GÓC SUY TƯ SUY TƯ Chùm chuyện ngắn Mùa Chay dâng Chúa

Chùm chuyện ngắn Mùa Chay dâng Chúa

Cầu nguyện

Sau thứ tư lễ tro, tin “hot” về Đức Thánh Cha vẫn phủ kín mạng truyền thông Công giáo. Nhiều người uyên bác, sâu sắc bộc lộ cảm xúc, nhận định sự việc. Riêng con, chỉ thích lời này: “…Sau nhiều lần tự vấn lương tâm tôi trước mặt Chúa…” của Đức Thánh Cha. Câu nói này khiến con tự hỏi có mấy ai đang ở trong quyền cao chức trọng mà tự vấn lương tâm của mình, mà từ bỏ quyền lực vì lợi ích chung? Câu nói này được bật lên chắc chắn là sau nhiều lần Đức Thánh Cha cầu nguyện.

Mùa này Giáo Hội ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Xin dạy từng người chúng con biết cầu nguyện cho Hội Thánh như thế nào ở thời điểm nhạy bén này.

Niềm tin

Con đi dâng lễ ngày Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, trong bài giảng, linh mục chủ tế kể một câu chuyện có nhiều tính ước lệ về sự biến đổi như sau: có một cây hoa hồng, vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Một ông chủ vườn chặt cây hoa hồng này đem về để ở trong căn bếp. Ngày ngày hoa hồng phải ngửi khói bốc ra từ bếp, nó than vãn rằng: “Ôi thân ta, vốn là chúa tể các loài hoa về vẻ đẹp, về hương thơm, thế mà ta ở trong góc bếp chật chội, tối tăm, nghèo nàn thế này ư? Ước gì, đúng rồi, ước gì ta thoát khỏi nơi này mà được đặt để vào nơi đúng với thân phận của ta!”

Một ngày, ông chủ nhà đem cây hoa hồng ra dóc hết gai, gọt đẽo, đục lỗ vào thân. Cây hoa hồng bị đau, nó gần như tuyệt vọng. Nhưng rồi sau giai đoạn được biến đổi, cây hoa hồng trở thành một cây sáo, có thể đem tiếng kêu thánh thót của mình vang ra thật xa cho mọi người nghe. Nó thấy mình hạnh phúc.

Linh mục kết luận: “Có những biến đổi khiến chúng ta oằn oại đau đớn, nhưng sau đó thì vinh quang từ sự biến đổi này”.
Con nghĩ rằng cốt lõi nằm trong quá trình biến đổi phải có niềm tin.

Chia sẻ trước Mùa Chay

Trước lễ tro năm ngày, chúng con đi chia sẻ quà Tết. Ngồi trên ghe, đi loanh quanh trên một lòng hồ rộng, ghé vào từng căn nhà trên sông để trao quà. Nắng dội trên đầu, hơi nước mát lạnh từ dưới lên. Bố mẹ của những đứa nhỏ hớn hở ra mặt khi nhận quà. Con không chú ý điều đó, chỉ thương những đứa nhỏ, diện tích căn nhà trên sông không đủ để chúng xoải bước chân, nô đùa cho no đủ tuổi thơ. Con phải “bố thí” cái gì cho chúng đây? Vì con không có tiền mua đất trên bờ!

Cả một vùng rộng đến mấy chục cây số mà không có nhà thờ. Thiên Chúa đối với người dân ở đây quả là xa lạ. Còn trẻ con thì cái ghe, mái chèo, làn nước và những quả xoài xanh trồng rất tốt ở vùng này thì quen thuộc với chúng hơn những điều khác.

Những bài giảng

Mùa chay, nhiều bài giảng sắc bén, chạm vào lòng người, đúng hơn là cứa vào lòng “tội nhân”.

Một linh mục trẻ giảng về con rắn. Con rắn làm người ta sợ, ghét, sẵn sàng đập chết vì nọc độc của nó làm chết người. Người ta đã biết chế biến nhiều nọc độc để chữa bệnh nhưng cũng có người chết vì chế biến không đúng. Cái ác, cái xấu từ trong con người cũng độc đến nỗi làm con người “tử vong thiêng liêng”, chỉ có sức mạnh của lòng nhân từ Chúa mới chế ngự được “nọc độc” trong con người và biến nó thành “dược phẩm” chữa trị tội nhân.

Một linh mục khác giảng tĩnh tâm tại một nhà thờ nhỏ giữa lòng thành phố Sài Gòn ồn ào. Cha giảng rằng người ta thường bị cám dỗ về ba thứ là tiền bạc, quyền hành, sự kiêu căng. Để chiến đấu lại thứ cám dỗ này, chúng ta cũng có ba thứ để chống lại, đó là chấp nhận nghèo khó, có thể chịu sỉ nhục và sống khiêm hạ.

Giữa cuộc sống văn minh, tiện nghi và đầy thực dụng này, con thấy ba điều đó quả là sự thử thách khó thực hiện.

Trong một bài giảng khác, linh mục đề cập đến hiện tượng “I don’t care”, một xã hội “sợ liên lụy”. Con thấy lòng bật lên một suy tư: “Ôi, thế giới đang mệt mỏi, không thiếu những tấm lòng nhân ái mà cũng thừa rất nhiều những trái tim hóa đá!”

Khó nghèo

Mùa chay, đến nhà dòng thăm một linh mục, chúng con ngạc nhiên về cách sống khó nghèo của quí “cha dòng” ở ngay vùng Sài Gòn. Có lẽ, từ giữa thế kỷ 21 này, quan niệm “sông khó nghèo” sẽ ở dạng khác mà không thay đổi ý nghĩa. Linh mục, tu sĩ phải được sống “đầy đủ” để có sức khỏe phục vụ, có đủ phương tiện để nắm bắt “truyền thông sạch”, bồi bổ tri thức… Mức sống cần và đủ là hợp lý, vật chất nào cũng chỉ là phương tiện, nhất là đối với những người đã trưởng thành trong tu đức, những người chọn Chúa làm gia nghiệp.

Một linh mục dòng Phanxicô nói với con: “Sống tinh thần khó nghèo không có nghĩa là sống không có gì mà là sống được tình liên đới”.

Chia sẻ trong Mùa Chay

Đi chia sẻ Mùa Chay vào ngày thứ bảy trong tuần, con rất hớn hở nhưng khi bước lên xe trong lòng cứ nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông. Con xin hai linh mục cầu nguyện cho chúng con được an toàn trên lộ trình.

Có một lần nọ, vì vội vàng và quá bận rộn, con không kịp xin quí cha cầu nguyện, chuyến đi đó suýt xảy ra tai nạn, con sợ hãi. Trong suy nghĩ đơn giản con cảm thấy có một chút mềm yếu khi cầu nguyện cho mình. Chúa cho ai cũng có 24 giờ và mưa nắng rải đều trên mái đầu mọi người, và Người hằng nghe thấy mọi lời nguyện cầu của chúng sinh nhưng sao con thấy có một sức mạnh đặc biệt trong lời cầu nguyện từ những linh mục của Chúa, dẫu linh mục đó là ai!

Quyển truyện tranh Kinh Thánh

Chia quà cho 100 em thiếu nhi ở vùng sâu Đồng Nai, cha xứ đề nghị cho các em bánh kẹo, con vẫn giữ lại sáng kiến của một linh mục, là cứ tặng kèm một quyển truyện tranh Kinh Thánh vào món quà của các em.

Ngày xưa còn nhỏ, nhờ bài học giáo lý ở nhà thờ, nhờ hình ảnh cụ thể, tranh trắng đen trong Sấm Truyền… dần dà chúng con hiểu, rồi tin, rồi yêu mến đạo Chúa từ trong cái nôi gia đình đến ngôi nhà thờ nhỏ bé. Khi lớn lên, xã hội thay đổi bất ngờ, cuộc sống bỗng gian nan khác thường, niềm tin giữa người với người chao đảo nhưng chúng con vượt qua được mạnh mẽ, chắc chắn là nhờ có một niềm tin từ tấm bé; hẳn là cũng có những dụng cụ trực quan của người có trách nhiệm khi muốn thông truyền niềm tin cho chúng con.

Mùa Chay hay Mùa Vui?

– Bác ơi, này bác ve chai ơi!
– Xe nặng rồi, tôi không mua thêm nữa đâu!
– Không ạ! Bác không nhận ra chúng cháu à?
– À, hai cô….
– Chúng cháu mang quà Mùa Chay đến tặng bác nè! Sao bác về sớm thế?
– Hì…về ăn cơm rồi đi chầu Thánh Thể.
– Thôi chúng cháu đi theo bác, mang luôn đến nhà cho bác đỡ mệt.
– Từ hôm lễ tro đến giờ, nhiều người cho quà lắm! Ca đoàn cho phong bì vài trăm ngàn. Hội Các Bà Mẹ cho đường sữa, hội “Thương Xót” cũng cho quà, nay các cô cho nữa.

Căn nhà vuông vức khoàng 3 x 3 mét trong con hẻm nhỏ, chen chúc, nghèo nàn. Nụ cười tươi trên khuôn mặt gầy quắt của bà mẹ đã hơn bảy mươi tuổi, nuôi đứa con gái tâm thần và nỗi sợ hãi của bà là mỗi lần anh con trai (bị vợ bỏ, vướng vào tệ nghiện hút) đòi bà cho tiền khi bà đi bán về. Có hôm bà chỉ còn vài ngàn để mua mì gói ăn.

Trước khi về một lời nói đùa bật ra:

– Mùa Chay nhiều người cho quà bác cũng đỡ khổ nhỉ? Hoan hô Mùa Chay!
– Thì cha bảo ăn chay, cầu nguyện, bố thí mà!
– Thôi chúng cháu về nhé! Ước gì tháng nào bác cũng nhiều quà như Mùa Chay!

Maria Vũ Loan

danchuausa.net

Exit mobile version