Năm nay là năm Giáp Ngọ, 120 năm trước (năm 1894) cũng là năm Giáp Ngọ. Dịp Xuân, tôi chợt nhớ tới bài “Chúc Tết”, một bài thơ Xuân nổi tiếng của cụ thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907), một “chuyên gia” trào lộng, nhưng cuộc đời lại quá đỗi lận đận, đời đen như mõm chó, như trong bài “Thi Hỏng”, ông đã than thở:
Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Có lẽ ít người không nghe nói tới ông. Tên thật của ông là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Ông sinh ngày 5-9-1870 (ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, TP Nam Định). Ông mất ngày 29-1-1907.
Cả trăm năm rồi, thân xác thi sĩ Tú Xương đã nát với cỏ cây, nhưng sự nghiệp văn chương của ông vẫn như một chàng trai căng tràn sức sống, như một cô gái xinh xắn tươi đẹp, bất chấp mọi thử thách thời gian. Người ta tin rằng, khi viếng cụ Tú Xương, cụ Nguyễn Khuyến đã làm hai câu thơ này:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn
Trong các tài liệu về Tú Xương đều không thấy có hình ảnh, nhưng dáng hình ông được người bạn học là Hạc Phong Lương Ngọc Tùng mô tả rõ trong một bài thơ:
Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường
Mấy chục năm trời đà vắng bóng
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương
Chắc hẳn Tú Xương là người đã “khác người” ngay từ thuở thiếu thời. Ông thi đi thi lại, thi tới thi lui, thi lên thi xuống, mãi mới đậu, tính ra có tới 8 lần: Bính Tuất (1886), Mậu Tý (1888), Tân Mão (1891), Giáp Ngọ (1894), Đinh Dậu (1897), Canh Tý (1900), Quý Mão (1903), và Bính Ngọ (1906). Tuy nhiên, không ai dám nói ông không có tài. Số phận hoặc số kiếp chẳng ai hiểu nổi, như tục ngữ Việt Nam nói: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Tú Xương là một nghệ sĩ đích thực và chân chính, đồng thời cũng là một nhà trí thức phong kiến. Ông thuộc loại nhà Nho “dài lưng tốn vải”, có lẽ số phận lận đận nên ông cũng đầy “chất” ngông cuồng và ngang bướng. Người giỏi mà không được ai hiểu, thậm chí còn bị người ta hiểu lầm thì buồn lắm. Tú Xương “nóng gáy” lắm, như trong bài thơ “Hỏi Ông Trời”, ông thẳng thắn nhưng cũng rất chua chát, mỉa mai:
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì:
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu
Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi
Mãi đến khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài (24 tuổi), mà là lần thi tú tài thứ tư mới đậu, thế nhưng lại chỉ là “tú tài thiên thủ” (tức là lấy thêm, dạng “đậu vớt” ngày nay). Sau đó, ông không sao đậu được cử nhân, mặc dù vẫn kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903), ông đổi tên Trần Tế Xương thành Trần Cao Xương cho đời bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hỏng, rớt cứ rớt, ông vừa đau đời vừa phát cáu mà “hét lên” như lời tự nguyền rủa và khinh thường người khác:
Tế đổi làm Cao mà chó thế,
Kiện trông ra tiệp, hỡi trời ôi!
Thời xưa, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ). Nếu đậu tú tài, muốn đậu cử nhân thì phải đợi 3 năm sau mới co dịp thi lại. Thật khó khăn, vì thời gian cứ trôi đi theo tuổi đời, mà người ta chỉ có một thời thôi!
Số phận ông hẩm hiu, buồn lắm nhưng biết sao được. Vì thế, ông thấy “tội nghiệp” người vợ lắm, nhưng cũng chỉ biết làm thơ tặng vợ mà thôi. Trong bài “Thương Vợ”, ông mô tả sự chịu khó của vợ và ông tự trách mình:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!
Phải công nhận là bà Tú Xương ngoan hiền thật, mà có vợ hiền là “giàu có” rồi. Hai ông bà Tú thật đáng thương! Ông trân trọng vợ và biết ơn vợ, nhưng chính cuộc đời ông lại “vô duyên” hết sức, không thể làm gì cho vợ bớt khổ. Ông liền làm bài “Văn Tế Sống Vợ” để “cúng sống” vợ hiền:
Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ
Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?
Thôi thôi
Chết quách yên mồ
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ
Số phận thế thì biết thế thôi. Thế thì tiêu, mà tiêu thì thôi! Mỗi người đều có một số phận riêng, đừng thấy người thua kém mà khinh thường, ghét bỏ, hoặc xa lánh. Tục ngữ Việt Nam cũng đã nhắc nhở chúng ta phải luôn coi chừng: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”.
Xuân về, Tết đến. Cái gì đến sẽ đến, cái gì qua sẽ qua. Cái gì không là của mình thì cố gắng thế nào cũng không đạt được, nhưng cái gì là của mình thì tự nhiên sẽ tới. Ăn Tết hoặc vui Xuân thì cũng chỉ đến thế, có chăng là thêm miếng ăn khác ngày thường, mặc chiếc áo mới hơn một chút,… Thế thôi. Chứ ăn nhiều lại sinh bệnh, vui quá lại sinh tật. Cái nào cũng nguy hiểm.
Đón Xuân và mừng Tết thú vị và an toàn nhất có lẽ là sử dụng “món ăn tinh thần”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đọc lại thi phẩm trào phúng CHÚC TẾT của cụ thi sĩ Tú Xương cho vui cửa vui nhà. Cái cười trào phúng đầy mỉa mai nhưng có lẽ đó mới là cái cười thâm thúy, cái cười sâu lắng, cái cười đau đáu, cái cười chảy nước mắt, cái cười buốt lòng, cái cười thấu tim, cái cười đích thực,… Nhờ vậy mà có thể xem lại chính mình mà chấn chỉnh cho phù hợp – với chính mình, với người khác, với xã hội, với cộng đồng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người
Trong không khí mát mẻ của mùa Xuân, với sự nhộn nhịp của phố thị, làng xóm, hòa theo sự náo nức của lòng người, hài hòa với muôn vật, nhất là kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cùng chân thành chúc nhau:
Tết Hồng Ân, cầu trọn Tin Cậy Mến
Xuân Giáp Ngọ, chúc mã đáo thành công
Đặc biệt nhất là chúc nhau bằng lời chúc của Đức Giêsu Kitô: “Bình an cho anh em”(Ga 20:19). Vì chính Ngài cũng đã vừa căn dặn vừa truyền lệnh: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10:12). Thiết tưởng, đó mới là lời Chúc Tết tuyệt vời nhất cho mùa Xuân này!
TRẦM THIÊN THU
Vào Xuân Giáp Ngọ – 2014