Anh chị em thân mến,
Sách Công đồ Công vụ (2,1-11) thuật lại những gì xảy ra ở Giêrusalem, 50 ngày sau khi Chúa Giêsu Phục sinh. Các môn đệ đã tụ họp lại với nhau trong phòng tiệc ly và có cả Đức Maria ở với họ. Chúa Phục sinh đã căn dặn các môn đệ ở lại thành Giêrusalem cho đến khi họ nhận được ơn của Chúa Thánh Thần. Và việc này đã được biểu lộ bằng một “tiếng động” đột ngột phát ra từ trời, như “cơn gió mạnh” tràn ngập căn phòng nơi họ đang ở (c. 2). Cho nên đó là một trải nghiệm thực tế nhưng cũng mang tính biểu tượng. Một sự việc đã xảy ra nhưng cũng mang đến cho chúng ta một thông điệp mang tính biểu tượng dành cho cuộc sống.
Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần như một cơn gió mạnh và tự do, nghĩa là Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh và tự do: cơn gió mạnh và tự do. Gió thì không thể kiểm soát được, không thể dừng hoặc đo lường được; và người ta cũng không dự đoán được hướng đi của nó. Gió không cho phép mình bị đóng khung trong những đòi hỏi của loài người chúng ta – chúng ta luôn cố gắng đóng khung mọi thứ – nó không để cho mình bị đóng khung trong các sơ đồ và định kiến của chúng ta. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và từ Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và bùng lên trên Giáo hội, trên mỗi người chúng ta, đem lại cho linh hồn và tâm trí chúng ta sự sống. Như kinh Tin kính đã đề cập “Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Ngài có quyền thống trị bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn hoang mang và sợ hãi. Họ không đủ can đảm để bước ra ngoài. Chúng ta cũng vậy, đôi khi điều đó xảy ra, chúng ta thích ở giữa những bức tường bảo vệ trong môi trường chúng ta. Nhưng Chúa biết cách đến với chúng ta và mở cánh cửa tâm hồn chúng ta. Ngài đã ban Thánh Thần xuống trên chúng ta, Đấng bảo bọc chúng ta và đánh bại mọi do dự của chúng ta, phá vỡ sự phòng vệ của chúng ta, tháo gỡ những sai lầm an toàn của chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thành thụ tạo mới, giống như Ngài đã làm cho các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần: Ngài đổi mới chúng ta, thành những thụ tạo mới.
Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, họ không còn giống như trước nữa – Chúa Thánh Thần đã thay đổi họ – họ bước ra ngoài, không hề sợ hãi và bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu, rao giảng Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài là Thiên Chúa ở với chúng ta, cứ như thế mỗi người đã hiểu được các ngài bằng ngôn ngữ của riêng mình. Bởi vì Chúa Thánh Thần là phổ quát, Ngài không tước khỏi chúng ta sự khác biệt văn hóa, tư tưởng. Không, Chúa Thánh Thần dành cho tất cả mọi người, và mọi người đều hiểu được Ngài bằng văn hóa và ngôn ngữ của mình. Chúa Thánh Thần thay đổi con tim, mở rộng cái nhìn của các môn đệ. Ngài đem lại cho họ khả năng truyền đạt cho mọi người những công trình vĩ đại của Thiên Chúa, không bị giới hạn, vượt ra ngoài ranh giới văn hóa và tôn giáo mà họ đã quen suy nghĩ và sống. Ngài làm cho các tông đồ có thể tiếp cận với người khác bằng cách tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, trong văn hóa và ngôn ngữ của từng người (c.5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần làm cho từng người khác nhau có thể tương thông khi thực hiện sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội.
Và ngày lễ hôm nay nói cho chúng ta biết rất nhiều và chân lý này, đây là thực tại của Chúa Thánh Thần, trong Giáo hội nơi luôn có những nhóm nhỏ đang tìm kiếm sự chia rẽ, tách mình ra khỏi người khác. Đây không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Thần của Thiên Chúa là sự hòa hợp, duy nhất và hiệp nhất những khác biệt. Một vị Hồng y khả kính, từng là Tổng Giám mục Genova, nói rằng: Giáo hội như một dòng sông: điều quan trọng là ở lại bên trong; nếu bạn đang đứng một chút bên này và một chút bên kia, điều đó không quan trọng, Chúa Thánh Thần sẽ hiệp nhất lại. Vị Hồng y đã dùng hình ảnh của dòng sông. Điều quan trọng là ở lại trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần và đừng nhìn vào những điều nhỏ nhặt mà bạn đang đứng một chút bên này và một chút bên kia, cho dù bạn đang cầu nguyện cách này hay cách khác…. Điều đó không quan trong đối với Thiên Chúa. Giáo hội dành cho tất cả mọi người, như chúng ta đã thấy Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Hôm nay, chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu bầu để Chúa Thánh Thần ngự xuống dồi dào, tràn đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên ngọn lửa yêu mến của Ngài trong lòng mọi người.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ