GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Chuẩn bị xa hay chuẩn bị gần?

Chuẩn bị xa hay chuẩn bị gần?

Trước mỗi cuộc hành trình người ta cần chuẩn bị nhiều thứ. Khâu chuẩn bị đòi hỏi phải biết lường trước những gì cần thiết cho chuyến đi, từ đó xác định thứ gì cần mang theo và thứ gì cần bỏ lại. Người ta nói cuộc đời là một hành trình dài mà mỗi người đều là một hành khách. Trong Linh Thao số 23, thánh Inhaxiô đúc kết: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.” Thực tế là mỗi cá nhân có cách thể hiện việc “ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa” phù hợp với hoàn cảnh của riêng mình, không ai giống ai. Nói cách khác, tuy cùng một đích đến nhưng có nhiều lộ trình khác nhau.

Độc thân vì Nước Trời trong đời sống tận hiến là một trong nhiều lộ trình cuộc đời mà con người được mời gọi bước theo. Cũng như mọi con đường khác, hành trình đời tu cũng có những đòi hỏi đặc trưng mà người tu sĩ hay người khao khát trở thành tu sĩ cần phải biết để chuẩn bị hành trang phù hợp. Trước khi liệt kê ra những gì cần chuẩn bị thì trước hết phải nói đến tâm thế một người phải có trên hành trình đời tu. Đời tu không phải là một mâm cỗ được dọn sẵn dành cho một vài cá nhân đặc tuyển thụ hưởng. Trái lại, trước mắt người tu sĩ là cánh đồng mênh mông đang chờ đợi họ tham gia lao tác. Dù điều kiện thời tiết là Chúa ban, nhưng con người cần canh tác cách khôn ngoan và cần mẫn để sinh được nhiều hoa trái. Do đó người tu sĩ là người thợ hăng say làm việc trên cánh đồng khi cảm nhận niềm hạnh phúc được mời gọi cùng cộng tác với Chúa làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.

Đã là thợ thì phải đủ sức chịu đựng vất vả trong những điều kiện khắc nghiệt, cần có những khí cụ hữu dụng, có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Những yếu tố này được ví như hành lý mà những người muốn sống đời tu phải nghĩ đến và chuẩn bị trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Ba lời khấn khó nghèo – vâng phục – khiết tịnh chính là những “điều kiện khắc nghiệt” mà mọi người tu sĩ phải đón nhận. Nói “khắc nghiệt” là bởi vì khó nghèo – vâng phục – khiết tịnh thực sự là thách đố đối với bản tính tự nhiên của con người.

Ba lời khấn này đi ngược lại với ham muốn hưởng thụ, thích làm theo ý riêng và ngay cả bản năng tính dục nơi mỗi người. Đời tu không tự bày ra những thứ “khắc nghiệt” để thử thách người tu sĩ hay là làm cho họ khác người và “có giá” hơn; khổ chế không phải là chuyện chế ra cái khổ! Trái lại, sự “khắc nghiệt” đến từ bản chất của đời tu. Đời tu là bước theo Đức Giêsu, người đã sống khó nghèo – vâng phục – khiết tịnh. Do đó khó nghèo – vâng phục – khiết tịnh tự nó không có giá trị Tin Mừng nếu chúng không phải là hệ quả của việc trở nên giống Đức Giêsu. Tiếp theo, những “khí cụ hữu dụng” lại ám chỉ đến khả năng hay tố chất tự nhiên mà một người có được. Có nhiều người có khao khát sống đời tu nhưng lại không có được những phẩm chất cần thiết, ví dụ như không thể cộng tác được với người khác hay là sức khỏe quá yếu chẳng hạn. Nếu là “khí cụ” thì có thể mài dũa, tập tành để trở nên sắc bén hơn.

Đó là lý do tại sao tất cả mọi tu sĩ đều phải trải qua một thời gian dài trong hành trình đào luyện chính thức của các hội dòng, đó là chưa kể mỗi người phải ý thức việc tự đào luyện bản thân một liên tục trong suốt cuộc đời. Trong tiến trình đào luyện đó, dần dần người tu sĩ sẽ hình thành cho mình những thói quen, giờ giấc, tác phong làm việc, nghỉ ngơi giải trí để có sức phục vụ lâu dài.

Không có ai từ lúc mới sinh ra đã biết đi, biết chạy ngay; đời tu cũng phải chấp nhận quy luật tiệm tiến. Không thể đòi các bạn trẻ mới bắt đầu đời sống tu trì đạt được chuẩn mực của bậc chân tu. Người ta nói rằng nếu một người ao ước trở thành người như thế nào thì cung cách hành xử của họ tự nhiên sẽ định hướng theo tính cách loại người đó. Do vậy những đòi hỏi vốn thuộc bản chất của đời tu vẫn cần được đặt ra để những ai muốn sống đời tận hiến có sự chuẩn bị từ xa, rồi dần đến một lúc nào đó tự nhiên họ sẽ thủ đắc được cung cách của một “người nhà tu”!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dặn chúng con muốn xây một cây tháp thì trước tiên phải ngồi xuống tính toán phí tổn xem mình có đủ để hoàn thành hay không. Bước vào đời tu cũng là bắt đầu một công trình mới, cần lường trước những đòi hỏi mà chúng con có thể đáp ứng được nhờ ơn Chúa giúp. Xin cho chúng con ý thức sức lực giới hạn của mình, nhưng quan trọng hơn là xin cho chúng biết vững lòng tin tưởng vào Chúa, vì đối với Chúa thì không có gì là không thể. Amen

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

dongten.net

Exit mobile version