Chúa nhật thứ 5 Phục sinh Năm B 2012.

120

Chúa nhật thứ 5 Phục sinh  Năm B 2012.

Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh mục tử tốt lành và đoàn chiên để cho chúng ta biết chính Ngài là vị Mục tử tốt lành, yêu thương, săn sóc và bảo vệ chúng ta khỏi những sự dữ.  Chúng ta là chiên của Ngài phải luôn nghe lời dạy dỗ và đi theo con đường của Chúa, để chúng ta có một sự kết hợp mật thiết với Chúa trong một đàn chiên. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa lại dùng một hình ảnh đẹp khác đó là cây nho và cành nho, để dạy chúng ta một bài học quí giá nói lên sự cần thiết liên kết, dính liền của cành là chúng ta với thân cây là chính Chúa Giêsu để có sự sống và sinh hoa trái tươi tốt.

     Nếu tôi hỏi mọi người hình “Uncle Sam” này biểu tượng cho quốc gia nào, thì mọi người đều có thể trả lời Hoa Kỳ.  Nếu tôi hỏi mọi người hình búa và lưỡi liềm này biểu tượng cho quốc gia nào, thì mọi người trong thánh đường có thể trả lời là Nga sô.  Nếu tôi hỏi hình lá ba nhánh này biểu tượng cho quốc gia nào, nhiều người có thể trả lời là Canada. Nhưng nếu tôi hỏi hình cành nho này biểu tượng cho quốc gia nào, thì ít người biết.  Kinh thánh cho chúng ta biết ngày xưa cành nho là biểu tượng của quốc gia Do thái.

      Chúng ta tìm thấy 2 thí dụ trong Kinh thánh đã dùng cành nho để chỉ về nước Do thái.  Thứ nhất, trong thánh vịnh 80, tác giả đã cầu nguyện Thiên Chúa trong những câu sau đây về Do thái: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng.” Thí dụ thứ hai, ngôn sứ I-sa-i-a đã xác định Do thái là vườn nho của Thiên Chúa, và nói rằng: “Vườn nho của Thiên Chúa chính là nhà Israel.”  Nhưng vườn nho đó đã trở nên xấu và hư hỏng và dân chúng đã lánh xa Chúa.  Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán với dân Do thái qua lời của ngôn sứ I-sa-i-a: “Ta đã ra tay cuốc đất nhặt đá, những mong nó sinh trái tốt, sao nó sinh nho dại?”

     Qua sự kiện đó chúng ta nghe Chúa Giêsu phán rằng: “Thầy là cây nho thật.  Thầy là cây nho các con là nhành. Nhành nào lìa cây sẽ khô héo liền.  Nhành nào trong Thầy thì hoa trái nhiều.”

     Chúng ta biết cành nho, hay bất cứ một loại cành nào, muốn có sự sống và muốn sinh nhiều hoa kết trái và nhất là ngon cần có 2 yếu tố:  Yếu tố thứ nhất: phải gắn liền với thân cây. Tách lìa khỏi thân, cành sẽ khô héo vì mất sự sống.  Nói cách khác, cành tự nó không thể sống được và không thể tự sinh hoa kết trái được.   Gắn liền với thân thì nhựa sống mới có thể lưu chuyển qua, có dưỡng chất và mới trở nên tươi tốt.  Yếu tố thứ 2 là phải được cắt tỉa. Nếu không cắt tỉa, thì không thể sinh hoa trái tươi tốt dồi dào được.  Cắt tỉa cây nho là một điều cần thiết và là điều kiện để sinh nhiều hoa trái.  Chúng ta biết có hai loại cành nho, một loại sinh trái và một loại không sinh trái.  Loại cành không sinh trái phải cắt bỏ, nếu để lại, chúng choán chỗ và hút mất sinh lực của cây nho.  Cây nho sẽ không sinh trái đúng mức nếu không cắt tỉa thật kỹ.  Chúa Giêsu biết rõ điều đó.

      Nhưng như chúng ta biết cắt tỉa là một quá trình gây đau thương cho một cây ăn quả.  Đây là một thực tế không thể chối cãi được.  Nhưng mục đích của việc cắt tỉa này không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.

      Ông bà anh chị em thân mến. Qua hình ảnh cây và cành nho, Tin mừng muốn ám chỉ đến đời sống đức tin, đến sự liên hệ giữa chúng ta với Chúa Giêsu. Trong đời sống đức tin, người Kitô hữu cần phải kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là nguồn sống, thì đời sống đức tin của chúng ta mới sinh hoa trái tươi tốt.  Muốn kết hợp mật thiết với Chúa thì chúng ta phải tuân giữ và sống lời của Chúa.  Và chúng ta phải chấp nhận để cho Chúa cắt tỉa, nghĩa là phải chấp nhận loại bỏ những gì không đẹp lòng Chúa, từ bỏ những thói hư tật xấu, những sự kiêu căng, tự cao, tự đại, hay sự lười biếng và ích kỷ.  Dĩ nhiên như chúng ta biết cắt tỉa thì phải đau đớn.  Nhưng mới đưa đến nhiều hoa trái và ngon hơn.

    Nhìn vào thực trạng sống đạo, đời sống đức tin của người Kitô hữu hôm nay, chúng ta dễ dàng thấy có 3 hạng Kitô hữu: hạng thứ nhất là cành đã lìa thân, hay có thể gọi là: Hữu danh vô thần:  Họ là những người mang danh là Kitô hữu, nhưng đã tách lìa xa Chúa Kitô và hội thánh. Họ sống như những người vô thần, không giữ đạo và cũng không sống đạo.

    Hạng Kitô hữu thứ hai là thứ cành không sinh hoa trái là những người mang danh có đạo, nhưng không sống đạo thật tình hay sống đạo kiểu cầm chừng, đi nhà thờ 1 tuần một giờ cho đầy đủ luật lệ.  Hay có hình thức đạo bề ngoài xum xuê nhưng không biết Chúa và không sống Lời Chúa.

    Hạng Kitô thứ ba là cành nho dính với thân cây và sinh hoa trái, hay những Kitô hữu sống đạo thực sự.  Họ nghe và sống Lời Chúa.  Họ sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh, sống bác ái, quảng đại và chấp nhận cắt tỉa mỗi ngày để hoa trái được phong phú: Hạt 30, hạt 60, hạt 100.  Đối với họ, Lời Chúa luôn là nhựa sống đem lại sự sống cho cành nho đời họ.  Đối với họ Lời Chúa còn là phương thế cắt tỉa, thanh luyện để họ có thể sinh hoa trái dồi dào hơn: hoa trái của bác ái yêu thương, hoa trái của công bình ngay thẳng, hoa trái của hiệp nhất phục vụ, hoa trái của hy sinh dấn thân và xây dựng.

    Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay chúng ta hãy thành thật tự hỏi: Tôi đang thuộc hạng Kitô hữu nào trên đây?  Hạnh phúc thay cho chúng ta nếu chúng ta có tên trong danh sách những người thuộc hạng thứ 3, đời sống đức tin chân chính sinh nhiều hoa trái. Ngược lại, thật bất hạnh cho chúng ta nếu chúng ta ở trong những hạng Kitô hữu 1 và 2, và sẽ bị phán xét công bằng trước toà Thiên Chúa sau này.

      Xin Chúa ban cho chúng ta biết khôn ngoan sáng suốt để xin ơn Chúa xuống thánh hóa cuộc sống của chúng ta hôm nay.  Chúng ta cầu xin Đức Mẹ Maria, trong tháng 5, tháng hoa kính Đức Mẹ, che chở và giúp chúng ta sống kết hợp mật thiết hơn với Chúa Giêsu con của mẹ hơn để lãnh nhận nhựa sống và sinh hoa trái tốt tươi.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa