Thật vậy đối với Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào chính cuộc sống thần thiêng của Chúa Kitô và với Bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên nhân chứng của Ngài trong thế gian. “Chúa Thánh Thần tuôn đổ sự thánh thiện ở khắp mọi nơi và trên dân tộc trung tín thánh thiện của Thiên Chúa” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 6). “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu chuộc con người cách riêng lẽ, thiếu liên kết giữa họ, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (Hiến chế Lumen gentium, 9).
Qua các tiên tri xưa kia, Thiên Chúa đã loan báo cho toàn dân kế hoạch của Ngài. Qua tiên tri Êzêkiel: “Ta sẽ đặt thần trí của Ta vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi sống theo lề luật của Ta, tuân giữ và đem ra thực hành những phán quyết của Ta (Ez 36,27-28). Với tiên tri Gioel : “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ […] Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ […]. Hết những ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được ơn cứu độ” (Gioe 3,1-2.5). Tất cả những lời tiên tri này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, “Đấng trung gian và bảo đảm sự tuôn đổ vĩnh viễn của Thánh Thần” (Sách lễ Rôma, Kinh tiền tụng sau lễ Thăng Thiên”. Và hôm nay là lễ đổ tràn đầy Thánh Thần.
Kể từ ngày lễ hiện Xuống ấy, cho đến khi thời gian kết thúc, sự thánh thiện này, sự sung mãn này chính là Chúa Kitô, đã được trao ban cho tất cả những ai mở lòng ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần và cố gắng ngoan ngoãn sống theo Ngài. Và Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta để đánh bại sự khô khan, mở lòng cho hy vọng, cổ võ và thúc đẩy sự trưởng thành nội tâm trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Đó là những gì thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (Gal 5,22). Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện những điều ấy trong chúng ta. Vì thế hôm nay chúng ta mừng lễ về sự phong phú và Chúa Cha ban cho chúng ta.
Chúng ta cầu xin Đức Trinh nữ Maria cho Giáo hội, có được một lễ Hiện Xuống mới, một tuổi xuân mới, đem lại cho chúng ta niềm vui sống và làm chứng cho Tin mừng và “đổ đầy trong chúng ta một ước muốn sâu xa về đời sống thánh thiện để Chúa được vinh danh hơn” (Gaudete et exsultate, 177).
Sau kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến
Lễ Hiện Xuống mang tâm hồn chúng ta hướng về Giêrusalem. Tối qua tôi đã hiệp ý cách thiêng liêng vào đêm cầu nguyện cho hòa bình nơi thành thánh. Đây là vùng đất thánh của người Do thái, Kitô giáo và Hồi giáo. Và hôm nay chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài làm sống lại thiện chí và cử chỉ đối thoại, hòa giải nơi đất thánh và ở tất cả miền Trung Đông.
Tôi muốn dành dịp đặt biệt này cho đất nước Venezuela thân yêu. Tôi nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả người dân Venezuela, – tất cả mọi người, nhà cầm quyền, người dân – sự khôn ngoan để mọi người gặp nhau trên nẻo đường hòa bình và hiệp nhất. Tôi cũng cầu nguyện cho những tù nhân đã chết hôm qua.
Biến cố Hiện Xuống đánh dấu nguồn gốc sứ mạng phổ quát của Giáo hội. Đây là lý do mà hôm nay Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo được công bố. Và tôi cũng muốn nhắc lại rằng hôm qua mừng kỷ niệm 175 năm ngày khai sinh Hiệp hội Trẻ thơ Truyền giáo, mà ta thấy các trẻ em là những nhân vật chính của sứ mạng truyền giáo, bằng lời cầu nguyện, những cử chỉ yêu thương và phục vụ nhỏ bé hằng ngày. Tôi cám ơn và khuyến khích tất cả các em tham gia để truyền giảng Tin mừng cho thế giới.
Công bố danh sách 14 tân Hồng y
Cuối cùng Đức Thánh Cha vui mừng công bố danh sách 14 tân hồng y, sẽ được tấn phong vào ngày 29 thánh 6 tới đây. Ngài cũng mời mọi người cầu nguyện cho các tân hồng y để các vị cộng tác trợ giúp Đức Thánh Cha trong sứ vụ cai quản giáo hội.
1. Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako (Iraq), Thượng Phụ Babylon
2. Đức Giám mục Luis Ladaria Ferrer (Tây Ban Nha), Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin
3. Đức Giám mục Angelo de Donatis (Italia), Giám quản Roma
4. Đức Giám mục Giovanni Angelo Becciu (Italia)
5. Đức Giám mục Konrad Krajewski (Ba Lan)
6. Đức Giám mục Coutts (Pakistan)
7. Đức Giám mục Antonio dos Santos Marto (Bồ Đào Nha)
8. Đức Giám mục Pedro Barreto (Peru)
9. Đức Giám mục Désiré Tsarahazana (Madagascar)
10. Đức Giám mục Giuseppe Petrocchi (Italia)
11. Đức Giám mục Thomas Aquinas Manyo (Nhật Bản)
12. Đức Giám mục Sergio Obeso Rivera (Mexico)
13. Đức Giám mục Toribio Ticona Porco (Bolivia)
14. Cha Aquilino Bocos Merino (Tây Ban Nha)