ta biết hai điều về Thánh Gia. Thứ nhất, Thánh Gia sùng đạo và nghiêm túc giữ luật. Thứ nhì, Thánh Gia nghèo lắm, vì Lv 12:6 cho biết: “Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội”. Nhà nghèo mới dùng chim, bởi vì chỉ được dùng chim nếu không có chiên.
- CUỘC THĂM VIẾNG CỦA CÁC ĐẠO SĨ
Không ai biết các đạo sĩ hoặc những người khôn ngoan đó là ai. Thánh Mátthêu mô tả họ bằng danh từ “magoi”, số nhiều của “magos” hoặc “magus”. Tự Điển Hy Ngữ của Thayer định nghĩa: “Magus là tên mà dân Babylon, dân Medes, dân Ba Tư, và các dân khác… dùng để gọi những người khôn ngoan, thầy giáo, tư tế, thầy thuốc, chiêm tinh gia, nhà tiên tri, nhà giải mộng, thầy bói, pháp sư, phù thủy,…”. Các đạo sĩ tới viếng thăm Chúa Giêsu hẳn là đã nghiên cứu Kinh Thánh Do Thái, vì họ nhận biết các dấu hiệu về một số lời tiên tri. Chẳng hạn:
– “Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (Ds 24:17).
– “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5:1).
Khác với cách mô tả phổ thông, các đạo sĩ không đến đó để thờ lạy Hài Nhi Giêsu vào ngay đêm Chúa giáng sinh. Thánh Mátthêu dùng chữ “paidion” của tiếng Hy Lạp, nghĩa là “đứa trẻ” hoặc “đứa bé chập chững”, để mô tả Chúa Giêsu, chứ không dùng chữ “trẻ thơ”. Vua Hê-rô-đê giết các trẻ em từ hai tuổi trở xuống, quyết định như vậy vì ông ta điều tra thông tin về Hài Nhi Giêsu khi các đạo sĩ xuất hiện và hỏi về Vị Vua mới sinh, thế nên rất có thể lúc các đạo sĩ xuất hiện thì Chúa Giêsu đang chập chững đi.
Chúng ta cũng không chắc rằng có ba người. Các đạo sĩ thường được nhắc tới là có ba người vì họ mang theo ba lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.
Câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh có chứng cớ lịch sử xác thực. Khi không có mối liên quan nào chứng tỏ các sự kiện về Lễ Giáng Sinh đầu tiên, người ta thấy rằng chỉ có Kinh Thánh là nguồn đáng tin cậy. Phần còn lại tùy vào niềm tin của chúng ta, vì chính Đức Kitô đã nói: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18).
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)