Chúc thư tình

Tâm tình Thứ Năm Tuần Thánh

Yêu là gì mà khiến người ta muốn ở bên nhau mãi mãi? Yêu là gì mà khi không thể ở với nhau người ta lại muốn để lại một dấu ấn khiến đối phương nghĩ về nhau luôn mãi? Yêu là gì mà khiến người ta cứ yêu dù biết yêu là đau khổ, là hy sinh là hiến dâng? Yêu là gì mà khiến cho người ta dám sống và chết vì người mình yêu?

Với tôi, tình yêu là tự do. Tự do để cho đi và tự do để nhận lãnh. Tôi cho người khác cái mình có và tôi nhận lại thì không hẳn là nhận được từ sự đáp trả của người khác nhưng là từ chính bản thân tôi. Tôi cho người khác một nụ cười thì chính tôi lại nhận được niềm vui và sự bình an trong tôi. Tôi trao cho người khác một cái nhìn cảm thông thì chính tôi lại nhận được sự cảm thông với chính bản thân mình.

Tình yêu thì không biên giới nên vì yêu các môn đệ mà Thầy Giêsu đã để lại cho các ông một “Chúc thư tình”, để các ông biết vị Thầy yêu dấu của các ông ở cùng các ông luôn mãi.

Trên đường chập chững bước theo Thầy Giêsu, tôi được đọc “Chúc thư tình” của Người. “Chúc thư tình” ấy được Người viết vào chiều thứ Năm trong bữa tiệc ly năm xưa. Trong “Chúc thư tình” ấy, Người cho tôi biết tôi “là người được yêu”, và tôi đã cảm nhận được điều này khi tiếng lòng tôi vang lên: Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn thuở; con là con gái yêu quý nhất của Ta. Cảm nếm trong tiếng lòng vang lên ấy, thật sự tôi thấy mình “là người được yêu”. Nếu tôi không phải là người được yêu thì tôi đã chẳng hiện diện trên cõi đời này. Tôi đã chẳng được tạo dựng từ hư vô, để trở thành một bào thai trong dạ mẹ đó sao. Tôi được chăm sóc, được quan tâm, dạy dỗ và nhất là một Đấng đã luôn ở bên tôi. Đấng ấy biết rõ tôi làm gì, nói gì, suy nghĩ gì. Đấng ấy đã cho tôi được hiện diện từ sự hư vô, Người là Cha trên trời. nếu tôi không phải là người được yêu thì tại sao Đấng quyền năng lại trở nên người phàm trong lòng một người nữ để đến bày tỏ tình yêu với tôi. Người đã đến với tôi, chịu đau khổ vì tôi, hy sinh vì tôi, chết cho tôi. Người là Đức Giêsu mà tôi hằng khao khát được thuộc về.

“Là người được yêu”, có lẽ tôi chỉ mới dừng lại ở chiều lãnh nhận. Bạn có nhận thấy mình “là người được yêu” không? Khi bạn được hiện diện và đón nhận tình yêu từ sự quan tâm, dù khác tôi ở hoàn cảnh hay thời điểm. Tôi tin rằng bạn và tôi, chúng ta “là người được yêu”. Nhưng mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận mình là người được yêu một cách rất riêng.

“Chúc thư tình” ấy đã khơi dậy và giúp tôi bước thêm một bước trong tình yêu: đó là khi tôi “được yêu người”. Khi tôi được yêu người thì cũng là lúc tôi nhận ra tôi được chọn và tách riêng ra. Điều này không có nghĩa là tôi bị loại trừ. Trong cảm nghiệm của Thánh Linh: “Ta sẽ quyến rũ nàng, đưa nàng vào sa mạc để cùng thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16), sa mạc hay đồi núi là nơi Thiên Chúa thổ lộ tâm tình, vì sự vắng vẻ và tĩnh mịch sẽ giúp tôi nghe rõ được tiếng Người. Ở đây, nơi ngọn đồi của Đam bri, và trong sa mạc của tâm hồn này, tôi lần dở “Chúc thư tình”, chúc thư cũng đã nói với tôi: khi “được yêu Người” tôi trở nên một người luôn biết bước ra, đi tới, bẻ ra và trao ban.

Người được yêu không ở lại trong con người của mình mà bước ra khỏi mình, khỏi cái tôi của riêng mình, bước ra khỏi vị trí của mình. Đức Giêsu đã bước ra khỏi vị trí của Thiên Chúa để đến với con người. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu rời bàn ăn để đến rửa chân cho các môn đệ trong sự khiêm tốn và phục vụ. Khi ở nơi đồi núi và trong sa mạc tình yêu, khi được yêu người, tôi được sống sự bước ra: bước ra từ một con người kiêu căng, để trở nên một người khiêm tốn và quảng đại dâng hiến; bước ra từ những vết thương để được tình yêu của Đức Giêsu chữa lành và lấp đầy bằng tình yêu của Người; bước ra từ những con sóng ồn ào trong cõi lòng thẳm sâu, để có một sự tĩnh lặng và bình an trong tâm hồn; bước ra từ một sự đổ vỡ trong tương quan của cuộc sống để hàn gắn, làm mới lại bằng một tương quan trong Đức Giêsu; bước ra từ một con người tội lỗi để trở nên con người biết ăn năn sám hối, sống tốt lành, thánh thiện.

Là người được yêu, bạn có muốn khám phá sự tròn đầy trong tình yêu không? Trái tim tôi đang mách bảo rằng: Đức Giêsu đã bước ra và đang chờ bạn, chờ tôi bước ra khỏi tất cả những gì cần bước ra từ chính con người và cuộc sống của mình. Bước ra để đi đến với người khác như Chúa Giêsu. “Chúc thư tình” đã cho tôi nhận thấy Chúa Giêsu đi đến với những người bên cạnh là các môn đệ, với tất cả mọi người, đi đến cùng Chúa Cha. “ Đi đến” không chỉ ở những người xa cách tôi về khoảng cách địa lí, mà có thể một người nào đó ở ngay bên cạnh tôi, trong cùng một mái nhà, người tôi luôn cảm thấy họ “thật xa”, người mà tôi ít nói chuyện với hoặc không nói chuyện bao giờ. Tôi muốn bước tới tương quan với họ.

Khi yêu Người, tôi sẽ chủ động đến với những người sống ngay bên cạnh tôi, đi đến với những người mà tôi không ưa, người làm tôi tổn thương, với những người khó khăn, thử thách, đau khổ. Khi yêu Người, tôi sẵn sàng đi đến tất cả những nơi cần phải đến, theo lời mời gọi của Thầy Giêsu dành cho tôi. Khi yêu Người, tôi được lớn lên trong tình yêu, tôi chấp nhận bẻ ra tấm bánh cuộc đời của mình cho người khác. Ngôn ngữ của từ “bẻ ra” trong tình yêu đó chính là sự hiến mình trong tình yêu. Hiến mình trong tình yêu là khi tôi nhận lấy sự thua thiệt về mình, để người khác được bảo đảm. Khi tôi chấp nhận một sự hiểu lầm, đau khổ do người khác gây ra; khi tôi chấp nhận lùi lại một bước để biển lặng sóng yên, khi tôi chấp nhận tha thứ để người khác có được sự thứ tha mặc dù họ là người có lỗi; tôi chấp nhận vất vả mệt nhọc hy sinh để người khác được an vui. Khi tôi hiến mình thì không có nghĩa là chịu sự mất mát, nhưng chính là lúc tôi cho đi là tôi được nhận lãnh; chính lúc chết đi là khi được sống (trích trong ca khúc Quảng đại Hiến dâng). Đó chính là lễ vật dâng Chúa và là món quà cho người khác.

Đã bước ra, đã đi đến, đã bẻ ra thì sao lại không “ trao ban”. Tôi chẳng tài giỏi, cũng chẳng làm được việc gì lớn lao. Tình yêu trong sự trao ban nhiều khi chẳng đòi hỏi tôi như thế. Trong cuộc sống, tôi trao ban một nụ cười với tình yêu dành cho người khác; một thái độ lắng nghe và sẻ chia với chị em; một sự quan tâm bằng những việc nhỏ bé như lấy một ly nước, quét một cái nhà, lau một cái bàn học giúp người khác. Tất cả được đặt trong tình yêu và trao ban bằng tình yêu. Tôi khám phá ra giá trị của sự trao ban không hệ tại ở những gì làm cho người khác, mà là tôi đã cho đi bao nhiêu ở trong đó.

Bà goá nghèo đã bỏ hai đồng xu vào thùng dâng cúng trong Đền thờ, và còn những người khác thì dâng rất nhiều tiền. Thế nhưng, Thầy Giêsu đã nói: bà goá này đã dâng nhiều hơn tất cả. Những gì bà dâng là cả cuộc sống, sự nghèo túng của bà. Thầy Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của mình trở thành những người nghèo của Tin Mừng. Ngài nêu gương cho họ về tình yêu phục vụ. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa tiệc ly và tha thứ cho người học trò phản bội. Tình yêu là thế đó. Những gì bạn có, tôi có là do Cha trên trời luôn yêu thương và ban cho chúng ta một cách nhưng không, chẳng đòi hỏi và cũng không mong được đáp đền.

Tự sức ta không thể yêu như Chúa muốn. Hãy ở với Giêsu, hãy học với Giêsu, hãy yêu như Giêsu, bạn sẽ hiểu được yêu là gì.

Maria Nguyễn Lan, Tập sinh MTG Thủ Đức

Exit mobile version