Chúa Xuân
Xuân hay Tết? Tết đến hay Xuân về? Hình như Xuân đến nhanh quá khiến đất trời như ngợp Xuân.
Xuân tươi đẹp và nhẹ nhàng. Thật vậy, Xuân đẹp với ngàn sắc hoa, những màu áo rực rỡ, và nhẹ nhàng với làn gió thoảng đưa nhẹ mát rượi. Nhưng tôi vẫn thấy Xuân ồn ào với những tiếng cười vui vẻ. Xuân còn ồn ào với cõi lòng rạo rực, một loại ồn ào mầu nhiệm, một dạng ồn-ào-tĩnh.
Đất trời vào Xuân, hoa lá reo vui nhảy nhót trong nắng vàng ươm như những lời tỏ tình dễ thương. Mọi vật dù quen thuộc nhất, thì với mùa Xuân cũng trở nên tuyệt mỹ trong vẻ diệu huyền. Viên sỏi nhỏ vẫn nằm im trên đường xuyên suốt thời gian, thế mà giờ đây hình như cũng vui vẻ và nhí nhảnh như cô bé lanh chanh đang đùa vui với mùa Xuân.
Đây hàng mứt, đó hàng dưa, kia hàng hoa,… Người qua, kẻ lại, việc mua bán tấp nập. Tiếng nhạc Xuân ùa ra đường, quyện vào không khí. Ngoại cảnh bắt buộc Xuân đến? Có thể là một phần. Và một phần do chính Xuân tự nguyện đến. Xuân phải là Xuân, Xuân luôn là Xuân, Xuân mãi là Xuân. Mỗi khi vui sống là Xuân hiện diện, như người ta thường nói: “Vui như Tết”.
Xuân gợi nhiều suy tư dù Xuân không nói. Để có được mùa Xuân tươi, phải có cuộc sống đẹp và được trang điểm bằng những hạt-ngọc-yêu-thương. Má đỏ, môi hồng, còn cần phải có một trái-tim-hồng biết chia sẻ hạnh phúc và cảm thông nỗi bất hạnh của tha nhân. Cuộc đời còn đau khổ thì chưa có mùa Xuân trọn vẹn. Hãy cố gắng biến những lời chúc Xuân thành sự thật. Đừng để chúng đơn thuần chỉ là những lời chúc phát ra từ đầu môi, chót lưỡi!
Niềm vui và hạnh phúc của chúng ta ở ngay trong niềm vui và hạnh phúc của người khác – dù người đó là người chưa hề biết mặt, chưa hề quen tên. Xuân là vậy đó! Đơn giản hay phức tạp hoặc nhiêu khê? Tùy theo mỗi người cảm nhận, nhưng Xuân vẫn là Xuân, mãi mãi là Xuân.
Người ta còn gọi Mùa Xuân là Chúa Xuân. Theo Việt ngữ hoặc Hán Việt, từ “Chúa” được dùng để chỉ người hoặc vật cao nhất: Chúa Tể, Chúa Thượng (Vua, Hoàng đế), Chúa Công, Chúa Đất (chủ đất), Chúa Sơn Lâm, Chúa Đảng, Chúa Tàu (chủ người Hoa), Vua Chúa, Lãnh Chúa, Chúa Nhật, Chúa Trùm, Chúa Chổm (con nợ), Chúa Đểu,… Loài vật cũng có Ong Chúa, Kiến Chúa, Bướm Chúa,…
Về tâm linh, gọi là tôn giáo hoặc tín ngưỡng, người ta cũng có một Chúa cao nhất của tôn giáo mà họ tin theo: Chúa Trời (Thiên Chúa), Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, Ông Trời, Tạo Hóa, Hóa Công, Thánh Allah, Đức Chí Tôn,…
Cách gọi khác nhau nhưng vẫn chỉ là một. Khi Tông đồ Phi-líp-phê xin được thấy Chúa Cha, Chúa Giêsu nói rõ: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Đó là Đấng Toàn Năng, người khả dĩ biến từ không ra có, là Đấng vô thủy vô chung, chỉ có hiện tại mà không có quá khứ hoặc tương lai, gọi là Đấng Tự Hữu. Đó mới là Chúa Xuân đích thực.
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 & 16). Tình yêu đó cũng chính là Thánh Tâm, là Lòng Chúa Thương Xót. Đó là Tình-Yêu-Ba-Trong-Một, là Đồng Cỏ Xanh Rì (Tv 23), là Suối Nước Trong (Tv 42), là phần Gia Nghiệp (Tv 16) mà ai cũng đêm ngày mơ ước.
Sinh ký, tử quy. Sống gởi, thác về. Thiên Đàng hoặc Nước Trời mới là nơi chúng ta tận hưởng Mùa Xuân vĩnh viễn. Ở đâu có Thiên Chúa là có Mùa Xuân, ở đâu vắng bóng Thiên Chúa thì không có Mùa Xuân, mà Mùa Xuân là Mùa Tha Thứ và Yêu Thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12). Điều đó được Thánh Phaolô nhắc lại bằng cách nói khác: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8).
Với người Công giáo, mùa nào cũng là Mùa Xuân – dù Mùa Thường Niên (Mùa Quanh Năm), Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh. Tuyệt vời là thế đó!
Có lần những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22:16).
Người Pharisêu có ác ý, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “đểu”, nhưng vô tình họ vẫn phải chân nhận Chúa Giêsu là “người chân thật”, cứ “dạy theo sự thật” mà “không hề vị nể ai”, và “không đánh giá người khác theo bề ngoài”. Đó cũng chính là những điều chúng ta phải áp dụng vào thực tế cuộc sống hằng ngày. Dĩ nhiên, nếu chúng ta làm vậy sẽ bị người ta ghét lắm. Bạn có dám không?
Lạy Chúa Xuân bất diệt, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6), xin dẫn chúng con đi trong Đường Chân Lý của Ngài (Tv 25:5) và xin giúp chúng con can đảm mà dám sống “ngược đời” như Con Một Ngài lúc còn tại thế. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU