GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Chuẩn bị cho người trẻ bước vào ĐSHN (18): Trách nhiệm giáo...

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào ĐSHN (18): Trách nhiệm giáo dục người trẻ

  1. Trách nhiệm của các vị chủ chăn

Giáo luật điều 1063 nói rõ rằng các vị chủ chăn các linh hồn buộc phải liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình được trợ giúp, để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần Kito giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện. Sau đây là một số cách mà Giáo Hội đề ra:

  • Bằng việc giảng thuyết, bằng việc huấn giáo thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên, và cũng bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhờ đó các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Kitô giáo.
  • Bằng việc chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới.
  • Bằng việc cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh hoạ rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy.
  • Bằng việc giúp đỡ các đôi vợ chồng để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn.

Như thế, các vị chủ chăn, cách riêng là các cha xứ, phải làm sao giúp cho các bạn trẻ hiểu được ý nghĩa của đời sống hôn nhân để giúp họ được nên thánh trong bậc sống này. Quá trình chuẩn bị cho đôi bạn trước khi kết hôn là rất cần thiết, nhưng sẽ là một thiếu sót lớn khi chỉ khảo kinh, hay học một vài bài giáo lý căn bản. Các vị hữu trách phải lấy khuôn mẫu tình yêu Ba Ngôi để minh hoạ cho tình yêu mà đôi bạn đang trải nghiệm, và giúp họ dần dần đi vào trong mầu nhiệm tình yêu ấy.

Ngoài những kiến thức liên quan đến giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội, thiết nghĩ cũng không thể bỏ qua những kiến thức liên quan đến tâm sinh lý mà các bạn trẻ cần phải được thủ đắc trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Mặc dù đã được học ở trường lớp, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng hiểu được cách đúng đắn về cơ thể mình, về tính dục, về sự phát triển tâm lý qua các giai đoạn. Những buổi hội thảo hay chuyên đề với sự trợ giúp của các chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia Công Giáo, có thể là một trợ giúp thích đáng trong những lớp giáo lý hôn nhân-dự tòng.

Các giáo xứ cũng nên tổ chức những hội thao hay những hoạt động vui chơi, nơi các bạn trẻ có thể gặp nhau để giao lưu, gặp gỡ, xây dựng một đời sống lành mạnh về thể lý. Một cơ thể uể oải sẽ kéo theo một tinh thần mệt mỏi. Giáo xứ càng có nhiều hoạt động bổ ích thì càng lôi kéo được nhiều bạn trẻ tham gia, và như thế, vừa tận dụng được sức trẻ, vừa giúp giảm bớt những tệ nạn đang lan tràn khắp xã hội. Một tình yêu trong sáng có thể được tìm thấy và nảy nở từ đây, để rồi, dù sau khi đã kết hôn, họ vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho giáo xứ và hướng con cái mình cách tích cực vào đời sống của giáo xứ.

  1. Trách nhiệm của các bậc cha mẹ

Trong việc giáo dục người trẻ, không thể không nói đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Việc giáo dục này xuất phát từ trách nhiệm của họ, và cũng từ lời hứa mà họ đã cam kết khi kết hôn với nhau. Nhiều bậc cha mẹ chỉ lo chu cấp cho con cái mình vật chất mà quên đi nhu cầu tinh thần của chúng. Càng lớn lên, con cái càng có xu hướng muốn tách ra khỏi cha mẹ mình, nhưng tận sâu trong lòng, chúng vẫn rất cần được cha mẹ quan tâm và thấu hiểu, đặc biệt khi bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi trên cơ thể. Những ngại ngùng và bối rối thường khiến chúng im lặng hoặc từ mình mày mò tìm câu trả lời. Điều này đôi khi rất có hại vì chúng sẽ dễ bị lôi kéo bởi những tư tưởng lệch lạc, cộng với việc không có định hướng đúng đắn, con cái sẽ dần đánh mất bản thân trong những trò truỵ lạc.

Cha mẹ không nên uỷ thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục con cái của mình cho nhà trường hay nhà xứ. Có những điều mà ngoài cha mẹ ra, không ai có thể giúp con được. Trước hết, cha mẹ phải có sự quan tâm dành cho con, thể hiện qua những lời hỏi thăm, động viên. Cha mẹ cũng phải dành thời gian ở bên con cái, chia sẻ những bữa cơm, những lúc đi dã ngoại chung, những buổi trò chuyện… Cốt làm sao để con cái luôn có một sự tin tưởng dành cho mình, từ đó, chúng mới tự nhiên trao đổi với mình những vấn đề và khúc mắc của chúng.

Khi con bước vào độ tuổi dậy thì, chúng sẽ có những suy nghĩ “khác người”, tính tình trở nên bốc đồng, ngang ngược, cha mẹ cần có đủ sự kiên nhẫn với chúng. Luôn thể hiện mình là một người bạn của chúng. Tế nhị chia sẻ với chúng để giải đáp những thắc mắc giấu kín trong lòng. Khi con cái có người yêu, đừng vội cấm cản hay phản đối. Hãy cứ tôn trọng những quyết định của chúng, nhưng cũng cẩn thận tìm hiểu “nhân vật người yêu” kia, xem có hợp hay có thật lòng với con mình không. Đôi khi có thể nhắc khéo con mời người đó về nhà chơi hoặc ăn cơm. Nếu nhận thấy con chọn lựa đúng, hãy ủng hộ con. Nếu thấy có vấn đề trong tình yêu này, hãy từ từ khuyên bảo con bằng những lý do chính đáng.

Khi con chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, hãy dùng chính kinh nghiệm của mình và truyền cho con những bài học quý giá. Hãy cho con biết những niềm vui cũng như những thách đố, khó khăn trong đời hôn nhân, đồng thời chỉ con cách vượt qua. Trên hết, hãy luôn tỏ ra là một nguồn trợ lực của con, để khi có những bất trắc, con có thể quay về, tâm sự và tìm lời khuyên hay những hướng dẫn đúng đắn. Chắc chắn, cha mẹ sẽ phải đồng hành bên con cái mình suốt cả cuộc đời, dù khi chúng đã có con, có cháu. Cái quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao tặng cho con mình là một trái tim đầy ắp yêu thương.

Nếu người trẻ vừa được sự yêu thương chăm lo giáo dục của cha mẹ, lại còn được giáo xứ bồi bổ bằng những kiến thức và hoạt động bổ ích, chắc chắn họ sẽ có đủ hành trang để vào đời, khảng khái đối diện mà không chút sợ hãi chi. Có được một nền tảng vững chắc từ gia đình và giáo xứ, tin chắc rằng các bạn trẻ sẽ bước vào đời hôn nhân cách vững chãi và có thể nên thánh trong ơn gọi đó.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net

Exit mobile version