Tất cả mọi cuộc hôn nhân đúng nghĩa đều phải xuất phát từ tình yêu dành cho nhau. Khi một người nam và một người nữ yêu thương nhau, họ tự thấy có một lực đẩy nào đó, muốn họ tiến lại gần nhau hơn, kết lập với nhau một giao ước, làm nên một gia đình riêng để chung hưởng hạnh phúc với nhau. Đây là một huyền nhiệm mà Tạo Hoá chỉ dành cho con người. Từ hai người xa lạ hoàn toàn, họ bỗng trở nên thấy không thể sống thiếu nhau. Họ sẵn sàng hy sinh và từ bỏ tất cả để kết hiệp với nhau. Chuyện kết hôn trở nên thường hằng đến nỗi, nếu không vì một lý tưởng cao đẹp hay vì một lý do bất khả kháng nào đó, người nào không biết yêu, không kết hôn với ai dường như bị xem là “có vấn đề”. Thậm chí, các bậc cha mẹ cũng thấy “sốt ruột” khi con mình đã lớn mà không có người yêu, không hẹn họ với ai, không nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Đã đành tình yêu là nền tảng cho hôn nhân, nhưng những người Kitô hữu được mời gọi để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của tình yêu mà họ đã nhận lãnh. Hẳn nhiên, đó không phải là một cảm xúc nảy sinh từ chính bản thân họ như thể chính họ tự mình làm phát sinh tình yêu dành cho ai đó. Con người không phải là nguồn cội của tình yêu. Tình yêu trong hôn nhân nói chung và hôn nhân Kitô giáo nói riêng có nguồn gốc từ chính Đấng là Tình Yêu. Chính Tình Yêu ấy đã thổi bùng lên những tình yêu khác trên dương gian, trong đó có tình yêu giữa nam và nữ. Như thế, tình yêu giữa hai người muốn kết lập mối dây hôn phối là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu luôn tự hiến cho đi cách hoàn toàn, vì lợi ích của người mình yêu.
Triết học Hy Lạp có phân chia thành ba loại tình yêu. Tình yêu ở cấp thấp nhất được gọi là eros, có ý nói đến tình yêu theo kiểu tính dục, khi người này muốn sở hữu người kia như là cái của riêng mình. Tình yêu ở cấp cao hơn là filia, một kiểu tình yêu đặt nền trên tương quan tự do, ngang hàng, hoà nhã chứ không có ý chiếm hữu. Tình yêu ở cấp độ cao nhất gọi là agape, một tình yêu trao hiến hoàn toàn chính mình cho người khác. Ba loại tình yêu này dường như cũng muốn nói đến ba cấp độ hoàn thiện của tình yêu. Cả ba đều tồn tại, chứ không loại trừ nhau, nhưng lý tưởng là đạt đến cấp agape, là kiểu mẫu tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Như thế, kiểu mẫu cho bất cứ tình yêu nào trên trái đất này, cách cụ thể là cho tình yêu hôn nhân, là chính Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn tự trao hiến cho nhau cách trọn vẹn. Chính Ngôi Hai – Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta thấy điều đó nơi cuộc tế lễ trên Đồi Golgotha năm xưa. Cái chết của Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu độ, nghĩa là nhờ cái chết đó mà muôn loài thụ tạo được cứu thoát khỏi sự chết. Nhưng trước hết, ta phải nhìn thấy nơi đó một sự tự hiến của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha. Ngài đã không từ chối Cha điều gì, đã trao dâng tất cả cho Cha, trọn vẹn thân xác và linh hồn. Tự bản thân cái chết thì chẳng có ý nghĩa gì, nhưng cái chết của Ngôi Hai Thiên Chúa trong hình hài Giêsu, được đón nhận một cách tự nguyện và được cử hành như một hy lễ thì có sức làm lan toả ơn sủng từ Trời cho muôn loài.
Chính Chúa Cha cũng đã trao ban chính mình cho Chúa Con. Cũng như Chúa Con là Đấng “tuy là Thiên Chúa nhưng không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (x. Pl 2,6), Chúa Cha cũng đã không dành riêng vinh quanh Thiên Chúa cho mình. Từ của lễ mà Con dâng lên, là sự hy sinh vì tình yêu của mình, Chúa Cha đã “siêu tôn Người và tặng ban cho Người một danh hiệu, trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, để từ nay, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kito là Chúa” (x. Pl 2,8-11). Có thể nói, giữa Cha và Con luôn có một sự trao hiến trọn vẹn chính mình và Thánh Thần chính là nhiệm xuất từ sự trao hiến ấy.
Không chỉ trong nội tại Ba Ngôi, Thiên Chúa còn tỏ lộ tình yêu của mình dành cho con người. Ta thấy rất nhiều dẫn chứng trong Kinh Thánh nói về việc Thiên Chúa luôn ngỏ lời với con người và mời gọi con người đi vào trong sự hiệp thông với mình. Tình yêu bắt đầu từ sự gặp gỡ, sau đó thiết lập với nhau một tương quan, mặc khải chính mình cho nhau, thiết lập với nhau giao ước. Giao ước ấy như một chứng thực cho tình cảm mà cả hai dành cho nhau. Dù con người không biết bao nhiêu lần bội ước, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với những gì mình cam kết từ xa xưa. Đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được nhìn thấy nơi cái chết tự hiến của Đức Giêsu trên thập giá, khai mở một kỷ nguyên mới cho toàn thể muôn loại thụ tạo trong vũ hoàn. Thiên Chúa đã luôn đi bước trước, và mở lời mời gọi con người đi vào trong sự hiệp thông với mình. Chính từ mầu nhiệm Thương Khó và Vượt Qua này của Đức Giêsu, ta hiểu được ý nghĩa của tính dục con người và tình yêu hôn nhân: một sự cho đi để hướng đến sự sống mới.
Khi kết hôn với nhau, đôi phối ngẫu được mời gọi chiêm ngắm và phác hoạ lại tình yêu của Ba Ngôi dành cho nhau và cho toàn thể nhân loại. Kết hôn là bước vào một giao ước mới, nơi đó, hai người làm sống lại hình ảnh Thiên Chúa trong tương quan với nhau và với mọi người. Trước hết, đó phải là sự hiệp thông với nhau nên một, vì cả hai “chỉ là một xương một thịt”. Tiếp đến là một sự trao ban, hy sinh, thông truyền chính mình cho nhau, vì đây là cách thức duy nhất để làm cho hôn nhân được thăng tiến. Sau nữa là hướng đến một sự sống mới sẽ xuất hiện như kết quả của tình yêu tuyệt đẹp này. Tình yêu không phải là một năng động khép kín. Nó sẽ lớn lên hoặc lụi tàn. Khi được chăm sóc kỹ lưỡng, nó sẽ trưởng thành và sinh hoa trái. Người nào kết hôn mà không muốn có con thì đã đi ngược lại với ý định của Tạo Hoá và không được Giáo Hội chấp nhận. Các cặp vợ chồng và con cái được mời gọi để sống chiều kích trao hiến cho nhau, hướng đến việc nên thánh trong bậc sống của mình.
Gia đình – vợ chồng và con cái – lý tưởng mà nói, phải là hiện thân của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Người ta gọi gia đình là tổ ấm, chính vì nơi đó có sự hiện diện của tình yêu; tình yêu làm cho bầu khí trở nên ấm cúng, gần gũi, đáng quý. Từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là vợ chồng, phải luôn sống được chiều kích Vượt Qua của Đức Giêsu. Nghĩa là, phải luôn sống trong sự tự hiến, hy sinh cho nhau, để từ đó, cả hai vượt qua được bóng tối của sự chết mà tiến về hạnh phúc vĩnh viễn trong Thiên Chúa. Đúng ra, cuộc hôn nhân nào cũng thật sự là một cuộc tự hiến. Vợ – chồng – con cái là thánh giá của nhau. Nhưng như Đức Kitô đã cho chúng ta thấy, ta tiến về Thiên Đàng là nhờ thánh giá, chứ không phải bằng con đường nào khác. Thánh giá tuy rất nặng, nhưng khi có tình yêu, nó sẽ trở nên cánh hoa toả ngát hương thơm.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net