Chúa nhật I mùa Vọng. Năm B – 2011.

191

Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng.  Năm B – 2011.

 

Ông bà anh chị em thân mến.  Bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta khởi đầu một cuộc hành trình đi vào mùa phụng vụ mới trong lịch sử ơn cứu độ.  Mùa Vọng là mùa trông đợi và chuẩn bị. Trước hết, chúng ta có 4 tuần mùa Vọng được tượng trưng cho 4 cây nến đặt trong vòng hoa trước bàn thờ đây, để chuẩn bị và sửa soạn tâm hồn cho ngày lễ Giáng Sinh.  Thứ đến, giáo hội kêu gọi chúng ta hướng tâm hồn về viễn ảnh ngày tận thế, ngày Chúa đến lần thứ hai để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Ngoài ra và trước hết, chúng ta còn phải trông đợi Chúa đến với chúng ta trong ngày sau hết của đời mình. Vì thế bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta Chúa đến một cách bất ngờ, và thái độ của chúng ta là những Kitô hữu phải lưu ý đến và sống Lời Chúa, luôn tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ân sủng và an bình.

Có một ký giả tên là Robert thường xuyên viết cho một tạp chí về xe hơi.  Ông ta cũng viết một cuốn sách nổi tiếng là: ‘’Drive It Forever’’, xin tạm dịch là: ‘’Xử Dụng Xe Muôn Đời’’.  Năm 1986, ông mua một chiếc xe Ford cũ đời 1984.  Và ông nhờ một thợ máy xe danh tiếng bậc nhất sửa và tu bổ chiếc xe này cho đến khi được tuyên bố là như xe mới.

Sau đó, ông được mướn trở thành một điều tra viên và có nhiệm vụ lái chiếc xe này đi khắp nơi, dừng lại tại 250 tiệm xửa xe trong 33 tiểu bang, để viết một bản báo cáo nhận định khả năng và sự chân thật của thợ sửa xe.  Trước khi dừng lại tại một tiệm sửa xe nào, ông kéo dây gắn vào ‘’buri’’  (spark-plug) cho lỏng ra làm cho máy chạy không đều.  Một sợi dây lỏng là một điều rất dễ nhận ra và sửa, dù là một thợ mới ra trường cũng rất dễ biết và sửa.

Điều gì đã xảy ra tại 250 tiệm sửa xe khi người thợ máy xem xét? Chúng ta hãy nghe chính ông Robert kể lại: ‘’Tôi chỉ bằng lòng được 44 phần trăm, 56 phần trăm còn lại, người thợ máy xe đã sửa những bộ phận không cần sửa, thay thế những bộ phận không phải thay thế hoặc tính tiền những công việc không làm.  Tệ hơn là những công việc sửa chữa họ làm tạo ra những trở ngại khác.  Tổng cộng hơn100 trở ngại vô ích đã được kê ra tốn phí từ 20 đến 1,000 đô la.  Ông Robert kể tiếp rằng một sự việc vô lý xảy ra tại một tiệm sửa xe trong thành phố Tucson, tiểu bang Arizona, khi ông đưa xe cho vợ lái đến. Người thợ máy đã nối sợi dây điện vào, nhưng trong đơn trả tiền thì đề là: điều chỉnh buồng đốt khí và hệ thống timing. Buồng đốt khí của loại xe này thì được niêm phong hay dính chặt và không bao giờ phải điều chỉnh. Ông Robert đã kết thúc bản báo cáo bằng sự cảnh báo những người lái xe: hãy coi chừng khi phải nhờ đến thợ sửa xe.  Có nhiều thợ sửa xe giỏi và cũng có nhiều thợ xấu.

Ông bà anh chị em thân mến. Có lẽ ông bà anh chị em tự hỏi câu chuyện trên có điều gì liên quan đến mùa Vọng  bắt đầu hôm nay?  Câu trả lời rất đơn giản: câu cảnh báo của ông Robert trong bản báo cáo và điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay giống nhau.  Cả hai sứ điệp nói với chúng ta: hãy coi chừng. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu bắt đầu lời giảng dạy  bằng câu nói: ‘’Các con hãy coi chừng’’

Chúng ta hiểu ông Robert nói với chúng ta hãy coi chừng điều gì, nhưng Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta hãy coi chừng sự gì?  Thưa Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy coi chừng ngày Chúa đến phán xét hay ngày sau hết của cuộc đời mình, bất cứ ngày nào đến trước.  Chúa cảnh báo chúng ta rằng ngày Chúa đến bất ngờ thình lình, vì chúng ta không biết lúc đó là lúc nào, và có thể trong lúc chúng ta không sửa soạn, chuẩn bị.  Hay nói một cách tích cực, Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta hãy bắt đầu sống một cuộc sống đổi mới. Chúa muốn thúc đẩy chúng ta từ bỏ cuộc sống chần chừ và bắt đầu sống như thế nào để nếu Chúa đến hôm nay chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Và Chúa cũng muốn chúng ta hãy coi chừng đừng để cuộc sống này qua đi mà chúng không sống hay thực hiện những điều chúng ta muốn thực hiện.

Ông bà anh chị em thân mến. Con người nhân loại chúng ta phải theo một định luật cố định của tạo hóa.  Có nghĩa là chúng ta có sinh, thì chúng ta cũng sẽ có tử.  Chúng ta cũng sẽ qua đi như một lần chưa bao giờ có mặt chúng ta trên trái đất này.  Như chúng ta thường nghe cuộc đời được ví như mây trôi, gió thổi, như bóng câu qua cửa sổ, như bông hoa sớm nở chiều tàn.

Và như chúng ta hiểu biết, vũ trụ và mọi thứ vật chất qua đi là xong, là hết chuyện. Còn loài ngườI chúng ta thì không như thế, ngày sau hết hay chết không phải là hết, chết là bắt đầu cho cuộc sống mới, đời sống vĩnh cửu.  Chúng ta có tin hay không tin, hay nghi ngờ, sự sống vĩnh cửu vẫn là một sự thật như lời Chúa đã khẳng định: ‘’Mọi vật sẽ qua đi, trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.’’  Cho nên ông bà anh chị em thân mến.  Mỗi người chúng ta đây sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ phải đối diện với ngày sau hết của mình.

Thế nhưng, ngay trong cuộc sống này và bắt đầu từ giây phút này, mỗi người chúng ta có thể quyết định cho số phận cuộc sống vĩnh cửu của mình: kết hợp hạnh phúc, bình an với Thiên Chúa, hay muôn đời phải chịu nhiều cực hình. Nói một cách rõ hơn, cuộc sống vĩnh cửu của mỗi người được định đoạt tùy theo đời sống hiện tại này.  Cho nên chúng ta phải biết lắng nghe và thực hành lời Chúa kêu gọi hãy coi chừng, hãy sửa soạn chuẩn bị. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng để cơ hội mùa Vọng này đi qua mà không làm điều gì có ý nghĩa cho đời sống, nhất là cho đời sống tinh thần. Đừng để cơ hội qua đi mà không làm những điều chúng ta muốn và phải làm. Đừng hoãn lại những điều chúng ta muốn  sống: tốt lành, thánh thiện, ăn ở ngay lành, công bằng và bác ái, yêu thương, hay muốn có một gia đình yêu thương, hoà thuận và đầm ấm. Xin ánh sáng Tin mừng và tình yêu của Chúa chiếu vào và hiện diện trong tâm hồn mọi người chúng ta, để chúng ta luôn sống trong sự chuẩn bị sẵn sàng trong bình an và ân sủng của Chúa.

Lm. Antôn, giáo xứ Thánh Giuse, Tulsa, OK