Chúa nhật Thứ Hai Mùa Chay. Năm B 2012.

98

 Chúa nhật Thứ Hai Mùa Chay. Năm B 2012.

Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ hai mùa Chay hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện biến hình của Chúa Giêsu trước mặt 3 tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trong một giây phút tuyệt đỉnh thoáng qua, các ông nhận ra bản thể của Chúa và đã được chiêm ngưỡng sự vinh quang huy hoàng của Chúa.
Trong đời sống hàng ngày của chúng ta cũng có những giây phút tuyệt đỉnh giúp chúng ta nhìn ra những sự việc thông thường trong một phương cách khác thường. Đây là những giây phút mà Thiên Chúa chiếu tỏa qua hay hiện diện trong các sự việc chung quanh trong đời sống và cho chúng ta một cái nhìn vào một thế giới khác vượt qua cuộc sống hiện tại.Có một câu chuyện về một người mẹ trẻ. Mỗi buổi sáng thứ Bảy hàng tuần thức dậy sớm để sửa soạn bữa ăn điểm tâm cho gia đình. Qua cửa sổ, ánh sáng ban mai chiếu tỏa chan hòa vào nhà bếp và phòng khách. Bà nhìn ra phòng khách thấy các con của bà thì đang nói cười, chơi dỡn với nhau. Chồng của bà thì đang chơi đùa với đứa con nhỏ nhất được 3 tuổi. Đang trong lúc trét bơ vào bánh mì và đổ nước cam vào ly, thình lình bà cảm thấy xúc động, bà cảm thấy một sự vui mừng, hạnh phúc và niềm yêu thương gia đình trào lên, chan hòa trong tâm hồn làm cho đôi mắt bà ngấn lệ không nói nên lời.

Ông bà anh chị em thân mến. Cảm nghiệm của người mẹ trẻ này nhận được trong giây phút được gọi là tột đỉnh, là vì trong một thoáng đặc biệt quí trọng, bà đã nhận ra sự biến thể, một sự khác thường của một hoạt động bình thường trong gia đình, nhưng đã cho bà một ý nghĩa cao quí bổn phận của mình và đã đánh động vào tâm tư của bà. Và như chúng ta biết những cảm nghiệm đặc biệt này có thể biến đổi đời sống chúng ta. Giây phút cảm nghiệm tột đỉnh này cũng xãy ra trong đời sống tinh thần hay trong đời sống cộng đoàn. Tôi xin đơn cử thí dụ như qua việc làm lá của cộng đòan, một người hy sinh tham gia, qua sự kích động của Chúa Thánh Thần, mới có thể hiểu được ý nghĩa cao quí sự hy sinh tham gia của mình, có thể cảm nghiệm được sự hợp nhất, kết hợp của những chi thể trong thân thể của Chúa Kitô, và mới hiểu được ý nghĩa sâu xa và cụ thể của lời Chúa thế nào là chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Hay trong tuần tĩnh tâm, một người có thể nhận được một ơn đặc biệt, thay đổi cuộc sống hay thái độ để có một cuộc sống tốt lành đạo đức hơn. Đó là giây phút hay một thoáng tột đỉnh khi chúng ta được tác động bởi Chúa Thánh Thần, cảm nghiệm được ơn sủng của Thiên Chúa bao phủ, và có một cái nhìn khác thường vào một sự việc thông thường hiện tại, biến đổi sự hiểu biết của chúng ta để chúng ta nhận ra giá trị cao quí tinh thần của sự việc, và giúp biến đổi đời sống của chúng ta.

Đây cũng là giây phút tuyệt đỉnh mà 3 tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã trải qua trong câu chuyện Chúa biến hình trong bài Tin mừng hôm nay. Trong một giây phút, 3 tông đồ thân cận của Chúa nhìn được một thế giới vượt qua thế giới hiện tại. Trong một giây phút, họ nhìn được sự huy hhoàng, sáng chói bên trong con người của Chúa Giêsu chiếu tỏa ra bên ngoài. Trong một giây phút tuyệt đỉnh, 3 tông đồ nhìn Chúa Giêsu, thầy của mình, trong một hình thái hoàn toàn khác biệt. Họ nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa chiếu tỏa trên và bao phủ lấy con ngườI của Chúa Giêsu. Và họ đã nghe được tiếng nói của Thiên Chúa Cha từ đám mây khẳng định với họ, “Đây là Con ta rất yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người.”

Thế nhưng như chúng ta biết hình như các tông đồ không chú ý, không hiểu ý nghĩa câu nói của Thiên Chúa Cha, và do đó chưa hiểu thấu được sứ mệnh cao cả của Thầy mình là Ngài phải lên Giêrusalem, phải chịu thương khó, đóng đinh và chịu chết trên thập giá. Và khi Chúa nói với các ông là đừng nói với ai sự việc các ông đã xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại, các ông sợ hãi, kinh ngạc, không hiểu và đã hỏi nhau, “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ông bà anh chị em thân mến. Có lẽ đã và sẽ có nhiều lần trong cuộc sống Kitô hữu chúng ta xảy ra những sự việc giống như các tông đồ, khi Thiên Chúa cố gắng dùng mọi phương cách để muốn nói với chúng ta, nhưng chúng ta không để ý, không nghe hay từ chối không nghe. Có thể Thiên Chúa đã gào thét với chúng ta, nhưng chúng ta đã làm ngơ, bịt tai lại. Chúng ta nêu ra nhiều lý lẽ này hay lý lẽ nọ hay lý do bận rộn không có thời giờ, để chúng ta tránh không muốn nghe những điều Chúa muốn chúng ta nghe, Chúa muốn chúng ta phải làm cho chính cá nhân, gia đình hay cộng đoàn hay cho tha nhân. Có bao giờ chúng ta dùng thời giờ trong ngày để lắng nghe Chúa muốn nói với chúng ta điều gì không?

Chúng ta có thể hỏi tại sao Giáo hội lại đưa câu chuyện Chúa biến hình trong cảnh huy hòang và vinh quang vào mùa chay? Tại sao không xử dụng trong mùa phục sinh? Xin được trả lời. Thứ nhất, cũng như các tông đồ cần ghi nhớ hình ảnh vinh quang, để đối diện với sự việc đau thương sắp xảy ra cho Thầy mình, chúng ta cũng cần sự can đảm, mạnh mẽ nhất là tin tưởng để đối diện với những hoàn cảnh, sự việc khó khăn thử thách trong cuộc sống. Qua sự biến hình trong vinh quang, Chúa muốn tỏ cho chúng ta biết để chúng ta tin Người là Con Thiên Chúa sẽ phục sinh vinh quang từ cõi chết. Thứ nhì, chúng ta cần ơn Chúa để đối phó với những cám dỗ trong sự quyết tâm cải thiện, thống hối ăn năn, để có đời sống đạo đức và thánh thiện hơn qua việc cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, hy sinh phục vụ và sống bác ái quảng đại trong mùa chay. Và cuối cùng, chúng ta cần được nhắc nhở tỉnh thức, dùng thời giờ và tìm nơi để gặp và lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta, lắng nghe thánh ý Chúa cho cuộc sống, như Chúa Giêsu đã làm trong vườn Giệt si ma ni, trong lúc các tông đồ thì say sưa ngủ. Chúa muốn củng cố lòng tin của chúng ta đón nhận thánh ý Chúa.

Nói tóm lại ông bà anh chị em thân mến. Nếu chúng ta muốn đi đến vinh quang, thì chúng ta phải trải qua một cuộc biến đổi, và cuộc biến đổi này thường có những đau khổ, khó khăn, thử thách và gian truân. Và trong những khó khăn, thử thách, và thánh giá, chúng ta nhớ lại câu chuyện biến hình của Chúa và cầu xin có giây phút tột đỉnh, để nhận ra lòng yêu thương, sự quan phòng của Thiên Chúa và tìm được ánh sáng hy vọng nơi cuối chân trời. Người VN chúng ta có câu tục ngữ: “Vạn sự khởi đầu nan.” Có nghĩa là có nhiều sự khó khăn trước khi có sự thành công. Cũng như không ai trong chúng ta muốn đau đớn bệnh hoạn, nhưng có đau đớn thì mới biết mình có bệnh mà chữa.

Ông bà anh chị em thân mến. Đây là bài học chúng ta cần lắng nghe và ghi nhớ, Chúa đã chọn con đường thập giá để đi đến vinh quang, Người cũng mời gọi chúng ta đi theo con đường Người đã đi, “Ai muốn theo ta phải vác thánh giá mình mà theo.” Xin Thiên Chúa ban chúng ta một giây phút tột đỉnh để lắng nghe lời Chúa nói, và nhìn ra được giá trị và ý nghĩa cao quí được thánh ý Chúa trong đời sống Kitô hữu, và có sự hy sinh, hãm mình và bác ái để có đời sống tốt lành thánh thiện hơn.

Lm. Antôn, giáo xứ Thánh Giuse Tulsa