Người ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa của tương quan khi trải nghiệm cảm giác cô đơn. Đó là khi bỗng dưng người ta thích nghe một bản nhạc buồn, xách xe dạo qua những con phố, cứ chạy tới chạy lui mà chẳng biết đi đâu. Thấy người ta cười nói mà chạnh lòng. Thấy đôi tình nhân ôm nhau mà mình thì cô đơn. Cố tìm một nơi thanh tịnh, chỉ có gió với mây để mong xua đi những nỗi trống vắng trong lòng. Tự nhủ rằng thôi thì mình tự tìm niềm vui cho mình, nhưng thật lòng họ chẳng biết tìm ở đâu, phải làm gì để được vui. Cảm thấy mình lạc lõng, không tìm thấy ai đồng điệu để chia sẻ buồn vui. Ngày hai mươi bốn tiếng trôi qua chỉ với những công việc phải làm. Thế giới đông người thế, nhưng tất cả đều xa lạ với mình. Cuộc đời tươi đẹp thế mà dường như dành cho ai khác, chứ không phải họ.
Sự cô đơn giúp ta hiểu được tính cá vị của bản thân và ý nghĩa tương quan trong cuộc sống. Khi cô đơn, ta chợt nhận ra rằng trên đời này chỉ có mình ta là ta. Không ai có thể “là” ta được cả. Nếu có một ai đó giống ta hoàn toàn, thì người đó cũng chỉ “giống” ta thôi, chứ không phải “là” ta. Cả những người có máu huyết với ta cũng không thể “là” ta. Chẳng ai khác có thể thay thế được ta. Chẳng có một bản sao nào của ta tồn tại. Dù ta tốt xấu, giỏi dở hay thế nào đi chăng nữa, ta vẫn là một cá thể độc lập và duy nhất từ xưa đến nay cũng như mãi về sau này. Ta chết đi, thế giới này sẽ mất đi một cái gì đó. Nhưng sự cô đơn giúp ta phân biệt mình với người khác ở bên ngoài kia, độc lập với ta, đập vào trong tư duy của ta một ý thức rằng giữa ta và họ có một sự phân biệt nào đó. Ta nhận ra mình không giống họ. Họ ở bên ngoài ta, là kẻ xa lạ với ta, giữa ta và họ có một khoảng cách, mỗi bên có ranh giới riêng của mình. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành họ và họ cũng như vậy đối với ta. Ta sẽ chẳng biết mình là ai, nếu không có một người khác đứng đối diện với ta. Ta cũng sẽ không có ý thức gì về mình nếu giữa thế giới này chỉ có một mình ta trơ trọi.Tạo Hóa đã ban cho mỗi con người một đặc tính “bất khả thay thế”, nhưng Ngài cũng đặt giữa con người một sợi dây tình thân để nối kết họ lại. Bất cứ khi nào sợi dây tình thân ấy được chúng ta vun đắp, dựng xây để có được sự hài hòa, con người sẽ mỗi ngày triển nở hơn và hưởng nếm hạnh phúc.
Hiện diện giữa dòng đời này, ta được Tạo Hóa đặt vào một mớ chằng chịt những mối liên hệ với người khác. Chẳng ai có thể đếm được số lượng tương quan ta có với người khác, bởi vì chúng là vô cùng vô hạn. Trong số những “người khác” ấy, Trời chọn cho ta một hay một vài con người để ta đặt để ở một vị trí cao hơn, ưu tiên hơn trong con tim. Ta xếp họ ở gần mình hơn, chẳng hiểu vì sao, nhưng họ là người mang đến cho ta nhiều ấm áp hơn, họ chiếm giữ con người ta nhiều hơn và ta không muốn đánh mất họ chút nào. Ta muốn họ và ta càng ngày càng xích lại gần hơn nữa, bởi chỉ cần một chút xa cách thôi là bao nỗi lo lắng đã ập đến. Ta sợ mất họ, ta sợ sẽ không gặp lại họ, và cuộc đời ta, con người ta cũng từ đó mà mất đi niềm vui. Biết rằng chẳng có gì là mãi mãi, thời gian có thể sẽ làm thay đổi mọi thứ, nhưng ở bên nhau được ngày nào, vui được với nhau phút giây nào, ta cố gắng hết sức để tận hưởng.
Có tương quan là một nhu cầu căn bản của con người. Đó là vì sao ta luôn muốn có người thân bên cạnh, có bạn bè, có người hiểu ta để ta và người đó có thể dành cho nhau sự quan tâm và chăm sóc. Ai trong chúng ta cần một bàn tay, thèm một bờ vai, một cái ôm, một cái hôn, một câu nói nhỏ vào tai. Cần một cái gì đó để đổ vào lòng cho ấm áp. Cần một ai đó ở kề bên để không cảm thấy lạnh lẽo giữa cuộc đời. Cần chút hương vị của đụng chạm để biết là mình có thịt có xương, chứ không phải là những hồn ma vô cảm. Cần có ai đó nghe tôi bằng đôi tai hiền dịu, ai đó nhìn tôi bằng ánh mắt ngọt ngào. Cần một đôi tay vuốt nhẹ làn tóc. Cần người đó đủ sức đưa ta ra khỏi khu rừng u tối cô liêu, giúp ta tìm lại được ánh sáng của ngày mới, nghe tiếng chim ca, tận hưởng làn gió mát, thoả sức ngắm những cánh hoa đẹp. Để mỗi cuối tuần không còn nghe những bản nhạc buồn. Để những ngày lễ không còn chạy chiếc xe trống. Để có thể mỉm cười cùng mọi người và thấy mình là một phần của thế giới xinh tươi.
“Tương quan” không chỉ là sự cận kề về mặt thể lý, nhưng là một sự đồng điệu của hai tâm hồn. Bởi vậy, khi nói đến “tương quan”, ta nói đến một mối liên hệ mật thiết giữa con người với nhau, vì chỉ có con người mới có “tâm hồn”. Con người có thể nuôi một con chó hay con mèo để vui cửa vui nhà. Giữa con người và con vật có thể có chút gắn bó. Nhưng đó không phải là “tương quan” theo đúng nghĩa của nó, bởi lẽ, con vật kia không ngang hàng về mặt phẩm giá với con người, và không thể khoả lấp khoảng trống trong tâm hồn của con người. Vì con người là chóp đỉnh của loài thụ tạo nên chỉ có con người mới có thể đồng vai vế với nhau, và chỉ có con người mới có thể tạo lập với nhau một “tương quan” thật sự, trong ý nghĩa tròn đầy nhất của nó.
Hai chữ “tương quan” cũng nói đến bản chất “mở ra” của con người. Trong khi các loài vật chỉ biết đến sự sinh tồn, thì con người còn biết đến những giá trị cao quý khác. Con người là loài không bao giờ đóng kín trong chính bản thân, nhưng luôn mở ra với người khác, tạo cho người khác một chỗ đứng trong lòng mình. Càng mở ra với nhiều người, con người càng thấy ấm áp, vui vẻ. Càng có tương quan tốt với nhiều người, con người càng thấy mình được đong đầy bởi tình yêu và sức sống như thể đang tiến dần đến sự hoàn hảo. Ngược lại, ai khép mình, không tiếp xúc với người khác, thì chẳng khác nào cây khô, trơ trọi giữa đồng vắng, sống mà như đã chết từ lâu. Tương quan sẽ bổ khuyết vào những chỗ chưa trọn vẹn trong con người. Tương quan là một nhu cầu nhưng cũng là bản chất của con người.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net