Tin Giáo hội Giáo huấn Chúa Thánh Thần bẻ gãy mọi xiềng xích trong tâm hồn chúng...

Chúa Thánh Thần bẻ gãy mọi xiềng xích trong tâm hồn chúng ta

Trong bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ vào sáng thứ tư 30/10/2019 tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng của Giáo hội. Xiềng xích bị bẻ tan, tâm hồn mở ra cho một niềm vui chưa hề có, đón nhận Chúa Kitô và “những người thuộc về Ngài”. Đó là hành động của Thánh Thần “nhân vật chính trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội”.  

14. “Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!”  (Cv 16, 9). Đức tin Kitô giáo đến Châu Âu.

Anh chị em thân mến!

Khi đọc Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy được Chúa Thánh Thần đóng vai trò chính trong sứ mạng của Giáo hội như thế nào: chính Ngài hướng dẫn bước đường của các nhà truyền giáo bằng cách chỉ cho họ lộ trình phải theo.

Chúng ta thấy rõ điều này khi tông đồ Phaolô đến Troas, ở đó ngài nhận được một thị kiến. Một người Macedonia cầu xin ngài: “hãy đến Macedonia để giúp chúng tôi” (Cv 16,9). Người dân miền Bắc Macedonia rất tự hào về điều này, họ rất hãnh diện vì đã mời được Phaolô đến để rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Tôi nhớ rất nhiều về dân tộc ấy đã đón tiếp tôi thật nồng nhiệt: hãy để họ gìn giữ niềm tin mà thánh Phaolô đã mang đến cho họ. Thánh Phaolô đã không ngần ngại đi đến Macedonia, chắc chắn chính Thiên Chúa đã sai ông, và ông đã đến Philipphê, “thuộc địa của Roma” (Cv 16,12) trên đường Egnatia, để rao giảng Tin mừng. Phaolô lưu lại đó một vài ngày. Có ba sự kiện đặc trưng khi lưu lại Philipphê ba ngày này: 1. truyền giáo và rửa tội cho Lydia và gia đình của bà; 2. Phaolô bị bắt giam cùng với Sila, sau khi trừ tà cho người đầy tớ gái bị bóc lột bởi những ông chủ của mình; 3. Sự trở lại và chịu phép rửa của viên cai ngục và mọi người trong gia đình của ông ta. Chúng ta thấy được ba sự việc này trong cuộc đời của thánh Phaolô.

Sức mạnh của Tin mừng trước hết được gửi tới những người phụ nữ ở Philipphê, cách riêng cho bà Lydia, chuyên buôn bán vải điều, thuộc thành phố Thyatira, là người tin vào Chúa và được Chúa mở lòng để “tiếp nhận lời rao giảng của Phaolô” (Cv 16,14). Thật vậy, Lydia đón nhận Chúa Kitô, chịu phép rửa cùng với gia đình của bà và đón tiếp những người thuộc về Chúa Kitô, cho Phaolô và Sila trú trọ trong nhà mình. Ở đây chúng ta có bằng chứng cho sự cập bến của đạo Kitô giáo ở Châu âu: khởi đầu của một tiến trình hội nhập văn hóa kéo dài cho tới hôm nay. Kitô giáo đã du nhập vào Macedonia.

Sau kinh nghiệm nóng hổi tại nhà Lydia, Phaolô và Sila thấy mình phải đương đầu với sự khắc nghiệt của nhà tù: họ trải từ niềm vui qua sự trở lại của Lydia và gia đình bà, đến nỗi sầu trong tù, nơi họ bị quẳng vào để giải phóng, nhân danh Chúa Giêsu, cho “một đầy tớ gái bị quỷ thần ốp” và là người “làm lợi nhiều cho các chủ của cô” bằng nghề bói toán (Cv 16,6). Các ông chủ của cô kiếm được nhiều tiền và người đầy tớ tội nghiệp này đã làm điều mà các thầy bói làm: cô đoán tương lai cho bạn, đọc chỉ tay cho bạn – như bài ca “hãy cầm lấy đôi tay này của người digan” – và người ta đã trả tiền cho việc này. Ngày nay cũng thế, anh chị em thân mến, người ta trả tiền cho điều này. Tôi nhớ trong giáo phận của tôi, nơi một công viên rất lớn, có hơn 60 cái bàn nhỏ, có các ông bà thầy bói ngồi ở đó, họ đọc chỉ tay cho bạn và người ta đã tin về những điều ấy! Và rồi họ trả tiền. Đây là cũng điều đã xảy ra vào thời của thánh Phaolô. Các ông chủ của cô, vì muốn trả đũa, họ đã tố cáo Phaolô và đưa các Tông đồ đến trước các quan tòa với cáo buộc gây mất trật tự công cộng.

Nhưng điều gì đã xảy ra? Phaolô đang ở trong tù, tuy nhiên một sự kiện đáng kinh ngạc đã xảy ra trong lúc ông bị giam cầm. Thật đáng buồn, nhưng thay vì phàn nàn, Phaolô và Sila quay lại ca ngợi Thiên Chúa và lời ca ngợi này phát ra sức mạnh giải phóng họ: đang khi cầu nguyện, một trận động đất làm lay chuyển nền móng của nhà tù, các cửa đều mở ra và mọi xiềng xích đều rơi xuống (x. Cv 16,25-26). Giống như lời cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngay cả sự việc được thực hiện trong tù cũng gây ra những tác động phi thường.

Viên cai ngục nghĩ rằng các tù nhân đã trốn thoát, ông định tự sát, bởi vì các quản ngục phải trả giá bằng mạng sống của mình nếu để một tù nhân trốn thoát; nhưng Phaolô kêu lên: “Chúng tôi đang ở đây!” (Cv 16,27-28).  Lúc đó viên cai ngục hỏi: “Tôi phải làm gì để được cứu?” (c.30). Câu trả lời là: “ông hãy tin vào Chúa Giêsu, ông và cả gia đình ông sẽ được cứu” (c.31). Đây là thời điểm xảy ra sự biến đổi: vào giữa khuya, viên cai ngục cùng với gia đình của ông nghe lời Chúa, tiếp nhận các tông đồ, chữa các vết thương cho họ – bởi bị các ngài bị đánh – và chịu Phép rửa cùng với mọi người trong nhà; Và rồi “Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa” (c.34), ông chuẩn bị bàn ăn và mời Phaolô cùng Sila ở lại với gia đình: giây phút an vui! Ngay giữa đêm khuya của viên cai ngục vô danh này, ánh sáng của Chúa Kitô chiếu dọi và triệt hạ bóng đêm: xiềng xích tâm hồn rơi xuống và nảy sinh nơi ông và mọi người trong nhà một niềm vui như chưa hề có. Như thế, Chúa Thánh Thần đang thi hành sứ mạng: bắt đầu từ Lễ Hiện Xuống trở đi, Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong sứ mạng rao giảng Tin mừng. Và để tiếp tục, cần phải trung thành với ơn gọi mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta thi hành; để mang Tin mừng.

Hôm nay chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần ban chúng ta một tâm hồn rộng mở, nhạy cảm cho Thiên Chúa và hiếu khách với anh chị em, giống như bà Lydia; một đức tin liều lĩnh như Phaolô và Sila; một con tim rộng mở như viên cai ngục để Chúa Thánh Thần tác động.

v

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va:

Exit mobile version