- Hôn nhân hỗn hợp
Nhiều người vẫn hay đặt đâu hỏi tại sao đạo Công Giáo cứ bắt người không có đạo phải theo đạo rồi mới cho cưới. Thật ra, Giáo Hội không bắt buộc ai phải theo đạo cả. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, và đòi hỏi nơi người nhận lãnh một sự tự nguyện. Việc các bậc cha mẹ thường đòi hỏi con cái mình phải lấy người có đạo chỉ là lo lắng cho đời sống đức tin của con cái mình. Nếu trong gia đình, tất cả mọi người đều thờ phượng Thiên Chúa, sớm tối đọc kinh quây quần bên nhau, con cái được giáo dục theo đường hướng đúng đắn, hẳn đó là một gia đình hạnh phúc. Trong khi đó, sự khác biệt trong tôn giáo đôi khi sẽ kéo theo những bất đồng khác trong quan điểm và lối sống, dẫn đến bất hoà, làm ảnh hưởng đến đời sống chung. Vì thế, Giáo Hội khuyến khích bên không có đạo Công Giáo tìm hiểu đạo Công Giáo, học giáo lý để có cùng tôn giáo với người phối ngẫu của mình: khuyến khích chứ không bắt buộc.
Trong trường hợp bên kia vẫn nhất quyết không muốn gia nhập đạo Công Giáo, để không gây khó khăn cho bên Công Giáo, Giáo Hội vẫn chấp nhận cho họ kết hôn với nhau, với phép của Đức Giám Mục giáo phận. Tuy nhiên, Đức Giám Mục chỉ có thể ban phép này khi họ đáp ứng các điều kiện sau (x. Điều 1125):
- Bên Công Giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa Tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo.
- Bên Công Giáo phải kịp thời thông báo cho bên không Công Giáo biết những điều bên Công Giáo phải cam kết để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công Giáo.
- Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.
Như thế, khi muốn kết hôn với người không phải Công Giáo, phải gặp cha xứ, để xin ngài giúp xin phép của Đức Giám Mục, cùng với một số thủ tục kèm theo tuỳ quy định của từng giáo phận. Giáo Hội quy định những điều này chỉ vì lợi ích đức tin của con cái mình.
- Ly thân
Khác với luật đời, Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận chuyện hai người đã kết hôn hợp pháp và hoàn hợp, lại chia tay nhau, cắt đứt hôn ước đã lập để kết hôn với một người khác. Giao ước hôn nhân là một giao ước vĩnh viễn, tồn tại mãi cho đến khi ít là một trong hai người qua đời. Vì thế, dù người ta có đưa nhau ta toà đời để ly dị và được dân luật công nhận là đã không còn tương quan vợ chồng thì với Giáo Hội, mối dây hôn phối đó vẫn còn ràng buộc cả hai. Dĩ nhiên, khi toà đời tuyên bố huỷ một cuộc hôn nhân thì hai bên không còn quyền và nghĩa vụ gì với nhau. Tất cả tài sản chung và việc nuôi dưỡng con cái được phân chia theo thoả thuận. Họ trở thành hai người xa lạ, và nếu có sự xâm phạm quyền lợi xảy ra thì pháp luật nhà nước sẽ can thiệp. Chỉ có điều, trong Giáo Hội, người đó không được phép kết hôn với người khác. Cho dù có kết hôn thì hôn nhân đó cũng không thành.
Tuy nhiên, khi hai người thật sự không thể chung sống với nhau, Giáo Hội cho phép họ ly thân, nghĩa là không chung sống với nhau, để tránh những tình trạng xấu có thể xảy ra, như bạo lực… Chỉ cần họ không kết hôn hay sống như vợ chồng với người khác, họ không phạm tội, như được nói đến trong Giáo Luật điều 1153: nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên kia hoặc cho con cái, hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên nặng nề, thì đó là một lý do hợp pháp để ly thân. Hay điều 2383: “Nếu sự ly dị theo toà đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý”.
- Tháo gỡ hôn phối
Như đã nói, hôn phối khi đã cử hành hợp pháp và hoàn hợp (hai người đã quan hệ vợ chồng với nhau) thì không thể tháo gỡ. Tuy nhiên, vì lợi ích đức tin của tín hữu, Giáo Hội có thể dựa vào đặc ân Phaolô và Phêrô để giải gỡ một cuộc hôn phối trong đó có ít là một người chưa chịu phép rửa khi giao kết hôn nhân. (Chúng tôi sẽ nói đến hai đặc ân này trong phần sau)
Trong trường hợp hai người đã cử hành hôn nhân hợp pháp nhưng chưa hoàn hợp với nhau (hai người chưa quan hệ vợ chồng với nhau) thì sao? Giáo Luật điều 1142 trả lời:“Hôn nhân bất hoàn hợp giữa những người đã được Rửa Tội hay giữa một người đã được Rửa Tội và một người không được Rửa Tội, có thể được Đức Giáo Hoàng tháo gỡ vì một lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai người hoặc của một người mà thôi, mặc dầu người kia không bằng lòng.”
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp đặc biệt khác được Giáo Hội tháo cởi hôn nhân:
Ðiều 1148:
Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội Công giáo, nếu khó sống mãn đời với người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà khác (nhưng vẫn phải đảm bảo cho những người còn lại được hưởng phần tài sản chính đáng). Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc nhiều chồng không được rửa tội.
Ví dụ: Anh A (không rửa tội) đã cưới chị B, chị C, chị D (cả ba đều không rửa tội) làm vợ. Một thời gian sau, anh A xin chịu phép rửa tội để theo Công Giáo. Là một người Công Giáo, anh ta không thể sống đời sống đa thê được. Trong trường hợp này, anh A phải chọn một trong ba người vợ kia là người vợ chính thức của mình và có quyền rẫy những người còn lại.
Trong những trường hợp nói ở triệt 1, sau khi đã lãnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.
Ví dụ: Trong trường hợp trên, anh A có thể chọn chị C làm vợ chính thức của mình. Lúc đó, hai người này phải tuân theo những quy định về hôn phối của Giáo Hội.
Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và nhân sự, Bản Quyền sở tại (Đức Giám Mục địa phận) phải lo liệu để người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy, được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.
Ðiều 1149:
Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lãnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữ điều 1141.
Ví dụ: Anh A (chưa rửa tội) đã cưới chị B (chưa rửa tội). Một khoảng thời gian sau, anh A xin rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ ngày được rửa tội đến nay, vì chiến tranh, anh bị bắt đi lính hoặc đi tù khổ sai, nên không thể chia sẻ đời sống vợ chồng với chị B được nữa. Trong trường hợp này, anh A có thể cưới chị C làm vợ, ngay cả khi lúc ấy, chị B cũng đã xin rửa tội để theo Công Giáo. Khi cưới chị C, anh A phải tuân theo những quy định về hôn phối.
Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin (Ðiều 1150).
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net